|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Yếu tố năng lượng trong căng thẳng Mỹ - Iran

07:15 | 14/06/2019
Chia sẻ
Mặc dù quan chức an ninh và quốc phòng Mỹ ủng hộ quan điểm của Tổng thống Trump và bày tỏ Washington không muốn khai chiến với Iran, nhưng sớm muộn sẽ triển khai hành động quân sự nhằm vào nước này.
Yếu tố năng lượng trong căng thẳng Mỹ - Iran - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ở Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN

Tờ “Đông phương”, nhật báo có quan điểm trung lập của Hong Kong, ngày 4/6 cho biết giữa lúc tình hình khu vực Trung Đông tiếp tục căng thẳng, quan chức an ninh và quốc phòng Mỹ đều cảnh báo rằng khi Washington quyết định tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực Trung Đông, Iran cũng chuẩn bị khơi dậy một cuộc tấn công trong toàn khu vực nhằm vào Mỹ và đồng minh của Washington.

Mặc dù quan chức an ninh và quốc phòng của Mỹ đều ủng hộ quan điểm của Tổng thống Donald Trump và bày tỏ Washington không mong muốn khai chiến với Iran, nhưng sớm muộn sẽ triển khai hành động quân sự nhằm vào nước này, bởi vì đây là một trong những chiến lược bá quyền của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc trỗi dậy.

Những năm gần đây, Mỹ không ngừng gây sức ép với Iran. Tổng thống Trump tuyên bố nếu Iran muốn khai chiến thì nước này sẽ chính thức diệt vong, ám chỉ nếu như nhận thấy bị Iran đe dọa, Mỹ có thể sẽ sử dụng biện pháp quân sự để kết thúc Chính quyền Iran hiện nay. Điều này khiến dư luận lo ngại về nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Iran.

Trên thực tế, từ tháng Tư vừa qua, Mỹ coi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) là tổ chức khủng bố. Sau đó một tháng, Mỹ khôi phục lại tất cả các biện pháp cấm vận đối với Iran, đồng thời điều động một tổ hợp tác chiến tàu sân bay tới khu vực Vùng Vịnh với tuyên bố để đối phó với cuộc tấn công nhằm vào lợi ích của Mỹ mà Iran có thể phát động.

Mặc dù Iran kiến quyết phủ nhận điều này nhưng Mỹ vẫn phớt lờ và tiếp tục điều động máy bay ném bom chiến lược B52 tới khu vực Trung Đông, đồng thời tăng cường bố trí tên lửa phòng không Patriot và tàu đổ bộ lưỡng thê tại khu vực Vùng Vịnh.

Thậm chí có nguồn tin cho biết Mỹ có kế hoạch điều động 120.000 binh sỹ tới Trung Đông để răn đe Iran. Rõ ràng, việc Mỹ dùng vũ lực tấn công Iran chỉ còn là vấn đề thời gian. Kết quả một cuộc điều tra dân ý tại Mỹ gần đây cho thấy, trên 50% người Mỹ cho rằng chiến tranh sẽ bùng nổ giữa Mỹ và Iran trong vài năm tới.

Giới phân tích chiến lược quốc tế của Trung Quốc cho rằng một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Mỹ khai chiến với Iran là bảo vệ địa vị bá quyền dầu mỏ của Mỹ.

Bởi bá quyền dầu mỏ của Mỹ được xây dựng trên nền tảng “đôla dầu mỏ”, biểu hiện cụ thể chính là tuyệt đại đa số đồng tiền dùng thanh toán trong các thương vụ giao dịch dầu mỏ trên phạm vi toàn cầu là đồng USD. Có điều những năm gần đây, “đôla dầu mỏ” của Mỹ không ngừng vấp phải thách thức.

Chẳng hạn, Liên minh châu Âu (EU) muốn dùng đồng euro để thanh toán trong giao dịch thương mại dầu mỏ. Nga và Trung Quốc sử dụng đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc để thanh toán cho các hợp đồng dầu mỏ giữa hai nước. Iran cũng muốn dùng NDT để thanh toán trong các thương vụ giao dịch dầu mỏ với Trung Quốc.

