|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tăng mạnh

21:42 | 22/11/2016
Chia sẻ
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đã tăng mạnh trong những tháng đầu năm và Trung Quốc đã vượt thị trường Hàn Quốc trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản VN lớn thứ 4. Tuy nhiên, để xuất khẩu bền vững sang thị trường này cần nhiều biện pháp quản lý từ phía Nhà nước.
xuat khau thuy san sang trung quoc tang manh
Tôm là mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang Trung Quốc - Ảnh: TL

Ngày 22-11, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có cuộc họp Ban Chỉ đạo thị trường nông nghiệp và các hiệp hội ngành hàng để đánh giá tình hình xuất khẩu nông lâm thủy sản cũng như tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và bàn giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu.

Theo thông tin tại buổi họp, xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Trung Quốc đạt khoảng 4,9 tỉ đô la Mỹ, chiếm 20% giá trị xuất khẩu toàn ngành. Những mặt hàng xuất khẩu chính sang thị trường này là cao su, sắn, hạt điều, rau quả tươi, thủy sản… Đặc biệt, năm nay, các mặt hàng thủy sản sang Trung Quốc đã có sự gia tăng khá mạnh.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), cho biết trong các mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh nhất là tôm, đặc biệt là tôm sú.

Hiện nay, kim ngạch thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc đã vượt cả Hàn Quốc, thị trường thường đứng thứ 4 trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên ông Nam cũng lưu ý, khi thị trường Trung Quốc gia tăng nhập khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần quan tâm đến cách mua hàng của doanh nghiệp nước này để tránh tác động về sau. Bên cạnh đó, ông Nam cũng đề xuất, hiện nay Việt Nam chưa đánh thuế với doanh nghiệp nước ngoài mua bán nông lâm thủy sản tại Việt Nam, các bộ ngành cần nghiên cứu trường hợp này.

Ngoài ra, cần nghiên cứu đưa ra yêu cầu kiểm soát hàng xuất khẩu sang Trung Quốc như phải có giấy chứng nhận để tránh tình trạng lợi dụng sự giao thương này buôn bán hàng không đạt chất lượng, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp kinh doanh chân chính.

Theo ông Nguyễn Viết Mạnh, Hội Nghề cá Việt Nam, Trung Quốc là thị trường gần và nhập khẩu rất nhiều mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam, do đó cần ưu tiên, tập trung số một vào thị trường này. Thứ hai là thị trường Mỹ và Nhật Bản bởi đây là hai thị trường tiêu thụ tốt. Thứ ba là các nước thuộc Liên minh kinh tế Á – Âu; trong đó nhất là Nga đang có nhu cầu cao về hàng thủy sản. Ngoài ra, cũng cần tập trung vào Trung Đông và Bắc Phi. Cá tra có thể đẩy mạnh sang châu Phi và Mỹ La tinh cũng như tăng đàm phán để đẩy nhanh xuất khẩu tôm vào Úc.

Đối với thị trường Mỹ, đây là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai các mặt hàng nông sản Việt Nam. Mặc dù là thị trường lớn, hấp dẫn nhưng đây cũng là thị trường có hệ thống luật pháp phức tạp với nhiều rào cản kỹ thuật và thương mại. Về các vấn đề liên quan đến Luật Nông trại mới của Mỹ đối với xuất khẩu cá da trơn của Việt Nam, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ NN&PTNT cho biết, đơn vị này đang hợp tác và hoàn thiện các thủ tục đăng ký để tránh không bị gián đoạn xuất khẩu cá tra sang thị trường này.

Về thị trường Nhật Bản, thị trường này đang áp dụng kiểm tra 100% lô hàng thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam về chỉ tiêu kháng sinh. Điều này không những làm tăng chi phí lưu kho, lưu bãi do chờ kết quả kiểm tra mà còn ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của hàng Việt. Bên cạnh đó, hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản còn bị kiểm tra hai lần do chưa có cơ chế thừa nhận lẫn nhau về chất lượng nông lâm thủy sản và hàng hóa giữa hai nước. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian và làm tăng chi phí, giá cả hàng hóa xuất khẩu.

Theo ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, Bộ NN&PTNT, đối với thị trường Nhật Bản, thời gian tới cần tháo gỡ rào cản về mức giới hạn cho phép đối với kháng sinh Enrofloxacin áp dụng với tôm của Việt Nam, đảm bảo phù hợp với quy định như của các nước phát triển khá; thúc đẩy ký kết thỏa thuận hợp tác và cơ chế công nhận lẫn nhau giữa Việt Nam và Nhật Bản về chất lượng nông lâm thủy sản và hàng hóa nhằm tháo gỡ nút thắt cho xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường này.

Ông Bảnh cũng đồng thời đề nghị hoàn thiện hồ sơ đăng ký để Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản sớm công nhận năng lực và thừa nhận kết quả kiểm nghiệm nông sản thủy sản của các phòng kiểm nghiệm Việt Nam, tránh kiểm tra hai lần, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong xuất khẩu.

Trúc Diễm

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.