|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Yuanta Việt Nam: Rủi ro Fed tăng lãi suất chưa đáng ngại, VN-Index có thể hướng đến mốc 1.569 điểm trong tháng 2

07:49 | 11/02/2022
Chia sẻ
Theo nhận định của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, VN-Index có thể tăng về mức 1.569 điểm với động lực tăng trưởng chính đến từ nhóm vốn hóa lớn.

Lạm phát sẽ không tăng quá mạnh và vẫn trong tầm kiểm soát

Theo báo cáo chiến lược thị trường tháng 2 của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, các yếu tố vĩ mô tháng 1/2022 cho thấy đà hồi phục kinh tế vẫn duy trì tốt từ quý IV/2021. Điểm tích cực thể hiện ở cầu tiêu dùng tiếp tục tăng khi tổng mức bán lẻ tăng 2,7% so với tháng trước và 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái, số lượng doanh nghiệp thành lập mới cũng như quay trở lại hoạt động tăng cao ở tất cả các lĩnh vực.

Bên cạnh đó, tình hình đăng ký và giải ngân vốn FDI duy giữ đà hồi phục từ tháng 11/2021 với tốc độ tăng trưởng lần lượt đạt 4,2% và 6,8% so với cùng kỳ tháng 1/2021.

Hoạt động xuất nhập khẩu và sản xuất công nghiệp có phần chững lại so với tháng trước là do rơi vào dịp Tết Dương lịch và trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt so với cùng kỳ. Những khó khăn liên quan tới tình trạng thiếu lao động đang dần được tháo gỡ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Ngoài ra, chi phí vận tải khó có thể giảm trong bối cảnh giá dầu ở mức cao và tình trạng thiếu container rỗng vẫn kéo dài ít nhất tới giữa năm 2022.

Về giá cả nguyên liệu, hàng hóa, Yuanta cho rằng khó có thể hạ nhiệt trong thời gian tới khi nhu cầu trong nước cũng như trên thế giới đang cao. Đây sẽ là áp lực lên lạm phát trong nước, tuy nhiên, cho tới tháng 1 tình hình lạm phát vẫn duy trì ổn định khi CPI tăng 1,94% so với cùng kỳ năm ngoái và 0,19% so với tháng trước.

Yuanta Việt Nam: Rủi ro Fed tăng suất chưa đáng ngại, VN-Index có thể hướng đến mốc 1.569 điểm trong tháng 2 - Ảnh 1.

Yuanta Việt Nam cho rằng lạm phát sẽ không tăng quá mạnh và vẫn trong tầm kiểm soát.

Các nhà phân tích của Yuanta Việt Nam nhận định lạm phát cả năm 2022 vẫn nằm trong tầm kiểm soát dưới 4% nhờ các chính sách cung cầu ổn định và hoạt động du lịch, giải trí chưa thể hồi phục nóng.

Mặt khác, vấn đề địa chính trị trên thế giới và nhu cầu mua vàng trong nước cuối năm khiến giá vàng trong nước tăng và chênh lệch lớn so với vàng thế giới. Giá vàng có thể sẽ cần thêm thời gian để hạ nhiệt, trong khi lãi suất và tỷ giá vẫn duy trì ổn định.

Trong tháng 1/2022 tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước bằng 4,8% kế hoạch năm, cao hơn so với cùng kỳ bằng 4,6% kế hoạch. Trong khi, các dự án hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông đang được đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn và đôn đốc thực hiện, Yuanta tin rằng, tiến độ các dự án đầu tư công sẽ có nhiều chuyển biến tích cực và đóng góp lớn vào đà hồi phục của kinh tế cả nước trong năm 2022.

VN-Index có thể tăng về mức 1.569 điểm

Theo Yuanta Việt Nam, mức định giá của VN-Index có thể sẽ được định giá lại khi thị trường bước vào mùa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2021 và cả năm 2021. Đồng thời, công ty chứng khoán kỳ vọng các doanh nghiệp niêm yết sẽ công bố về kế hoạch kinh doanh lạc quan trong năm 2022 khi dịch bệnh đang dần được kiểm soát.

Hoạt động sản xuất được khôi phục mạnh trong bối cảnh tiêu dùng toàn cầu gia tăng, cùng với đó là các gói kích thích kinh tế được xem là động lực tăng trưởng chính cho thị trường chứng khoán trong tháng 1/2022.

Đối với rủi ro của thị trường, Yuanta cho rằng rủi ro ngắn hạn đã giảm dần. Đồng thời, khối ngoại quay trở lại mua ròng và chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu ngân hàng cho thấy nhóm cổ phiếu bluechips sẽ là động lực tăng trưởng chính của thị trường.

Nhóm phân tích đánh giá việc Fed tăng lãi suất là rủi ro trung hạn, nhưng rủi ro này chưa đáng ngại trong giai đoạn tháng 2/2022. Theo đó, VN-Index được dự báo có thể sẽ hướng về mức 1.569 điểm. Đồng thời, dòng tiền có thể sẽ chủ yếu hướng vào các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Yuanta Việt Nam: Rủi ro Fed tăng suất chưa đáng ngại, VN-Index có thể hướng đến mốc 1.569 điểm trong tháng 2 - Ảnh 2.

Diễn biến của VN-Index từ tháng 11/2021 đến nay. (Nguồn: Yuanta Việt Nam).

Thu Thảo