10 start-up Việt sẽ 'quyến rũ' 100 nhà đầu tư tại Demo Day
Cùng lúc, sự kiện cũng là cơ hội để start-up nhận được những phản hồi của những nhà đầu tư, chuyên gia để hoàn thiện hơn mô hình kinh doanh...
Thời gian qua, Demo Day đã được cộng đồng khởi nghiệp đánh giá khá cao. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, sự kết nối giữa các nhà đầu tư với start-up trong sự kiện chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Bà nhận định thế nào về ý kiến này?
Demo Day của VSV là chương trình được cải tiến hàng năm. Ngoài việc chất lượng các thuyết trình của start-up năm sau tốt hơn năm trước thì các nhóm start-up những năm gần đây cũng bắt đầu làm quen với việc thuyết trình bằng tiếng Anh để có thể trao đổi được với các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, chất lượng đầu vào cũng được cải thiện khi các nhóm start-up tham gia vào Demo Day là các công ty có hàng nghìn giao dịch, doanh thu nhất định để nhà đầu tư dễ dàng đánh giá năng lực và tìm thấy cơ hội.
Bà Thạch Lê Anh cho biết, nhà đầu tư Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng cho đầu tư start-up Việt. Ảnh: Bộ Khoa học Công nghệ |
Trong mỗi lần tổ chức Demo Day, VSV luôn hướng tới cải thiện chất lượng và số lượng nhà đầu tư tham gia. Các nhà đầu tư ở Việt Nam tuy rất hưởng ứng Demo Day nhưng nhiều người chưa quen với mô hình đầu tư start-up nên rất ít người dám ra quyết định đầu tư, nếu có đầu tư thì cũng phải mất 4-6 tháng sau Demo Day để quyết định.
Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài hiểu rõ hơn nhưng do ít quỹ có đại diện ở Việt Nam nên việc họ phải bay sang Việt Nam để tham dự Demo Day cũng là trở ngại không nhỏ.
Có một thực tế là đội ngũ start-up của Việt Nam ngày càng đông, nhưng không phải ai cũng gọi được vốn. Theo bà, start-up làm thế nào để “quyến rũ” được các nhà đầu tư?
Việc số lượng các start-up của Việt Nam ngày càng đông mà số lượng gọi được vốn ít không phải là một điều xấu.
Mục tiêu sau cùng khi làm start-up không phải là để gọi được vốn, gọi vốn chỉ là biện pháp giúp phát triển nhanh hơn. Mục tiêu của start-up là đưa các giải pháp mới, sản phẩm mới sáng tạo vào cuộc sống để thay thế các sản phẩm, giải pháp cũ, và làm cho cuộc sống tốt hơn. Và khi họ cung cấp được sản phẩm giúp giải quyết được nhu cầu của khách, khách hàng sẽ sẵn sàng trả tiền và sử dụng.
Khi sản phẩm của start-up có nhiều khách hàng sẵn sàng trả tiền và sử dụng, nhà đầu tư sẽ sẵn sàng đầu tư để phát triển sản phẩm. Việc gọi được vốn chỉ là một bước đánh dấu sự thành công ban đầu trong việc start-up đưa sản phẩm vào thị trường.
Tuy nhiên, ở một mặt khác, số lượng nhà đầu tư ở Việt Nam còn rất hạn chế. Năm 2013, lúc VSV khởi động, rất ít nhà đầu tư biết đến việc đầu tư cho start-up. Hiện nay, qua các công tác truyền thông, start-up và đầu tư start-up đã trở thành các chủ đề nóng của xã hội và nhà đầu tư đã biết nhiều hơn đến mô hình này. Nhưng từ việc biết đến hiểu, đến dám đầu tư tiền là một quá trình mà không phải nhà đầu tư nào của Việt Nam cũng trải qua.
Một thông tin từ Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, ở Việt Nam có hơn 40 nhà đầu tư cho lĩnh vực start-up, bà đánh giá thế nào về họ trong việc thúc đẩy sự phát triển khởi nghiệp?
40 nhà đầu tư hiện tại ở Việt Nam đóng góp rất lớn cho sự phát triển của toàn bộ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Họ giúp hình thành nên một thị trường vốn đầu tư mạo hiểm cho start-up Việt Nam, với khoảng 60 thương vụ đầu tư mỗi năm.
Số lượng thương vụ tuy chưa lớn nhưng đã tạo ra động lực mạnh mẽ cho các startup để phát triển. Ngoài việc tham gia đầu tư, các nhà đầu tư này còn hỗ trợ đắc lực cho start-up để nâng tầm doanh nghiệp, mở rộng thị trường cũng như hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, đa phần những nhà đầu tư này đến từ nước ngoài và rất ít nhà đầu tư Việt Nam. Điều này chứng tỏ những nhà đầu tư Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng cho đầu tư start-up, nếu vấn đề này không được giải quyết thì đây sẽ là nút thắt khiến start-up Việt không thể phát triển trong tương lai…
Sự kiện Demo Day sắp tới có bao nhiêu start-up và nhà đầu tư tham gia, thưa bà?
Demo Day năm nay có 10 start-up cùng khoảng 100 nhà đầu tư tham gia bao gồm cả những nhà đầu tư chuyên nghiệp và những nhà đầu tư đang quan tâm tới việc đầu tư start-up.
Chúng tôi coi đây như một chương trình giúp những nhà đầu tư truyền thống tiếp cận tới đầu tư start-up và tìm kiếm các nhà đầu tư có kinh nghiệm hơn để trao đổi cũng như đồng đầu tư nhằm giảm thiểu rủi ro.
Được biết Demo Day năm nay có sự hỗ trợ từ Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844). Với sự hỗ trợ này, sự kiện năm nay có những điểm mới và khác biệt như thế nào sự với các sự kiện trước đây?
Từ 2014 đến nay, tất cả các sự kiện Demo Day của VSV đều được tổ chức tại Bộ Khoa học và Công nghệ. VSV đã luôn được biết tới là dự án tiên phong của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc khởi động mô hình start-up và đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam. Các start-up của VSV được đào tạo và cấp vốn gieo mầm bởi các nhà đầu tư cá nhân luôn đồng hành với tên gọi VSV Accelerator (VSVA).
Demo Day năm nay nhận được hỗ trợ từ Đề án 844 nên VSV đã tổ chức Prototype Day (ngày chạy thử) để startup giới thiệu sản phẩm/dịch vụ và mô hình kinh doanh thử nghiệm của mình trước các nhà đầu tư và khách hàng tiềm năng.
Ngoài ra, VSVA có thể dành một phần đầu tư để đưa start-up của mình giới thiệu (road show) tại thị trường quốc tế, cụ thể VSVA đã có kế hoạch cùng start-up đi Hàn Quốc tổ chức Demo Day vào tháng Ba tới.
Việc hỗ trợ từ Đề án 844 một lần nữa khẳng định sự tin tưởng và ủng hộ của Chính phủ đối với các nhà đầu tư thiên thần mà VSVA là một đại diện trong cộng đồng các nhà đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam. Sự kiện này sẽ giúp không chỉ các start-up mà còn cả VSVA có thể thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm trở thành các đối tác của mình như Lotte Accelerator.