|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu mật ong của Việt Nam vào Mỹ ra sao sau khi thuế CBPG được điều chỉnh?

08:06 | 19/07/2022
Chia sẻ
Trong tháng 5, xuất khẩu mật ong của Việt Nam vào Mỹ được nối lại sau 3 tháng tạm ngưng. Việc Mỹ điều chỉnh giảm mạnh thuế CBPG trong kết luận cuối cùng đã giúp ngành mật ong Việt Nam có thể nỗ lực tiếp tục xuất khẩu vào thị trường này.

Xuất khẩu mật sang Mỹ được nối lại

Đầu tháng 4 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã quyết định giảm mạnh thuế chống bán phá giá (CBPG) sản phẩm mật ong của Việt Nam từ 410,93% - 413,99% trong kết luận sơ bộ xuống còn 58,74% - 61,27%.

Mặc dù mức thuế CBPG vẫn còn tương đối cao nhưng động thái này được cho là sẽ giúp ngành mật ong Việt Nam có thể tiếp tục xuất khẩu vào Mỹ.

Thực tế cho thấy, xuất khẩu mật ong của Việt Nam vào Mỹ trong tháng 5 đã được nối lại sau 3 tháng tạm ngưng dù khối lượng không nhiều, đạt 345 tấn, thấp hơn nhiều so với 2.746 tấn của cùng kỳ, theo số liệu từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC).

Số liệu từ USITC. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp) 

Như vậy, trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu mật ong của Việt Nam vào Mỹ đã giảm 90,1% (tương ứng giảm 13.578 tấn) so với cùng kỳ năm ngoái, xuống chỉ còn 1.490 tấn.

Đồng thời, Việt Nam đã tụt xuống vị trí thứ 8 về xuất khẩu mật ong vào Mỹ từ vị trí thứ số 1 của năm ngoái. Thị phần mật ong của Việt Nam tại Mỹ theo đó giảm xuống còn 2,4% so với con số 26,1% của năm 2021.

Tương tự, những nước cùng bị áp thuế CBPG mật ong tại Mỹ như Argentina và Brazil cũng giảm mạnh lần lượt là 27,7% và 50%, xuống còn 13.118 tấn và 9.107 tấn.

Với sự sụt giảm này, tổng nhập khẩu mật ong của Mỹ sau 5 tháng đầu năm nay đã giảm 23% so với cùng kỳ, xuống còn 62.654 tấn.

Vẫn khó cạnh tranh

Một số doanh nghiệp cho biết, thuế CBPG vào Mỹ tuy đã được điều chỉnh giảm nhưng vẫn còn cao và ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của người nuôi ong và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh của ngành mật ong Việt Nam.

Sau khi bị áp thuế mật ong của Việt Nam trở lên kém cạnh tranh hơn so với mật ong của nhiều nước khác khi xuất khẩu vào Mỹ. Đơn cử như thị trường Ấn Độ, mức thuế chống bán phá giá mà Mỹ áp dụng cho Ấn Độ chỉ ở mức 5,85% trong khi với Việt Nam lên đến 58,74 - 61,27%.

Với mức thuế này, mật ong của Việt Nam gần như không thể cạnh tranh được với mật ong của Ấn Độ tại thị trường Mỹ.

Theo số liệu của  USITC, 5 tháng đầu năm nay, trong số 4 thị trường bị áp thuế CBPG vào Mỹ gồm Việt Nam, Argentina, Brazil và Ấn Độ, thì chỉ có duy nhất Ấn Độ vẫn duy trì khối lượng xuất khẩu 21.865 tấn, tăng 10% so với cùng kỳ.  

   Thuế CBPG 
Việt Nam  58,74% – 61,27 % 
Ấn Độ  5,52% - 6,24% 
Argentina   9,17% - 49,44% 
 Brazil   7,89% – 83,72% 

Kết luận cuối cùng về mức thuế CBPG mật ong nhập khẩu từ Argentina, Brazil, Ấn Độ và Việt Nam được Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố vào đầu tháng 4/2022.

Trong khi đó, Mỹ cũng đang chuyển sang nhập khẩu mật ong từ các nhà cung cấp khác như: Mexico tăng gấp 7,5 lần, Uruguay và Canada tăng 2,8 lần, Đài Loan tăng gấp 3 lần...

Được biết, năm 2021 Mỹ đã nhập khẩu 215.122 tấn mật ong, tăng 12,5% so với năm 2020. Trong đó, Ấn Độ và Việt Nam là hai nguồn cung lớn nhất với lần lượt là 56.219 tấn và 56.209 tấn, chiếm hơn 50% thị phần mật ong tại Mỹ.

Thị phần các nguồn cung mật ong vào Mỹ trong năm 2021 và 5 tháng đầu năm 2022. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)  

Xuất khẩu mật ong vào Mỹ giảm sút cũng đặt ra bài toán khó đối với ngành mật ong Việt Nam. Nguyên nhân là bởi mỗi năm sản lượng mật ong và sản phẩm từ ong của nước ta vào khoảng 60.000 tấn, nhưng có đến 90% được xuất khẩu sang Mỹ.

Hiện Việt Nam có trên 1,7 triệu đàn ong với 3,5 vạn lao động nuôi ong và 31 doanh nghiệp xuất khẩu mật ong vào Mỹ, tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên và Nam bộ.

Trong bối cảnh này, ngoài việc tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ mới các doanh nghiệp hy vọng phía Mỹ sẽ xem xét và tiếp tục điều chỉnh giảm thuế CBPG đối với mật ong Việt Nam trong tương lai.

Thời gian qua, bên cạnh việc đàm phán, kiến nghị DOC xem xét lại mức thuế CBPG hợp lý, Hội nuôi ong Việt Nam và các doanh nghiệp cũng đang cố gắng thay đổi quy trình sản xuất, có được sản phẩm phù hợp với các thị trường khác như EU, ASEAN....

Thị trường trong nước cũng đang được các doanh nghiệp hướng đến. Dẫn nguồn tin từ Báo Đồng Nai, tại Tuần lễ Tôn vinh trái cây tỉnh Đồng Nai tổ chức tại TP.Long Khánh vào tháng 6/2022, nhiều doanh nghiệp, cơ sở chuyên xuất khẩu mặt hàng mật ong đã tham gia giới thiệu mặt hàng mật ong và các sản phẩm từ nghề nuôi ong đến người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

Theo một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mật ong, nhu cầu tiêu thụ mật ong tại thị trường nội địa hiện đang tăng nhanh. Một số doanh nghiệp chuyên xuất khẩu mật ong ngày càng quan tâm đầu tư bao bì, đa dạng thêm sản phẩm nhằm tăng thị phần tiêu thụ tại thị trường trong nước.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan, Hội nuôi ong Việt Nam và các doanh nghiệp mật ong Việt Nam trao đổi với các cơ quan của Mỹ ở các giai đoạn tiếp theo (đánh giá thiệt hại, rà soát thuế CBPG…)

Nhằm hỗ trợ ngành mật ong Việt Nam được đối xử công bằng trong vụ việc này theo đúng các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, đảm bảo quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong Việt Nam.

Hoàng Hiệp