|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Yếu tố khiến quan hệ thương mại Mỹ-Canada thêm căng thẳng

07:23 | 09/10/2017
Chia sẻ
Cuộc chiến thương mại giữa tập đoàn Boeing của Mỹ và tập đoàn Bombardier của Canada đang tạo ra bức tường rào mới trong quan hệ thương mại vốn đã căng thẳng giữa 2 nước.
yeu to khien quan he thuong mai my canada them cang thang

Cuộc chiến thương mại giữa Boeing và Bombardier là yếu tố khiến quan hệ Mỹ - Canada thêm căng thẳng. Ảnh: AFP/TTXVN

Đây là nhận định trong bài xã luận trên trang Thư tín và Địa cầu của Canada. Trong cuộc chiến này, cả 2 bên đều cố gắng đưa ra những lý lẽ của mình, nhưng xem ra không bên nào thực sự có được lập luận đủ sức nặng.

Trong cuộc chiến hiện nay, Bộ Thương mại Mỹ và Uỷ ban Thương mại Quốc tế Mỹ đã thể hiện rõ quan điểm đồng tình với cáo buộc của Boeing cho rằng tập đoàn Bombardier của Canada đã nhận trợ cấp không công bằng từ các cấp chính quyền, từ chính quyền liên bang đến chính quyền tỉnh bang và thành phố Quebec.

Các khoản trợ cấp này đã tạo điều kiện cho Bombardier phát triển và bán dòng máy bay phản lực C Series với lợi thế cạnh tranh vượt trội so với các đối thủ. Việc trợ cấp đó đã được tiến hành từ hàng chục năm nay thông qua hình thức miễn giảm thuế.

Gần đây nhất, khi dự án sản xuất C Series gặp khó khăn, thành phố Quebec đã đầu tư một tỷ đôla Canada (CAD) mua 49,5% quyền sở hữu. Chính quyền liên bang cũng đồng ý cho vay 372,5 triệu CAD. Đáng lưu ý, đây mới chỉ là những số liệu ghi nhận trong 2 năm trở lại đây.

Nhưng Boeing trên thực tế cũng chẳng khá khẩm gì hơn. Tập đoàn sản xuất máy bay này từ lâu cũng đã “ngửa tay” nhận trợ giúp từ chính quyền Mỹ với hàng loạt hợp đồng quân sự béo bở.

Boeing hiện là khách hàng lớn nhất của Ngân hàng Xuất – Nhập khẩu Mỹ, nhiều đến nỗi ngân hàng này còn được mệnh danh là “Ngân hàng Boeing” vì chủ yếu cung cấp hỗ trợ tài chính giúp Boeing bán máy bay cho các hãng hàng không nước ngoài.

Tất nhiên, Boeing có thể lập luận rằng họ nhận hỗ trợ của chính phủ là vì các đối thủ cạnh tranh ở châu Âu, Canada và Brazil cũng đang làm điều đó. Có vẻ như các nguyên tắc đang bị bẻ cong và được biện minh bằng cáo buộc đối thủ cũng đang làm điều tương tự.

Nhưng liệu có phải Bombardier thực sự bán các máy bay C Series cho Delta Air Lines với giá thấp hơn giá thành sản xuất? Liệu có phải Boeing cũng đã chào bán các sản phẩm của mình với mức giá chiết khấu, nhờ nhận được trợ giúp của chính quyền Mỹ? Câu trả lời là “có” cho cả 2 câu hỏi trên, và nó dường như là điều rất hiển nhiên.

Vậy thì quyết định của Mỹ áp thuế đối kháng lên tới 220% đối với C Series của Bombardier phải chăng là việc dùng quyền lực để áp chế và bảo vệ các lợi ích của Boeing?

Mức thuế này cao gần gấp 3 lần đề nghị lúc đầu của Boeing (chỉ ở mức 80%) và sẽ khiến giá bán của C Series trên thị trường Mỹ đội lên hơn gấp 2 lần. Hậu quả là các hãng hàng không của Mỹ sẽ phải suy xét lại kế hoạch mua C Series, do giá cả giờ đây đã trở nên quá đắt.

