Xuất khẩu thủy sản sang Indonesia đang rộng cửa
Xuất khẩu thủy sản sang Indonesia còn nhiều 'khoảng trống'
Ngày 30/8, Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam, Bộ Hàng hải và nghề cá Indonesia phối hợp với Bộ NN&PTNT Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã tổ chức diễn đàn "Triển vọng hợp tác trong lĩnh vực thủy hải sản Việt Nam - Indonesia" tại TP HCM.
Tại đây, ông Ibnu Hadi, Đại sứ Indonesia tại Việt Nam, cho biết xuất khẩu các mặt hàng thủy hải sản của Indonesia sang Việt Nam ngày càng tăng.
Cụ thể, năm 2018, Indonesia xuất khẩu các mặt hàng thủy hải sản sang Việt Nam đạt gần 96 triệu USD, tăng 82% so với năm 2017, trong khi đó, các mặt hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Indonesia đạt gần 3,9 triệu USD.
Ông Ibnu Hadi, Đại sứ Indonesia tại Việt Nam phát biểu tại diễn đàn "Triển vọng hợp tác trong lĩnh vực thủy hải sản Việt Nam - Indonesia". Ảnh: Như Huỳnh.
Riêng trong 7 tháng năm 2019, xuất khẩu thủy hải sản của Indonesia sang Việt Nam đạt hơn 55 triệu USD và Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng này sang Indonesia đạt gần 1,6 triệu USD.
Những mặt hàng thủy sản Indonesia xuất khẩu sang Việt Nam gồm có cá ngừ, mực, nhuyễn thể chân đầu, tôm và một số loại khác. Thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Indonesia gồm có cá ngừ, cá tra, cua ghẹ, nhuyễn thể chân đầu, tôm và một số loại khác.
Trao đổi với người viết, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) nhận định:
"Indonesia là thị trường có nhiều tiềm năng, hai quốc gia cùng có biển và lợi thế của Indonesia là các mặt hàng nguyên liệu thủy sản mà Việt Nam có thể sử dụng phục vụ chế biến giá trị gia tăng để xuất khẩu đi thế giới.
Bên cạnh đó, việc hợp tác nuôi trông thủy sản cũng là tiềm năng trong khu vực mà hai bên có thể tận dụng kinh nghiệm lợi thế để thúc đẩy ngành khai thác và nuôi trồng thủy sản phát triển".
Đặc biệt, theo ông Luân, với hơn 200 triệu dân, đây là thị trường lớn mà nhiều sản phẩm thủy sản giá trị giá tăng của của Việt Nam như tôm, cá, hải sản có thể xuất khẩu tốt sang thị trường này.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT). Ảnh: Như Huỳnh.
Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và xúc tiến thương mại (VASEP), cho biết sản lượng thủy hải sản khai thác hàng năm của Việt Nam tăng trưởng trung bình 5%. Năm 2018, giá trị xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam đạt trên 9 tỉ USD.
Đáng chú ý ngành nuôi trồng thủy sản được Chính phủ rất quan tâm, các vùng nuôi và nhà máy chế biến đều đạt được các tiêu chuẩn cao như ISO 22000, HACCP…
Đặc biệt, hầu hết doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam là doanh nghiệp tư nhân nên có thể linh hoạt trong hợp tác kinh doanh và đầu tư.
Đồng thời, hiện nay, các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam kí kết với nhiều thị trường lớn đã tạo cơ hội cho ngành thủy sản nâng cao chất lượng sản phẩm, cùng với đó là những ưu đãi về thuế quan… tạo lợi thế không nhỏ cho các sản phẩm thủy sản xuất khẩu.
Tuy nhiên, bà Hằng cũng cho biết, doanh nghiệp Việt Nam cũng có những thời điểm bị thiếu nguyên liệu phải nhập khẩu từ các nước, trong đó có Indonesia.
Chính vì vậy, việc tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước sẽ tạo cơ hội đảm bảo ổn định nguồn cung, hướng tới phát triển bền vững cho doanh nghiệp.
Kiến nghị mở cửa thị trường cho thủy sản khô, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt
Tại diễn đàn "Triển vọng hợp tác trong lĩnh vực thủy hải sản Việt Nam - Indonesia", ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), cho biết:
"Đây là diễn đàn đầu tiên về hợp tác thủy hải sản giữa Việt Nam - Indonesia, là 'cú hích' đầu tiên để giao thương hai nước tốt hơn, tranh thủ lợi thế của nhau để sản xuất các sản phẩm gia tăng, phục vụ nhu cầu đối với sản phẩm thủy sản của thế giới ngày càng tăng"
Ngoài tăng cường hợp tác, các đơn vị tổ chức mong muốn phát huy lợi thế giữa doanh nghiệp hai nước để sản xuất ra các sản phẩm thủy hải sản chất lượng cung cấp cho thị trường thế giới.
Dự kiến trong thời gian tới sẽ có nhiều diễn đàn về ngành thủy hải sản, tạo cơ hội cho doanh nghiệp hai nước tăng cường xúc tiến, trao đổi thương mại, học hỏi kinh nghiệm trong việc phát triển các nguồn thủy hải sản.
Quang cảnh diễn đàn "Triển vọng hợp tác trong lĩnh vực thủy hải sản Việt Nam - Indonesia" diễn ra ngày 30/8 tại TP HCM. Ảnh: Như Huỳnh.
Ông Jaya Wijaya, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường nước ngoài (Bộ Hàng hải và nghề cá Indonesia) cũng chia sẻ các chính sách, qui định khai thác thủy hải sản của Indonesia, các chính sách khuyến khích đầu tư, miễn giảm thuế và cơ hội hợp tác khai thác các sản phẩm trong lĩnh vực thủy hải sản giữa doanh nghiệp hai nước.
Đáng chú ý từ năm 2016 đến nay, Indonesia ngừng nhập khẩu tất cả mặt hàng cá khô từ Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và Myanmar.
Cụ thể là trong 3 năm qua, hải quan tại các cảng Belawan, Jakarta và Kalimantal của Indonesia không cho nhập khẩu các mặt hàng cá khô.
Trước tình hình đó, để xuất khẩu cá khô sang Indonesia, các doanh nghiệp đều phải xuất khẩu không chính thức vào nước này thông qua các cửa khẩu chuyển tải của Malaysia. Điều này tạo sự rủi ro rất cao.
Mặt khác, khi xuất khẩu phi chính thức thì chi phí nhập khẩu của Indonesia rất cao, khoảng gấp 3 lần so với xuất khẩu chính ngạch.
Theo đó, đại diện VASEP đã kiến nghị Indonesia mở cửa thị trường cho mặt hàng thủy sản khô Việt Nam, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu hải sản từ Indonesia để chế biến, xuất khẩu sang các thị trường khác.
Đồng thời phía VASEP cũng đưa ra những đề xuất hợp tác thủy hải sản giữa Việt Nam và Indonesia như hợp tác chống khai thác IUU, phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, hợp tác trong chế biến, thương mại, an toàn thực phẩm và kiểm dịch cũng như chia sẻ thông tin về hàng hải, nghề cá và hợp tác bảo tồn biển.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp cần lưu ý về việc đáp ứng các qui định truy xuất nguồn gốc, các chứng nhận GlobalGap, ASC, BAP...
Đặc biệt là những áp lực về truyền thống xấu, truyền thông bẩn gia tăng tại một số thị trường có thể ảnh hưởng đến việc đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường tiềm năng như Indonesia.