|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

12 tính xấu của nhà quản lí và cách đối phó chuyên nghiệp

14:16 | 11/01/2020
Chia sẻ
Nhà quản lí xấu tính là một trong những vấn đề phổ biến với tất cả chúng ta nhưng thực tế, rất hiếm người nghĩ tới cách đối phó.

Những cuộc họp về ban lãnh đạo một công ty thường có xu hướng chỉ tập trung vào kết quả tích cực như tư duy đổi mới, chiến lược đoàn kết nội bộ hay hiệu suất làm việc. Tuy nhiên, đối với phần lớn nhân viên, nhóm quản lí trong tổ chức dường như đã trở thành một nguồn gây căng thẳng hơn là nguồn cảm hứng.

Quả thực, cứ mỗi nhà lãnh đạo linh hoạt và người quản lý thông minh xuất hiện thì lại có hàng tá người sếp mang tư tưởng độc hại dưới nhiều hình thức khác nhau cũng bắt đầu nhậm chức. 

Giáo sư Barbara Kellerman tại Đại học Harvard đã dành rất nhiều năm trong sự nghiệp để nghiên cứu các nhà lãnh đạo tồi và chia họ thành 7 loại chính: (1) bất tài, (2) cứng nhắc, (3) không khoan nhượng, (4) nhẫn tâm, (5) tham nhũng, (6) ích kỉ và (7) xấu xa. 

Điểm chung của tất cả nhóm ấy là khả năng gây căng thẳng cho người khác, đặc biệt là cấp dưới. Không ngạc nhiên khi nhiều nghiên cứu tâm lí kết luận trải nghiệm làm việc dưới quyền một sếp tồi tương đương với rối loạn căng thẳng sau chấn thương.

Vì những người như vậy có mặt ở khắp nơi, thật khó để tránh họ. Cách dễ nhất để đối phó với tình huống này tất nhiên là nghỉ việc nhưng người tiếp theo có thể cũng như vậy hoặc thậm chí còn tệ hơn. 

Và dù việc tự kinh doanh có vẻ rất hấp dẫn bởi phàn nàn về sếp sẽ khó hơn nhiều khi bạn chính là sếp, trách nhiệm của một startup sẽ lớn hơn rất nhiều, bao gồm cả làm việc nhiều giờ hơn chỉ để kiếm ít tiền hơn cũng như thành tựu đạt được thấp hơn so với khi được hỗ trợ bởi một tổ chức.

Vậy cách tốt nhất để đối phó với một người sếp gây căng thẳng là gì? Không có công thức chung nào cho câu hỏi trên nhưng dưới đây là 3 lời khuyên đơn giản của các chuyên gia HBR:

12 tính xấu của sếp và cách đối phó chuyên nghiệp - Ảnh 1.

Các phân tích khoa học tổng hợp cho thấy có 11 tính xấu đặc trưng của các nhà quản lí. Ảnh: HBR

Đặt bản thân vào vị trí lãnh đạo 

Dù sếp của bạn tệ đến đâu, có lẽ họ cũng có một số nét tính cách nhất quán. Hãy học cách dự đoán phản ứng của họ và điều đó sẽ trở thành vấn đề nhỏ hơn nhiều. Người Na Uy có một thành ngữ nổi tiếng: “Không có thời tiết tồi, chỉ có quần áo tồi”. 

Cách tiếp cận thực dụng này cũng rất hữu ích khi đối phó với một ông chủ như vậy. Khi bạn đã nhận ra bản chất của sếp, hãy chuẩn bị. Giống như thời tiết, tâm trạng con người cũng dao động hàng ngày nhưng tính cách thì luôn thể hiện rõ ràng, tương tự như vùng khí hậu. 

Tập trung đặc biệt vào việc giải mã mặt tối của người quản lý của bạn - những khía cạnh không mong muốn hoặc không tốt trong tính cách của họ gây hại cho khả năng xây dựng và duy trì một đội ngũ hiệu suất cao và thu hút nhân viên của họ. 

Các phân tích khoa học tổng hợp cho thấy có 11 tính xấu đặc trưng của các nhà quản lí. Trong đó, 54% có ít nhất 3 tính xấu nhưng có những người có toàn bộ 11 đặc điểm. 

Trong khi những tính xấu này sẽ được đánh giá tốt nhất thông qua các công cụ phân tích dữ liệu, không một nhà quản lí nào nghĩ tới chuyện nên thực hiện đánh giá tâm lí và nếu có, hầu hết cũng không chia sẻ kết quả với nhân viên. 

Thông tin bên dưới có thể giúp bạn suy luận ra tính cách của lãnh đạo hiện tại và chiến lược đối phó.

Đặc điểm

Hành vi

Cách đối phó

Dễ kích động

Thay đổi tâm trạng dữ dội, luôn biến động, phản ứng thái quá, giận bất thường, bắt nạt, quấy rối.

Giữ tình hình không leo thang, bình tĩnh, chờ cơn giận qua đi.

Đa nghi

Không tin tưởng, cực kì độc đoán, luôn thách thức, khao khát trả thù, hoang tưởng.

Trao đổi dựa trên dữ liệu, không đặt câu hỏi cho họ và đừng hi vọng sẽ được tin tưởng.

Quá thận trọng

Sợ bị chỉ trích, sợ rủi ro, khả năng phân tích bị tê liệt, miễn cưỡng nắm bắt cơ hội, không muốn đổi mới.

