|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

12 ngày nỗ lực kiểm soát ổ dịch bar Buddha ở TP.HCM

11:00 | 31/03/2020
Chia sẻ
Từ một tụ điểm vui chơi được yêu thích, quán bar Buddha trở thành "ổ dịch" lớn thứ 2 cả nước cùng những sai phạm dần hé lộ tại quán bar này.
12 ngày nỗ lực kiểm soát ổ dịch bar Buddha ở TP.HCM - Ảnh 1.

12 ngày nỗ lực kiểm soát ổ dịch bar Buddha ở TP.HCM - Ảnh 2.

Ngày 20/3, Bộ Y tế công bố trường hợp bệnh nhân 91 - nam phi công người Anh, 43 tuổi, ngụ quận 2, TP.HCM. Đây là ca bệnh được chú ý bởi tiểu sử dịch tễ phức tạp, từng đến nhiều vùng, đi nhiều nơi trong suốt 10 ngày ở Việt Nam trước khi được phát hiện dương tính lần 1 với Covid-19 vào khuya 18/3.

Trưa 21/3, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM phát đi thông báo khẩn tìm kiếm người từng đến quán bar Buddha (số 7, đường Thảo Điền, phường Thảo Điền, quận 2) trong vòng 14 ngày, đặc biệt là những người từng dự tiệc St. Patrick's Day tối 14/3 cùng bệnh nhân 91.

"Ổ dịch"

Sau bệnh nhân 91, các ca dương tính mới liên tục được phát hiện. Chỉ một ngày sau, Bộ Y tế tiếp tục công bố thêm 2 ca nhiễm mới liên quan đến quán bar này, bệnh nhân 9798. Ngày 23/3, bệnh nhân 120 được phát hiện và đến ngày 24/3, liên tục 4 người dương tính với Covid-19 liên quan quán bar này gồm bệnh nhân 124, 125, 126, 127.

4 ngày, TP.HCM có thêm 8 ca dương tính liên quan đến quán bar Buddha và chuỗi lây nhiễm chưa có dấu hiệu dừng lại. Chính quyền TP.HCM đối mặt với nguy cơ lây lan trong cộng đồng từ một "ổ dịch".

Ngày 24/3, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho biết đã xác minh được 121 người từng dự tiệc tại quán bar này. Con số này liên tục tăng lên những ngày sau đó và ngành y tế vẫn tiếp tục phát đi thông báo tìm kiếm khách từng đến quán bar và cả những người từng tiếp xúc với họ.

12 ngày nỗ lực kiểm soát ổ dịch bar Buddha ở TP.HCM - Ảnh 3.

Quán bar Buddha là ổ dịch lớn thứ 2 cả nước với 13 ca dương tính được công bố tính đến ngày 30/3. Đồ họa: Nhân Lê, Hoài Thanh.

Cũng trong ngày 24/3, Công an phường Thảo Điền (quận 2, TP.HCM) phát thông báo khẩn yêu cầu những người đã đến hoặc chở khách tới quán bar Buddha cần kiểm tra sức khỏe sau khi có 2 trường hợp nhiễm Covid-19 từng đến đây.

Nhận định về nguy cơ lây nhiễm trong quán bar, TS Phạm Bá Hiền, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, cho rằng những nơi này thường có không khí sôi động, mọi người có khoảng cách tiếp xúc rất gần nhau. Mọi người trò chuyện, nhảy, hát, nếu có trường hợp mắc Covid-19, giọt bắn từ họ có cơ hội phát tán rất nhiều. Do vậy, nguy cơ lây nhiễm tại đây là rất cao.

Thất hứa

Trong khi ngành y tế khẩn trương khoanh vùng, dập dịch, dư luận cùng lúc đặt ra một câu hỏi khác. Tại sao quán bar này vẫn mở cửa đón khách dù TP.HCM đã yêu cầu đóng cửa toàn bộ quán bar, vũ trường, karaoke... từ 18h ngày 15/3?

Lý giải điều này, ông Nguyễn Phước Hưng, Chủ tịch UBND quận 2, cho biết cơ sở này đăng ký giấy phép kinh doanh là nhà hàng, không phải quán bar nên theo quy định vẫn được mở cửa sau ngày 15/3. Ngoài ra, theo giấy phép kinh doanh, quán ăn này mang tên Bvddha bar.

"Theo giấy phép kinh doanh, đây là quán ăn tên Bvddha bar. Nếu đăng ký là Buddha bar thì sẽ không được cấp giấy phép vì gây tranh cãi về tôn giáo", Chủ tịch UBND quận 2 khẳng định.

Cùng ngày, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM có văn bản gửi đến các sở, ngành, địa phương đề nghị có biện pháp để chủ quán ăn Buddha thay đổi thương hiệu kinh doanh, không sử dụng hình tượng Phật, pháp khí Phật giáo để trang trí ở quán này, hay các poster hình Bồ Tát đính trên các vách tường, khu vực nhà vệ sinh của quán.

Trao đổi với Zing.vn, Thượng tọa Thích Tâm Hải, Trưởng Ban Thông tin Truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, cho biết đã nhận được thông tin về quán bar có tên gọi Buddha từ năm 2011 và báo Giác Ngộ đã ghi nhận nhiều ý kiến gay gắt liên quan đến tên quán.

