|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ý nghĩa kinh tế của tuyến đường ống dẫn khí đốt đầu tiên giữa Nga-Trung

08:30 | 06/12/2019
Chia sẻ
Tuyến đường ống dẫn khí đốt “Sức mạnh Siberia” là một dự án mang tính bước ngoặt trong tiến trình hợp tác năng lượng giữa Nga và Trung Quốc, được gọi là "Dự án hợp tác Nga-Trung mang tầm thế kỉ".
Ý nghĩa kinh tế của tuyến đường ống dẫn khí đốt đầu tiên giữa Nga-Trung - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc họp báo ở Vladivostok, Nga ngày 11/9. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo bài viết trên hãng tin Tân Hoa xã, “Sức mạnh Siberia” trải dài hàng ngàn km, là tuyến dẫn khí đốt tự nhiên đầu tiên trên đất liền xuyên biên giới theo hướng Đông Bắc Trung Quốc. 

Khí đốt được vận chuyển bằng tuyến đường ống này có thể được cung cấp cho vùng Đông Bắc Trung Quốc, vành đai biển Bột Hải và Tam giác sông Trường Giang. Đây là một thành tựu lớn của việc bổ sung ưu thế cho nhau giữa hai nước để thực hiện cùng phát triển.

Việc xây dựng và vận hành đường ống mang lại lợi ích cho cả Trung Quốc và Nga. Thứ nhất, điều này khiến nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Trung Quốc đa dạng và ổn định hơn, có lợi cho việc tối ưu hóa cơ cấu tiêu thụ năng lượng ở các khu vực dọc tuyến đường ống tại Trung Quốc, làm giảm ô nhiễm không khí.

Thứ hai, "Dự án hợp tác Nga-Trung mang tầm thế kỷ" được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu năng lượng của Nga "tiến sang phía Đông", tạo triển vọng về thị trường rộng lớn hơn, qua đó tạo cơ hội quý giá để đẩy nhanh xây dựng cơ sở hạ tầng và tạo việc làm ở khu vực Viễn Đông của Nga. Tuyến đường ống này cho thấy điểm mấu chốt trong hợp tác năng lượng Nga-Trung là đôi bên cùng có lợi, cùng thắng.

Việc vận hành tuyến đường ống không chỉ là thành tựu mang tính giai đoạn quan trọng mà còn là điểm khởi đầu mới cho hợp tác năng lượng Nga-Trung. Sau nhiều cuộc gặp giữa các quan chức cấp cao, hai bên đã nhất trí hợp tác toàn diện trong các lĩnh vực dầu khí, năng lượng điện, than, năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo.

Có thể thấy, Trung Quốc và Nga có tiềm năng tạo ra nhiều dự án quan trọng như dự án này để thúc đẩy sự phát triển của mỗi quốc gia và mang lại lợi ích tốt hơn cho nhân dân hai nước.

Đồng quan điểm này, tờ Thời báo Hoàn cầu dẫn ý kiến của Vương Hiến Cử, nhà phân tích thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược và phát triển quốc gia, Đại học Nhân dân Trung Quốc cho biết, đối với Nga, trong bối cảnh nước này đang chịu sự cản trở của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tại thị trường châu Âu trong những năm gần đây, việc dẫn khí đốt tự nhiên đến Trung Quốc thông qua tuyến đường ống "Sức mạnh Siberia" đã mở ra thị trường khí đốt tự nhiên rộng lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và mở ra một trang mới cho việc tăng cường xuất khẩu khí đốt của Nga sang phía Đông.

Điều này cũng có ý nghĩa to lớn đối với việc thực hiện chính sách cân bằng xuất khẩu năng lượng của Nga đối với phương Đông và phương Tây, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường năng lượng quốc tế giữa Nga với Mỹ và các nước Trung Đông.

Đối với Trung Quốc, việc nhập khẩu khí đốt tự nhiên ổn định, quy mô lớn "từ Viễn Đông và Siberia của Nga trong gần 30 năm giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng sạch và nhu cầu phát triển nền kinh tế trong nước.

Việc này còn giúp cải thiện cấu trúc năng lượng và cải thiện môi trường sinh thái, làm giảm mức độ ô nhiễm không khí ở vùng Đông Bắc và khu vực tam giác Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc, qua đó nâng cao sức khỏe của người dân trong các khu vực này.

Hãng tin Tân Hoa xã dẫn ý kiến của một số nhà phân tích khẳng định việc vận hành tuyến đường ống dẫn khí đốt giúp cải thiện cấu trúc năng lượng của Trung Quốc, khiến nguồn nguồn nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Trung Quốc trở nên đa dạng hơn. Điều này có ý nghĩa lớn trong việc đảm bảo an ninh năng lượng của Trung Quốc.

Giáo sư Lưu Nghị Quân thuộc Đại học Dầu khí Trung Quốc nhận định thông qua dự án này khả năng đảm bảo tài nguyên khí đốt tự nhiên của Trung Quốc sẽ được đảm bảo hơn, đồng thời sẽ giúp đẩy nhanh quá trình xây dựng mạng lưới đường ống dẫn khí đốt khu vực ở khu vực Đông Bắc.

Bên cạnh đó, trên cơ sở dòng khí đốt tự nhiên của Trung Quốc được dẫn "từ Tây sang Đông", lưu lượng khí đốt "từ Bắc xuống Nam" sẽ tăng lên, qua đó tiếp tục hoàn thiện mạng lưới đường ống khí đốt tự nhiên ở khu vực phía Đông Trung Quốc.

Mạng lưới này kết nối với hệ thống mạng lưới đường ống phía Đông Bắc, hệ thống đường ống dẫn khí giữa Thiểm Tây-Bắc Kinh và hệ thống dẫn khí đốt từ Tây sang Đông, cùng nhau tạo thành một mạng lưới đường ống khí đốt tự nhiên chạy theo hướng Bắc-Nam, kéo dài về phía Đông-Tây, và sau đó kết nối với mạng lưới đường ống dẫn khí nước ngoài. 

Tuyến đường ống dẫn nói trên có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng của Trung Quốc.

Vương Nghi Xuân, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, cho biết sau khi tuyến đường ống dẫn khí đốt được đưa vào hoạt động sẽ hình thành một kênh cung cấp nguồn khí đa dạng và giúp tối ưu hóa cấu trúc sử dụng khí đốt trong khu vực, có ý nghĩa quan trọng đối với việc tăng cường khả năng cung cấp khí đốt trong mùa Đông và tăng cường khả năng bảo vệ môi trường đối với Trung Quốc.

Bước tiếp theo, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc sẽ tăng cường khâu quản lý vận hành, thực hiện nâng cấp quản lý an toàn, tối ưu hóa các hoạt động sản xuất, nâng cao chất lượng kiểm tra, bảo vệ đường ống, thúc đẩy vận hành đường ống an toàn, ổn định và hiệu quả.

Vĩnh Hà

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.