Thực hiện mọi thứ theo quy trình, thay đổi từ từ và không phá vỡ mọi thứ. Nếu bạn muốn gây ảnh hưởng tới họ, gậy có tác dụng tốt hơn cà rốt.

Ích kỉ

Không quan tâm đến người khác và cảm xúc của họ, khả năng giao tiếp kém, không biết cách diễn đạt (mặt không biểu cảm).

Giao tiếp qua thư điện tử thay vì gặp mặt trực tiếp, không biến họ thành tâm điểm sự chú ý, tôn trọng quyền riêng tư của họ.

Thụ động

Bướng bỉnh, tránh xung đột, hung hăng thụ động, chống đối thụ động, không hợp tác.

Không dồn ép hay vội vàng cho rằng họ đồng ý với bạn hoặc sẽ giúp bạn, ngay cả khi họ có vẻ tích cực (có lẽ đó chỉ là bề ngoài).

Kiêu ngạo

Kênh kiệu, tự cho bản thân quyền ưu tiên, tự ái và không có khả năng chấp nhận sai lầm.

Khen ngợi và công nhận cái tôi của họ; không coi thường hoặc đổ lỗi cho họ, đặc biệt ở nơi công cộng.

Bốc đồng

Mong muốn được thao túng, liều lĩnh, dễ chán nản, bốc đồng.

Chơi theo nhóm, buôn chuyện và vui vẻ với họ - nhưng hãy cẩn thận.

Thích quyền lực

Thích sự kịch tính, khoe khoang, tìm kiếm sự chú ý và thiếu tập trung.

Trở thành khán giả trung thành, để họ giải trí cho bạn và đừng ganh đua với họ để được chú ý.

Không thực tế

Lập dị, hoang tưởng, không thực dụng, tầm nhìn không khả thi, ý tưởng kì cục.

Hãy nhiệt tình với ý tưởng của họ, tập trung vào bức tranh toàn cảnh và sẵn sàng thực hiện những nhiệm vụ nhỏ lẻ.

Tỉ mỉ

Ám ảnh bởi công việc, quản lý vi mô, đặt những tiêu chuẩn bất khả thi, chủ nghĩa cầu toàn phản tác dụng.

Tuyệt đối tránh bất cẩn, chú ý đến chất lượng, duy trì tiêu chuẩn cao.

 

Cứng nhắc

Luôn nỗ lực để làm hài lòng những người có quyền lực lớn hơn, đặt cấp dưới ở dưới cùng.

Hãy tuân thủ quy tắc, trung thành và giúp họ làm hài lòng ông chủ của chính họ.

Đừng trở thành nguồn gây căng thẳng cho chính bản thân

Mọi nhà quản lí đều có một mặt sáng và ngay cả ông chủ tồi tệ nhất thế giới cũng có thể có một số phẩm chất tích cực vào vài thời điểm nhất định. Tuy nhiên, căng thẳng thường kích hoạt những tính xấu của một nhà quản lí. 

Thật vậy, những đặc tính tiêu cực sẽ có nhiều khả năng xuất hiện hơn khi nhà quản lí phải chịu áp lực hay bị động. Do đó, đừng làm mọi thứ tồi tệ hơn bằng cách trở thành nguồn gây căng thẳng cho chính mình và người khác. 

Nếu bạn làm phiền hoặc gây khó chịu cho nhà quản lí hoặc công việc bạn có kết quả không tốt, bạn sẽ thấy những khía cạnh tồi tệ nhất trong tính cách của họ xuất hiện, biến thành cơn bão tấn công bạn trực diện. 

Trong bất kể công việc và ngành nghề nào, các nhà quản lí có xu hướng nâng đỡ những nhân viên thân cận. Điều này giải thích tầm quan trọng của trí tuệ cảm xúc (EQ) trong công việc và tại sao những nhân viên EQ thấp thường gặp rắc rối ngay cả khi họ tài năng và chăm chỉ. 

Tuy nhiên, chỉ số EQ không ảnh hưởng quá nhiều đến việc bạn có thể trở thành người ít gây căng thẳng và ảnh hưởng nhẹ nhàng với sếp. Hãy thay đổi tính xấu của chính mình trước khi chỉ trích và than phiền.

Hỗ trợ để sếp đạt mong muốn

Cuối cùng, để có được những lợi thế nhất định, hãy biến mình trở thành người không thể thiếu với sếp và chứng minh rằng họ sẽ hưởng lợi nhiều hơn khi có bạn hỗ trợ. Ben Dattner từng viết trong cuốn sách Credit and Blame at Work rằng nhiều nhà quản lí thành công không phải vì tài năng lãnh đạo của họ mà do khả năng cướp thành tích và đổ lỗi cho người khác.

Dù sếp của bạn gây căng thẳng đến mức nào và bạn đã quen với điều đó đến mức nào, cách duy nhất để đảm bảo vị trí của mình vẫn là trở thành nguồn lực quý giá. 

Tất nhiên, đừng quên giữ sự hỗ trợ ấy như một bí mật. Điều lí tưởng nhất với một người sếp tồi là bạn không chỉ trở thành cánh tay phải quan trọng mà còn là người biết giữ bí mật. Nếu họ thấy mọi người đều khen ngợi bạn, bạn sẽ trở thành mối lo ngại. 

Ở giai đoạn đầu của sự nghiệp, bí quyết thành công chính là biết cách chấp nhận và đối phó với tính xấu của những nhà quản lí và sau đó là sửa đổi chính mình để đạt được thành công lớn hơn.

Thu Phương