Xuất khẩu rau quả cần chuyển động mới để tiến sâu vào thị trường Á - Âu
Xuất khẩu rau quả nhiều dư địa nhưng cũng không ít khó khăn tại thị trường Á - Âu
Tại Hội thảo Xuất khẩu rau, hoa, quả những chuyển động mới từ thị trường Á – Âu diễn ra ngày 22/10 tại TP HCM, bà Đặng Thanh Phương, Phó Trưởng phòng, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương, cho biết ngành rau quả Việt Nam trong những năm gần đây có bước tăng trưởng vượt bậc, nhất là về xuất khẩu.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, giá trị xuất khẩu rau quả tháng 9/2019 ước đạt 295 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 2,84 tỉ USD.
Năm 2018 có kim ngạch xuất khẩu kỉ lục, đạt 3,52 tỉ USD, tăng 10,8% và vượt kim ngạch xuất khẩu dầu thô 1,92 tỉ USD.
Hiện tại, mặt hàng rau quả của Việt Nam đã xuất khẩu đến 55 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, khu vực châu Á chiếm 85% tổng kim ngạch xuất khẩu, đứng đầu là các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á.
Theo bà Phương, xuất khẩu rau quả Việt Nam đến các thị trường châu Á sẽ tiếp tục tăng trưởng do qui mô thị trường và sức tiêu thụ lớn, thói quen tiêu dùng tương đồng, vị trí địa lí thuận lợi cho việc vận chuyển, mức thuế nhập khẩu hầu hết đều đã về 0% do thực thi các hiệp định thương mại tự do.
Tuy nhiên, xuất khẩu tại khu vực này đang gặp thách thức lớn do sự thay đổi về chính sách nhập khẩu như Nhật Bản, Hàn Quốc qui định khắt khe về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và qui trình đánh giá rủi ro phức tạp, kéo dài.
Trong khi Trung Quốc cũng chuyển từ giao dịch biên mậu sang nhập khẩu chính ngạch, đồng thời áp dụng các chính sách thắt chặt kiểm soát chất lượng nông sản nhập khẩu.
Ông Willem Schoustra, Tham tán nông nghiệp phụ trách Việt Nam và Thái Lan, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam. Ảnh: Như Huỳnh.
Với thị trường châu Âu, ông Willem Schoustra, Tham tán nông nghiệp phụ trách Việt Nam và Thái Lan, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, cho rằng Việt nam có lợi thế sản xuất các loại rau củ nhiệt đới với chủng loại đa dạng, phong phú.
Cùng với việc kí kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam mà điển hình là rau, hoa, quả sẽ được mở cửa để tiếp cận thị châu Âu trường tốt hơn.
Đồng quan điểm, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định:
"Châu Âu không cần thực hiện qui trình đánh giá rủi ro với các loại rau và hoa quả khi nhập khẩu nhưng qui định rất chặt chẽ về mức độ dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, vi sinh vật, thậm chí áp dụng các biện pháp hạn chế, cấm nhập khẩu khi phát hiện các mối nguy cụ thể.
Vì vậy, dù EVFTA đi vào thực thi, nông sản, rau quả Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về thuế nhưng chưa hẳn đã có thể gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào EU".
Giải pháp gia tăng xuất khẩu rau quả trong bối cảnh nhiều rào cản
Theo các chuyên gia, yêu cầu cấp thiết đối với doanh nghiệp hiện nay là cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đồng thời áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói, vận chuyển và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu để đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường xuất khẩu cũng như cạnh tranh trên thị trường nội địa.
Cụ thể, theo ông Lê Thanh Hòa muốn nâng cao chất lượng nông sản phải bắt đầu từ việc thay đổi tư duy, nhận thức về quản lí và giám sát an toàn thực phẩm theo chuỗi.
Trong đó, người sản xuất phải áp dụng các qui trình sản xuất tốt, đạt chứng nhận theo yêu cầu của thị trường và thực hành vệ sinh tốt trong quá trình thu hoạch, bao gói sản phẩm.
Các doanh nghiệp thu mua, chế biến phải đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu hoặc liên kết chặt chẽ với nông dân để đảm bảo nguồn cung và giám sát việc truy suất nguồn gốc sản phẩm.
Mặt khác, cần xây dựng kênh trao đổi thông tin qui định về an toàn thực phẩm của thị trường giữa cơ quan quản lí và nhà sản xuất, xuất khẩu, thường xuyên cập nhật thông tin và thông báo đúng lúc, chính xác.
Toàn cảnh Hội thảo Xuất khẩu rau, hoa, quả những chuyển động mới từ thị trường Á – Âu diễn ra ngày 22/10 tại TP HCM. Ảnh: Như Huỳnh.
Còn bà Đặng Thanh Phương lại cho rằng người sản xuất cần chuyển đổi phương thức sản xuất sang tập trung, qui mô lớn, áp dụng công nghệ cao nhằm cải thiện chất lượng nông sản.
Bên cạnh đó, cũng cần chủ động nghiên cứu tìm hiểu nhu cầu, tiêu chuẩn mà thị trường yêu cầu, tập trung vào mặt hàng có giá trị gia tăng cao để nâng cao biên độ lợi nhuận và xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam.
Trong khi đó, các chuyên gia nước ngoài khuyến nghị, Việt Nam cần kiểm soát tốt việc sử dụng các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là mặt hàng rau, quả, bởi đây là vấn đề chính mà nhiều lô hàng xuất khẩu của Việt Nam gặp phải thời gian qua.
Đặc biệt với những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu, việc phát hiện sản phẩm không đạt chất lượng có thể dẫn đến biện pháp hạn chế xuất khẩu lâu dài, ảnh hưởng đến sự phát triển của toàn ngành sản xuất tại Việt Nam.