Yếu tố nào tạo lực đẩy cho thị trường bất động sản năm 2017
Ba yếu tố tạo lực đẩy
Theo PGS.TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết có 3 yếu tố sẽ tạo lực đẩy cho thị trường BĐS năm 2017.
Thứ nhất là sự phát triển kinh tế ổn định. Theo ông năm 2017 được dự báo kinh tế phát triển tốt hơn năm 2015 và 2016, tăng trưởng tốt hơn và xuất khẩu tốt hơn.
Thứ hai, các yếu tố liên quan thị trường BĐS đều đang có triển vọng rất tốt. Nợ xấu tiếp tục được xử lý rốt ráo, tín dụng đối với BĐS được phép tăng trở lại, nguồn vốn trong dân bắt đầu mong muốn tham gia vào thị trường BĐS. Đây là các yếu tố vệ tinh góp phần tạo lực đẩy cho thị trường BĐS.
Thứ ba, Nhà nước đã có nhiều chính sách và các vấn đề liên quan để định hướng, hỗ trợ thị trường phát triển minh bạch. Như xử lý rốt ráo nợ xấu, cho phép các doanh nghiệp được phá sản khi không còn khả năng phát triển, chú trọng để thị trường được phát triển theo hướng minh bạch.
Thị trường BĐS năm 2017 hứa hẹn phát triển mạnh mẽ |
“Quản lý nhà nước hướng tới minh bạch, ổn định sẽ giúp doanh nghiệp và các nhà đầu tư yên tâm khi rót vốn vào thị trường BĐS”, ông Trần Kim Chung nhấn mạnh.
Ông cũng cho rằng, bên cạnh tình hình kinh tế trong nước thì sự các yếu tố của tình hình thế giới cũng tác động đến thị trường BĐS Việt. Theo ông hiện nay xu thế của tình hình thế giới chưa có nhiều đột biến.
“Việt Nam vẫn nằm trong khu vực phát triển ổn định, không có những xung đột tiềm ẩn”, ông Chung nhận định và cho rằng yếu tố này sẽ góp phần tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.
Tận dụng dòng vốn hội nhập
Liên quan đến việc Việt Nam đón nhận những cơ hội trong hội nhập thế nào, đặc biệt lĩnh vực BĐS đón nhận dòng vốn đầu tư ra sao, ông Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam (VnREA) cho rằng khi tiến trình hội nhập quốc tế ở nước ta ngày càng phát triển mạnh mẽ như hiện nay thì trên thị trường, tất cả các lĩnh vực vực, các ngành đều có cơ hội phát triển đồng thời kèm theo những thách thức.
Hiện nay Việt Nam đã tham gia ký kết Hiệp định TPP, Hiệp định thương mại với khối EU và thành lập cộng đồng chung ASEAN (AEC).
Theo ông Quang, đối với thị trường BĐS, khi tiến trình hội nhập phát triển sẽ kéo theo nền kinh tế phát triển, dẫn đến nhu cầu hạ tầng, nhà ở, các khu công nghiệp, khu đô thị tăng cao, lúc đó, thị trường BĐS cũng sẽ phát triển theo.
“Tiến trình hội nhập quốc tế có sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như người nước ngoài vào Việt Nam sẽ làm tăng lượng khách nước ngoài. Điều này đã góp phần tăng nhu cầu của thị trường”, Tổng Thư ký VnREA nhấn mạnh.
Ông cho rằng, khi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường BĐS sẽ tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các nhà đầu tư trong nước. Điều này sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư trong nước phải nỗ lực vươn lên, nâng cao chất lượng sản phẩm, tính chuyên nghiệp.
Cũng theo ông Quang, khi hội nhập quốc tế phát triển, nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài sẽ có cơ hội tăng lên, góp phần tích cực trong việc hỗ trợ phát triển thị trường Việt Nam, giảm thiểu rủi ro khi quá phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng trong nước.
Nghiên cứu mới đây của JLL, đơn vị nghiên cứu độc lập cho biết nhà đầu tư đang thấy có rất nhiều cơ hội ở thị trường bất động sản Châu Á Thái Bình Dương và lượng vốn rót vào thị trường này ngày một tăng.
Tại Việt Nam, hoạt động M&A trên thị trường BĐS diễn ra sôi động trong năm 2016 và dự báo sẽ tiếp tục có nhiều sôi động trong năm 2017. Giao dịch đáng chú ý nhất trong năm nay là CapitaLand (Việt Nam) Holdings đã chi gần 52 triệu USD để “thâu tóm” toàn bộ dự án đất vàng thuộc phường Cầu Kho, Quận 1, TP. HCM diện tích 0.5 ha. VinaCapital bỏ ra 13,8 triệu USD để thâu tóm International Centre Building tại Hà Nội.
JLL nhận định vốn ngoại đổ vào thị trường BĐS Việt sẽ tiếp tục có nhiều triển vọng tăng trưởng.