Hiện nay, các nước trên toàn cầu dường như đều đang nỗ lực thoát khỏi “vòng kim cô” của đồng USD trong các giao dịch liên quan đến dầu mỏ, điều này khiến Mỹ khó chấp nhận.

Nếu như Mỹ không thể kiểm soát các nước dùng đồng tiền nào trong các thương vụ giao dịch dầu mỏ, thì giá trị của đồng USD với vai trò là đồng tiền mạnh toàn cầu sẽ giảm ở mức độ lớn, khiến địa vị của đồng tiền này cũng suy yếu. Điều này tiếp đe dọa tới an ninh quốc gia của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Hơn thế, Mỹ là con nợ lớn nhất thế giới. Nếu không có sự chống đỡ bởi đồng USD, kinh tế Mỹ có thể rơi vào khủng hoảng bất kỳ lúc nào. Do đó, bảo vệ vị thế của đồng USD là lợi ích cốt lõi nhất của Mỹ và kẻ nào muốn làm lung lay vị thế này, Mỹ sẽ không ngại ra tay trừng trị.

Ngoài việc bảo vệ vị thế của đồng USD, một mục đích quan trọng khác khiến Mỹ sẵn sàng triển khai hành động quân sự tấn công Iran là Washington muốn kiểm soát eo biển Hormuz, bao vây chiến lược “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.

Đặc biệt, cảng Gwadardo do Trung Quốc hợp tác xây dựng với Pakistan là điểm xuất phát của tuyến đường sắt Trung Quốc - Pakistan, đồng thời là xuất phát điểm của Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan, có vị trí gần sát với cửa vào eo biển Hormuz của Iran.

Giới phân tích quốc tế Trung Quốc nêu rõ rằng do cảng Gwadar, được Trung Quốc đầu tư, là bố trí chiến lược quan trọng của Trung Quốc nhằm phá vỡ chuỗi đảo bao vây Trung Quốc của Mỹ và giải thoát sự lệ thuộc của nước này vào eo biển Malacca.

Hành trình từ cảng Gwadar đi qua eo biển Malacca tiến ra biển Hoa Nam (Biển Đông) tới Thượng Hải của Trung Quốc dài gần 16.000 km, còn hành trình từ cảng Gwadar thông qua tuyến đường sắt Trung Quốc - Pakistan tới vùng Kashgar thuộc Khu Tự trị Duy Ngô Nhĩ,  Tân Cương, Trung Quốc chỉ vào khoảng 2.000 km.

Bên cạnh đó, hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc từ cảng Gwadar có thể trực tiếp tiến vào các khu vực như Vịnh Persian của khu vực Trung Đông, biển Đỏ của châu Phi và Địa Trung Hải.

Với tuyến vận chuyển này, dầu mỏ của Trung Đông và nguồn tài nguyên của châu Phi trở thành tài nguyên xung quanh Trung Quốc. Vì thế Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan có thể được coi là tuyến đường yết hầu quan trọng của Trung Quốc.

Một khi Mỹ khuất phục được Iran đồng nghĩa với việc Mỹ đã kiểm soát eo biển Hormuz và bao vây cảng Gwadar, cắt đứt Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan. Điều này có thể hình dung Mỹ một lần nữa bóp nghẹt tuyến đường vận chuyển dầu mỏ trên biển - tuyến đường yết hầu quan trọng của Trung Quốc.

Cùng với việc kiểm soát eo biển Malacca, về cơ bản Mỹ có thể cắt đứt tuyến đường vận chuyển năng lượng trên biển của Trung Quốc bất kỳ lúc nào. Hiển nhiên, Trung Quốc luôn cảnh giác và có sự chuẩn bị trước những toan tính chiến lược tấn công quân sự Iran của Mỹ.

Xuân Tuấn

PGS. TS Nguyễn Hữu Huân: Hạ lãi suất cần cân nhắc đến tỷ giá, tác động từ Fed sẽ có độ trễ
Theo chuyên gia, động thái nới lỏng gần đây của NHNN sẽ giúp hạ lãi suất huy động, nhưng cũng có thể ảnh hưởng tới tỷ giá, nhất là trong bối cảnh Fed hạ lãi suất mới chỉ mang tác động về mặt tâm lý.