|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc lao dốc gần 30%

10:02 | 09/04/2020
Chia sẻ
Mặc dù các thị trường khác như Indonesia, Thái Lan, Lào, Nga, Campuchia...đều có sự tăng trưởng mạnh nhưng thị trường chính của rau quả Việt Nam là Trung Quốc lại bị sụt giảm sâu trong những tháng đầu năm 2020 do dịch COVID-19 bùng phát.

Cục Chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết giá trị xuất khẩu rau quả tính đến ngày 15/3 đạt 681,7 triệu USD, giảm 6,8% so với cùng năm 2019. Ước tính 3 tháng đầu năm 2020 đạt 836 triệu USD, giảm gần 11% so với cùng năm 2019. 

Trung Quốc tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2020 với 56,6% thị phần, giá trị xuất khẩu đạt 300,4 triệu USD, giảm 29,4% về giá trị so với cùng năm 2019.

Đối lập với thị trường Trung Quốc, hầu hết các thị trường khác tuy có giá trị xuất khẩu thấp nhưng có tỉ trọng tăng cao so với cùng năm 2019 là Indonesia từ 164.800 USD năm 2019 tăng lên 2,1 triệu USD năm 2020; Thái Lan từ 7,6 triệu USD tăng lên 35,2 triệu USD; Lào từ 2,6 triệu USD tăng lên 9,6 triệu USD, Nga từ 2,4 triệu USD tăng lên 8,2 triệu USD, Campuchia từ 340.000 USD tăng lên 885.300 USD.

Các mặt hàng rau quả xuất khẩu chính có giá trị xuất khẩu giảm so với cùng 2019 là thanh long, chuối, nhãn, dưa hấu, sầu riêng, nấm hương…

Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả tháng 3/2020 ước đạt 96 triệu USD, đưa tổng giá trị mặt hàng rau quả nhập khẩu 3 tháng đầu năm 2020 đạt 294 triệu USD, giảm 29,8% so với cùng năm 2019. 

So với cùng năm 2019, giá trị nhập khẩu rau quả 2 tháng đầu năm 2020 từ thị trường Mỹ đạt tăng trưởng gần 55%, Myanma tăng gần 110% trong khi nhập khẩu từ các thị trường Trung Quốc, Australia và Thái Lan giảm lần lượt 27,7%, 18,5% và 90%.

Cũng theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản, để thúc đẩy nhập khẩu sau khi kiểm soát được dịch COVID-19, Trung Quốc thực hiện giảm thuế 80 mặt hàng thực phẩm trên tổng số 800 mặt hàng để thúc đẩy nhập khẩu đáp ứng nhu cầu trong nước, trong đó có mặt hàng dừa khô giảm từ 12% xuống 7% và nước cam giảm từ 30% xuống 15%.

Vào cuối tháng 3, khi châu Âu, Mỹ, Australia đang trong giai đoạn phát triển mạnh của dịch bệnh COVID-19, các hãng hàng không dừng khai thác đường bay quốc tế, dẫn đến việc xuất khẩu trái cây tươi sang các thị trường này gặp rất nhiều khó khăn.

Do đó, phương thức vận chuyển đường biển sẽ rất phù hợp trong lúc này cho những sản phẩm rau quả có hạn sử dụng dài tương thích như chế biến, đông lạnh,…

Như Huỳnh