Xuất khẩu tôm phục hồi hai tháng liên tiếp, doanh nghiệp vẫn lo áp lực lạm phát
Xuất khẩu tôm phục hồi hai tháng liên tiếp
Theo số liệu ước tính của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (VITIC - thuộc Bộ Công Thương), ước tính xuất khẩu tôm của Việt Nam tháng 9 đạt 45 nghìn tấn, trị giá 430 triệu USD, tăng 50% về lượng và tăng 51% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Giai đoạn tháng 8, 9/2021, xuất khẩu tôm của Việt Nam giảm mạnh do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Nếu so với số liệu của tháng 8, xuất khẩu tôm trong tháng 9 tăng 11% về lượng và tăng 9,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm ước đạt 354 nghìn tấn, trị giá 3,4 tỷ USD, tăng 19,17% về lượng và tăng 26,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá tôm xuất khẩu trong tháng 9 gần như không đổi so với tháng 8, quanh mức 9,5 USD/kg.
VITIC nhận định lạm phát tăng ở nhiều lớn khiến xu hướng tiêu dùng tập trung nhiều vào tôm thẻ và tôm sú cỡ nhỏ và trung bình có mức giá cạnh tranh đang dược hình thành rõ, đặc biệt là tại Mỹ, EU, Nhật Bản. Giá dầu thế giới giảm mạnh trong tháng 9 có thể khiến nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu tôm những tháng cuối năm 2022 tăng lên.
“Do vậy, xuất khẩu tôm của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2022 có cơ hội tăng mạnh”, VITIC nhận định.
Nỗi lo lạm phát và nhu cầu suy giảm
Mặc dù xuất khẩu tôm có xu hướng phục hồi trong 2 tháng 8 và 9, một số doanh nghiệp vẫn đang tỏ ra lo lắng về triển vọng xuất khẩu tôm trong những tháng cuối năm. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta cho biết tình hình lạm phát tăng cao, hệ thống logistics quốc tế chưa thể phục hồi sẽ là những khó khăn lớn của ngành tôm trong những tháng cuối năm.
Giá đồng Euro, Bảng Anh, Yên Nhật xuống thấp làm giảm sức mua. Đồng USD neo ở mức cao nhưng áp lực tôm giá rẻ của Ecuador và Ấn Độ lớn.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của tôm Việt Nam, chiếm tỷ trọng 20%. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ bắt đầu chững từ tháng 5 và giảm liên tiếp từ tháng 6 đến tháng 8.
Tháng 8, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt hơn 68 triệu USD, giảm 27%. Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt hơn 619 triệu USD, giảm 9% so với cùng kỳ.
Hàng tồn kho tại Mỹ đã đạt mức tối đa bởi những tháng đầu năm nhiều công ty tăng cường nhập hàng sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 và cước tàu tăng cao. Tình hình bán hàng tại Mỹ cũng chậm nên các nhà nhập khẩu cũng chưa thực hiện nhiều các đơn hàng mới.
Trong bối cảnh đó, tình hình nuôi tôm trong nước lại không tốt khiến giá tôm thương phẩm duy trì ở mức khá cao, thêm bất lợi cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.
“Từ tháng 9 đến cuối năm, kim ngạch xuất khẩu tôm sẽ giảm mạnh so những tháng trước đây”, ông Lực nhận định.
Trong tháng 9, doanh số tiêu thụ của Sao Ta đạt 19,8 triệu USD, thấp hơn 2,1 triệu USD so với tháng 8. Tuy nhiên, công ty cho biết vẫn có lãi tốt do sử dụng tôm tự nuôi cho chế biến, có giá thành rẻ.
Sao Ta dự báo: “Từ nay đến cuối năm, do ảnh hưởng lạm phát toàn cầu nên sức tiêu thụ không cao. Do đó, doanh số tiêu thụ sẽ không tăng mạnh ở những tháng cuối năm nhưng doanh nghiệp vẫn bảo đảm hoàn thành kế hoạch năm chỉ tiêu doanh số và lợi nhuận”.
Hiện tại, công ty đang tập trung bán hàng ở các thị trường gần để hạn chế chi phí vận tải.
“Hiện nay giá thuê container có giảm, nhưng mức giảm chưa như mong muốn. Trong hoàn cảnh tôm nguyên liệu không nhiều và giá cao, Sao Ta tập trung vào khách hàng tiêu thụ sản phẩm tinh chế, bởi đây cũng là thế mạnh của công ty. Sách lược này đã thực thi từ đầu năm 2021, đến nay có kết quả khả quan”, công ty cho biết.
Theo ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú nửa cuối năm 2022 sẽ là giai đoạn khó khăn đối với thị trường tôm vì lạm phát, dịch bệnh và thời tiết.
“Năm nay, tình hình dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp hơn mọi năm. Thời tiết lại mưa khá nhiều khiến bà con phải thu hoạch tôm sớm và cũng hạn chế thả giống. Đặc biệt, tình hình lạm phát ở các nước cao nên thị trường tiêu thụ từ nay đến cuối năm sẽ khó khăn”, ông Quang nói.
Tại Hội thảo nhu cầu và xu hướng thị trường thủy sản hậu COVID-19, bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông VASEP cho biết nhu cầu thủy sản toàn cầu đã đạt đỉnh và sẽ giảm trong nửa cuối 2022.
Nguyên nhân là đồng USD tăng giá làm giảm nhu cầu ở nhiều thị trường; trong đó có EU, Nhật Bản. Cùng với đó, lượng tồn kho tăng khiến nhà nhập khẩu hạn chế mua hàng và tìm cách hạ giá nhập khẩu.
Tình hình lạm phát gia tăng làm giảm chi tiêu cho thủy sản, người tiêu dùng cũng sẽ ưu tiên cho các loài có giá vừa phải phù hợp với thu nhập đang bị sụt giảm. Tôm nhỏ, cá tra, chả cá, surimi, cá biển nhỏ vẫn có nhu cầu cao nhưng giá sẽ giảm so với nửa đầu năm.