10 cách đối phó với lương thấp không đủ sống
Bạn có nghĩ rằng mức lương hiện tại quá thấp? Bạn chán ngấy với việc không kiếm đủ tiền? Hoặc việc thiếu thu nhập đang gây ra khó khăn tài chính cho bạn và gia đình?
Đi làm mỗi ngày để nhận được món tiền ít hơn giá trị bản thân có thể khiến bạn cạn kiệt về cả mặt cảm xúc và tài chính. Dù bạn có thể không đảm bảo được mức tăng mà bạn nghĩ là mình xứng đáng nhưng thực tế, bạn có thể kiểm soát thu nhập của mình nhiều hơn bạn nghĩ. Chuyên gia tài chính Rachel Slifka của Wisebread đã đưa ra 10 gợi ý để giải quyết tình trạng lương thấp cho bạn.
1. Lập một danh sách thành tích
Dù bạn không phải là người có được tiếng nói cuối cùng về việc bản thân có được tăng lương hay không, bạn vẫn có thể thực hiện một số bước nhằm thúc đẩy quá trình tăng thu nhập. Cách tốt nhất để chứng minh với người quản lí rằng bạn xứng đáng được tăng lương là tự theo dõi và liệt kê những thành tích của bạn.
Nếu bạn chưa theo dõi thành tích công việc của mình thì giờ là thời gian để bắt đầu. Nhìn lại năm vừa qua và xác định bạn đã làm được điều gì nổi bật nhất? Bạn đã cải thiện quy trình hoặc hệ thống nào đó? Tiết kiệm ngân sách cho công ty? Tham gia một dự án bổ trợ?
Thông thường, các nhà quản lý không đánh giá chính xác giá trị nhân viên của họ đang cung cấp cho công ty. Họ có thể bị ấn tượng hoặc thậm chí ngạc nhiên khi biết bạn đã hoàn thành được bao nhiêu công việc có ích cho công ty. Bằng cách tạo một danh sách thành tích, bạn đang tiến thêm một bước tới việc tăng thu nhập.
2. Nghiên cứu thông tin về lương
Những người có cùng công việc của bạn trong cùng khu vực đang có mức lương bao nhiêu? Điều quan trọng là bạn phải nắm được mức lương phổ biến và giới hạn phù hợp trước khi đề xuất tăng lương.
Mỗi vị trí có một tỷ lệ dao động về thù lao nhất định. Để tránh trở nên không thực tế khi đề xuất mức lương, hãy nghiên cứu trước thông qua các trang web như Glassdoor và Payscale.
Nguồn: Wisebread
3. Đi làm thêm
Sếp của bạn có thể cần trợ lí trong một số dự án bổ sung? Bạn có cơ hội làm thêm giờ không? Đảm nhận công việc bổ sung không những có thể đem lại nguồn phụ thu mà còn giúp củng cố tính hợp lí cho yêu cầu tăng lương của bạn.
Làm việc tích cực cho các dự án bổ sung thường cho thấy mức độ nghiêm túc của bạn đối với sự nghiệp và nỗ lực giúp công ty thành công. Và bằng cách yêu cầu làm thêm, bạn có khả năng phát triển kỹ năng của mình dù đó không phải là nhiệm vụ của bạn.
4. Nói chuyện với sếp
Nói chuyện với sếp của bạn về mức lương có thể nghe khá đáng sợ nhưng không phải như vậy.
Tùy thuộc vào mối quan hệ của bạn với sếp, bạn có thể có cuộc đối thoại tuyệt vời. Hầu hết các nhà quản lý mong đợi nhân viên thực sự lưu tâm tới công việc và các giá trị khác nên cuộc trò chuyện sẽ không gây sốc cho họ như bạn nghĩ.
Đơn giản chỉ cần hỏi sếp của bạn làm thế nào để bạn có thể tăng giá trị bản thân cho công ty. Đôi khi, chỉ cần biết rằng bạn quan tâm đến việc đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn cũng khiến người quản lí muốn tăng lương cho bạn.