12 ngày nỗ lực kiểm soát ổ dịch bar Buddha ở TP.HCM - Ảnh 4.

Quán bar Buddha khi nơi này còn hoạt động. Ảnh: Bar Buddha.

“Vào năm 2011, chủ quán bar Buddha đã làm việc với báo Giác Ngộ và trình bày lý do sử dụng tên, hình ảnh Đức Phật. Chúng tôi đã giải thích rằng làm vậy không phù hợp với văn hóa Việt nam, xúc phạm đến người theo đạo Phật, chủ quán đã hứa sẽ điều chỉnh”, Thượng tọa Thích Tâm Hải cho hay.

Sau buổi làm việc, chủ cơ sở quán bar Buddha đã bỏ biển hiệu phía ngoài. Gần đây, khi thông tin về nam phi công người Anh nhiễm Covid-19 (bệnh nhân thứ 91) cùng hàng loạt người dương tính với dịch bệnh liên quan quán bar, giới Phật giáo tại TP.HCM một lần nữa phẫn nộ vì quán không làm đúng cam kết và vẫn sử dụng tên Buddha để quảng bá cho hoạt động kinh doanh.

Đăng ký như một nhà hàng, hoạt động như một quán bar và đặt tên không đúng với giấy phép nhưng bar Buddha vẫn hoạt động bình thường cho đến khi một ca dương tính Covid-19 được phát hiện. Nếu những sai phạm này được phát giác và xử lý sớm hơn, rất có thể, TP.HCM đã bớt đi một "ổ dịch" nguy hiểm trong cộng đồng.

Kiểm soát

Trong 2 ngày 26-27/3, Bộ Y tế lần lượt công bố 4 ca nhiễm mới liên quan đến bar Buddha là các bệnh nhân 151, 152, 157, 158 và 159, nâng tổng số ca nhiễm bắt nguồn từ quán bar này lên 13 người. Đây là "ổ dịch" nguy cơ cao thứ 2 trên cả nước, sau Bệnh viện Bạch Mai.

Hiện, ngành y tế TP.HCM vẫn chưa thể xác định nguồn lây nhiễm đầu tiên tại quán bar này, do trong 13 ca dương tính có tới 11 người nước ngoài. Nhiều người trong số đó từng liên tục di chuyển giữa các quốc gia đang có dịch như Malaysia, Thái Lan, Anh, Canada...

Chủ trì cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với 5 thành phố lớn sáng 29/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo phải có biện pháp mạnh mẽ, toàn diện, nhất là với 2 "ổ dịch" lớn của cả nước là Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và quán bar Buddha (TP.HCM).

“Với trường hợp Bệnh viện Bạch Mai và quán bar Buddha phải có phương án riêng trên tinh thần tìm ra, khoanh lại, cách ly quyết liệt, diện rộng bằng công nghệ và các phương pháp khác để giảm thiểu lây nhiễm từ các ổ dịch này”, Thủ tướng yêu cầu.

12 ngày nỗ lực kiểm soát ổ dịch bar Buddha ở TP.HCM - Ảnh 5.

Sau 12 ngày quyết liệt rà soát các trường hợp liên quan đến "ổ dịch" bar Buddha, tại buổi họp giao ban trực tuyến của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM chiều 30/3, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh lần đầu tiên phát đi tín hiệu đáng mừng liên quan đến "ổ dịch" này.

Tính đến chiều 30/3, ngành y tế phối hợp với công an đã điều tra dịch tễ mở rộng, tiếp cận 222 trường hợp từng tới quán bar này và lấy mẫu 196 người. Trong đó, 166 người có kết quả âm tính, 11 dương tính và 19 người đang chờ kết quả.

Về những trường hợp tiếp xúc gần, ông Bỉnh cho biết đã lấy mẫu xét nghiệm 2.953 trường hợp và phát hiện 4 ca dương tính. Trong đó, 2 ca đã được Bộ Y tế công bố (bệnh nhân 151 và 152) và 2 ca đã có kết quả dương tính lần 1, chờ thông báo chính thức của bộ.

Cụ thể, một trường hợp là vợ của bệnh nhân 151 và một trường hợp là tài xế cho cả bệnh nhân 151 và bệnh nhân 124. Hai người này đã được cách ly tập trung từ 23/3 trong quá trình điều tra dịch tễ F1 của bệnh nhân 151, lấy mẫu và cho kết quả dương tính ngày 30/3.

Như vậy, đến ngày 30/3, TP.HCM đã phát hiện 15 ca dương tính liên quan "ổ dịch" tại bar Buddha (2 ca mới chờ Bộ Y tế công bố).

Dù phát hiện ca dương tính mới, lãnh đạo ngành y tế thành phố đánh giá đã kiểm soát tất cả trường hợp đến quán bar này cùng những người tiếp xúc gần để cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Hiện, vẫn còn 26 trường hợp chưa được lấy mẫu và 19 người đang chờ kết quả. Tuy nhiên, ngành y tế nhận định đã tạm thời khoanh vùng được ổ dịch này tại cộng đồng.

"Việc kiểm soát dịch tại bar Buddha thành phố đã làm quyết liệt, cách ly số lượng lớn. Hôm nay, có thể an tâm về quán bar này", ông Bỉnh nhận định.