|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

1/3 số ca nhiễm COVID-19 tại Trung Quốc mang mầm bệnh 'thầm lặng'

11:23 | 23/03/2020
Chia sẻ
Theo dữ liệu phân loại tại Trung Quốc, 1/3 số người nhiễm Covid-19 tại nước này mang mầm bệnh thầm lặng, tức là biểu hiện chậm hoặc không có triệu chứng nhưng vẫn cho ra kết quả xét nghiệm dương tính.

Theo dữ liệu phân loại tại Trung Quốc, 1/3 số người nhiễm Covid-19 tại nước này mang mầm bệnh thầm lặng, tức là biểu hiện chậm hoặc không có triệu chứng nhưng vẫn cho ra kết quả xét nghiệm dương tính.

Theo số liệu chính thức của chính phủ Trung Quốc được đăng tải trên tờ South China Morning Post, có tới 1/3 ca nhiễm Covid-19 mang mầm bệnh thầm lặng, tức là biểu hiện chậm hoặc không có triệu chứng của mình, nhưng sau đó vẫn cho ra xét nghiệm dương tính với virus. Điều này có thể làm phức tạp thêm chiến lược của các quốc gia khác trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh.

Theo đó, hơn 43.000 người đã được xác nhận dương tính với Covid-19 vào cuối tháng 2/2020 nhưng không có triệu chứng ngay lúc đó. Những người này đã được đưa đi cách ly và theo dõi nhưng số liệu thống kê về họ không được gộp vào con số chính thức những trường hợp đã được xác nhận, thời điểm đó rơi vào khoảng trên 80.000 ca nhiễm.

1/3 số ca nhiễm COVID-19 tại Trung Quốc mang mầm bệnh 'thầm lặng' - Ảnh 1.

Các nhà khoa học vẫn chưa thể có kết luận cuối cùng về vai trò của những người nhiễm bệnh nhưng không có biểu hiện bệnh trong sự lây lan của virus. Một bệnh nhân thông thường sẽ xuất hiện những triệu chứng trong vòng 5 ngày, một số trường hợp hiếm gặp thời gian ủ bệnh có thể kéo dài tới 3 tuần.

Có một trở ngại là mỗi quốc gia có cách xác định người nhiễm bệnh khác nhau. Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, tất cả những người xét nghiệm dương tính được coi là nhiễm bệnh, kể cả có triệu chứng hay không. Hàn Quốc cũng áp dụng điều này. 

Tuy nhiên tại Trung Quốc, họ đã thay đổi hướng dẫn phân loại từ ngày 7/2, chỉ tính những bệnh nhân có triệu chứng và có kết quả xét nghiệm dương tính là ca nhiễm bệnh. Tại Mỹ, Anh và Ý, họ không xét nghiệm những người không có triệu chứng, trừ các nhân viên y tế có tiếp xúc với người bệnh.

Cách tiếp cận dịch bệnh của Trung Quốc và Hàn Quốc trong việc kiểm tra bất cứ ai có tiếp xúc với người bệnh, bất kể người đó có triệu chứng hay không, có thể giải thích vì sao 2 quốc gia này đã phần nào thành công trong việc ngăn chặn dịch bệnh. 

Hồng Kông hiện đang thử nghiệm kiểm tra cho hành khách đến sân bay. Trong khi đó, Mỹ và hầu hết các nước châu Âu, nơi chỉ những người có triệu chứng mới được làm xét nghiệm, số ca nhiễm bệnh vẫn tiếp tục tăng nhanh.

Ngày càng có nhiều nghiên cứu hoài nghi về tuyên bố trước đây của WHO, rằng các ca nhiễm bệnh không có triệu chứng là cực kỳ hiếm. Một báo cáo của phái đoàn quốc tế WHO sau khi đến Trung Quốc, cho thấy số người nhiễm bệnh mà không có triệu chứng chiếm từ 1-3% số ca nhiễm bệnh.

Theo số liệu thống kê chính thức từ Hàn Quốc, thực hiện trên 300.000 ca xét nghiệm, cho thấy hơn 20% số ca nhiễm Covid-19 không có triệu chứng, thậm chí tới tận lúc họ xuất viện. Theo ông Jeong Eun-kyeong, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc, nước này có tỷ lệ người nhiễm bệnh không có triệu chứng cao hơn đáng kể so với các nước khác.

WHO cho rằng vai trò của những người nhiễm bệnh mà không có triệu chứng trong sự lây lan dịch bệnh là không rõ ràng. Những người mang mầm bệnh nhưng không có triệu chứng dường như không phải yếu tố chính trong sự lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng điều này đang bị đánh giá thấp và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc kiểm soát dịch bệnh.

Tuyến Tuyến