5. Tạo nguồn thu nhập bổ sung
Tạo một nguồn thu nhập bổ sung bên ngoài công việc chính là một cách tuyệt vời để tăng thu nhập của bạn tương đối nhanh chóng. Ngoài ra, bạn có thể kiếm tiền từ chính những sở thích bạn theo đuổi.
Dù bạn chọn bán quần áo, trông trẻ, bắt đầu viết blog, đóng đồ gỗ hoặc một cái gì đó khác, không thiếu cách để kiếm tiền ngoài giờ.
6. Cắt giảm chi phí
Cách nhanh nhất để giữ gìn ngân sách eo hẹp và quý báu của bạn là gì? Cắt giảm chi phí của bạn.
Hãy xem chi tiêu hàng tháng hiện tại của bạn. Bạn có thể làm gì nếu số tiền bỗng nhiên giảm đi? Có bất kỳ chi phí nào bạn có thể cắt giảm hoàn toàn? Nếu bạn không thể hoàn toàn loại bỏ chúng thì ít nhất, bạn có thể giảm bớt không?
7. Bắt đầu tìm kiếm công việc mới
Bạn sẽ làm gì nếu công ty hiện tại của bạn không tăng lương cho bạn? Có lẽ đã đến lúc bắt đầu tìm kiếm một công việc mới.
Nếu bạn làm công việc có mức lương không xứng đáng, bạn đang nợ chính mình. Chắc chắn công việc hiện tại cũng tồn tại vài ưu điểm nhưng nếu bạn không kiếm đủ tiền để sống thoải mái, đã đến lúc cân nhắc những cơ hội mới và tốt hơn đang chờ đợi bạn ở nơi khác.
8. Tiết kiệm tất cả những gì bạn có thể
Nếu bạn hầu như không kiếm đủ tiền để trang trải các hóa đơn của mình, bạn sẽ cần lập ngân sách rất khôn ngoan và tiết kiệm bất cứ món gì có thể.
Trường hợp khẩn cấp xảy ra và nếu bạn không kiếm đủ thu nhập để tiết kiệm, sẽ khó khăn hơn để chi trả các khoản chi phí bất ngờ như mái nhà bị dột hoặc hóa đơn y tế. Hãy tự chuẩn bị và bảo vệ tài chính của bản thân bằng cách tiết kiệm mọi thứ bạn có thể trong quỹ khẩn cấp.
9. Mạng lưới quan hệ
Bạn không bao giờ biết ai sẽ là "quý nhân" bất ngờ giúp bạn thăng tiến hoặc thay đổi hoàn toàn sự nghiệp của mình. Bất kể bạn đang ở đâu trong nấc thang sự nghiệp, mạng lưới quan hệ là chìa khóa quan trọng hàng đầu.
Bắt đầu bằng cách đi đến một vài sự kiện kết nối trong khu vực hoặc tham gia với một tổ chức mới. Đừng quên nuôi dưỡng mạng lưới quan hệ hiện tại của bạn bằng cách theo kịp các đồng nghiệp và bạn bè trên các mạng xã hội như LinkedIn.
10. Yêu cầu hỗ trợ
Hỗ trợ cảm xúc là một trong những công cụ tốt nhất nhưng lại bị đánh giá thấp nhất. Không có ai đó khuyến khích và thúc đẩy bạn, sức khỏe tinh thần của bạn sẽ bị ảnh hưởng.
Nói chuyện với gia đình, bạn bè hoặc đối tác của bạn về tài chính, mục tiêu và vị trí hiện tại, hỏi lời khuyên và cho họ biết làm thế nào họ có thể giúp bạn có trách nhiệm. Dù có thể không ở trong tình trạng tương tự, mỗi người đều từng trải qua một số căng thẳng tài chính trong cuộc sống và có thể cung cấp cho bạn một số lời động viên tích cực.