Ở góc độ khác, hành động áp thuế của Mỹ còn nhằm mục đích tiêu diệt đối thủ cạnh tranh tiềm tàng để bảo vệ một trong những tập đoàn công nghiệp lớn nhất trong nước.

Washington có thể biện minh rằng họ chỉ làm thế để trả đũa việc Bombardier nhận được quá nhiều hỗ trợ từ chính quyền các cấp của Canada và thậm chí cả Chính phủ Anh. Thế nhưng, cáo buộc vẫn chỉ là cáo buộc chừng nào chưa có đủ chứng cứ để chứng minh là đúng.

Cách đây không lâu, Thủ tướng Justin Trudeau đã cảnh báo Chính phủ Canada có thể sẽ xem xét lại kế hoạch mua máy bay chiến đấu phản lực Super Hornet nếu như Boeing không rút lại các cáo buộc thương mại chống Bombardier.

Với cảnh báo này, Thủ tướng Trudeau mới chỉ đề cập đến mối quan hệ giữa Canada và Boeing, và mục tiêu phải bảo vệ tập đoàn Bombardier. “Chúng tôi sẽ không làm ăn với một công ty chỉ chăm chăm kiện chúng tôi và tìm cách đẩy các công nhân ngành sản xuất máy bay vào chỗ thất nghiệp”, ông Trudeau nói.

Nhưng phân tích kỹ hơn, việc ông Trudeau lôi vấn đề quốc phòng ra làm quân bài mặc cả trong một cuộc tranh chấp thương mại chưa hẳn đã đúng, chưa kể nó chỉ càng chứng tỏ có sợi dây liên kết giữa chính phủ với Bombardier.

Không chỉ Thủ tướng Trudeau, Thủ hiến tỉnh Quebec Philippe Couillard cũng làm tăng thêm nghi ngờ khi tuyên bố Bombardier bị đánh thuế đồng nghĩa với việc “Quebec bị tấn công” và rằng “Quebec sẽ phản kháng”.

Để thanh minh cho Bombardier, có lẽ không gì thuyết phục hơn là câu chuyện thực tế. Vào thời điểm Delta Air Lines ký thoả thuận với Bombardier, hãng Boeing không hề có dòng máy bay nào đủ sức cạnh tranh với C Series.

Vì vậy, việc nói rằng Boeing bị thiệt hại bởi thương vụ mua bán này, hay các thương vụ tương tự trong tương lai, chỉ là sự nguỵ biện và chụp mũ hoàn toàn do Washington nghĩ ra.

Hay nói cách khác, đây là một cuộc chiến thương mại do chính giới Mỹ khởi xướng nhằm vào dòng máy bay được chính giới Canada nâng đỡ.

Cả chính quyền 3 cấp tại Canada lẫn chính quyền Washington đều không hành động khách quan trong trường hợp này. Washington vừa là cầu thủ, vừa là trọng tài. Còn các cấp chính quyền Canada tập hợp với nhau về cùng phe trong đội còn lại.

Để xử trí trận đấu này, niềm hy vọng tốt nhất là bám vào cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại, quy định trong Chương 19 Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Nếu bỏ qua cơ chế này, quyết định của Mỹ sẽ được thực hiện và gây ra những hậu quả rất lớn.

Nếu thực hiện theo cơ chế, các bên có hy vọng sẽ tìm ra giải pháp hợp lý hơn và khi đó, mức thuế đối kháng 220% có thể không phải là quyết định cuối cùng.

yeu to khien quan he thuong mai my canada them cang thang Infographic: Kinh tế Mỹ thay đổi thế nào khi ông Trump làm Tổng thống?

Tổng thống Donald Trump đã hứa hẹn rằng nền kinh tế sẽ tăng trưởng 3 - 4%. Vậy kinh tế Mỹ đã thay đổi thế ...

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.