Xuất nhập khẩu của Trung Quốc 'hạ nhiệt' trong tháng 7
Số liệu chính thức công bố ngày 7/8 cho thấy hoạt động xuất - nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ chậm hơn dự kiến trong tháng 7/2021, sau khi dịch COVID-19 lây lan ở các tỉnh miền Đông và Nam Trung Quốc – vốn là trung tâm xuất khẩu chính của nước này.
Theo báo cáo, xuất khẩu trong tháng 7 của Trung Quốc đã tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước đó. Song con số trên thấp hơn đáng kể so với mức tăng 32,2% của tháng 6 và cũng kém hơn dự báo của các nhà phân tích tham gia khảo sát của hãng tin Reuters là 20,8%.
Nhập khẩu cũng tăng 28,1% vào tháng 7, chậm lại so mức tăng 36,7% trong tháng trước.
Tuy nhiên, dù xuất – nhập khẩu đều tăng trưởng chậm lại, thặng dư thương mại của Trung Quốc vào tháng trước vẫn tăng lên 56,58 tỷ USD so với 51,53 tỷ USD của tháng 6 và dự báo là 51,54 tỷ USD.
Dựa trên dữ liệu được công bố, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đã tăng từ 32,58 tỷ USD vào tháng 6 lên 35,4 tỷ USD trong tháng vừa qua. Tính chung trong giai đoạn từ tháng 1-7/2021, thặng dư của Trung Quốc trong hoạt động thương mại với Mỹ là 200,32 tỷ USD.
Nước xuất khẩu lớn nhất thế giới đã có sự phục hồi kinh tế ấn tượng từ giai đoạn sụt giảm do đại dịch COVID-19 gây ra trong vài tháng đầu năm ngoái, nhờ thành công kiểm soát dịch nhanh chóng.
Nhưng vào tháng 7, nước này đã phát hiện các ca COVID-19 mới chủ yếu do biến thể Delta có tính lây nhiễm cao tại hàng chục thành phố trong nước. Các chính quyền địa phương sau đó phải phong tỏa các khu vực bị ảnh hưởng, yêu cầu hàng triệu người dân làm xét nghiệm và tạm thời đình chỉ hoạt động của một số doanh nghiệp, bao gồm các nhà máy.
Lũ lụt theo mùa và thời tiết bất lợi trong tháng trước cũng ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp ở một số khu vực, như miền Trung của Trung Quốc.
Ngoài những lực cản đến từ các biện pháp phòng chống dịch, các nhà xuất khẩu của Trung Quốc cũng phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn toàn cầu, tắc nghẽn logistics, cùng chi phí nguyên liệu thô và vận chuyển hàng hóa cao hơn.
Bên cạnh đó, việc xuất khẩu của Trung Quốc chậm hơn cũng phản ánh hoạt động kinh doanh của Mỹ đã ôn hòa hơn vào tháng 7, giữa bối cảnh nguồn cung bị hạn chế. Diễn biến này cũng cho thấy sự “hạ nhiệt” của nền kinh tế lớn nhất thế giới sau một quý hai tăng trưởng khá mạnh mẽ.