|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Xuất khẩu kỹ thuật số mở ra cơ hội tăng trưởng mới cho các doanh nghiệp Đông Nam Á

10:42 | 19/10/2022
Chia sẻ
Trong suốt hai năm đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp Đông Nam Á, bao gồm doanh nghiệp các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đã nỗ lực xuất khẩu kỹ thuật số nhiều hơn để tìm kiếm cơ hội ở các thị trường nước ngoài.

Xuất khẩu kỹ thuật số ngày càng có sức ảnh hưởng lớn đối với các doanh nghiệp trong kế hoạch mở rộng của họ sau những ngày tháng khó khăn bởi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, theo chuyên trang Tech Wire Asia.

Ngày nay, nhiều doanh nghiệp đang chuyển trọng tâm sang cách họ có thể cải thiện hoạt động nhập khẩu kỹ thuật số của mình với những cơ hội tăng trưởng hứa hẹn, bất chấp những thách thức của nền kinh tế toàn cầu.

Do xuất khẩu kỹ thuật số đơn giản có nghĩa là khả năng một tổ chức mở rộng và phát triển doanh nghiệp của họ trên phạm vi quốc tế thông qua các kênh trực tuyến, nên việc có cơ sở hạ tầng và hệ sinh thái phù hợp là chìa khóa chính trong việc này.

Trên thực tế, một báo cáo của Stripe đã chỉ ra rằng số lượng các doanh nghiệp phi kỹ thuật số bán hàng quốc tế tăng nhanh hơn nhiều so với các doanh nghiệp đã có nền tảng kỹ thuật số. Điều này được thực hiện thông qua việc có một hệ sinh thái hoàn chỉnh, đặc biệt là về hệ thống thanh toán.

Các phát hiện trong báo cáo của Stripe cho thấy sự xuất hiện của các luồng xuất khẩu kỹ thuật số mới từ 4 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương bao gồm Malaysia, Australia, Nhật Bản và Singapore.

Bằng cách phân tích doanh số bán hàng của các doanh nghiệp trên Stripe ở 4 quốc gia này, báo cáo chỉ ra sự xuất hiện của các tuyến xuất khẩu kỹ thuật số mới được xác định bởi nhu cầu trên toàn cầu và sự phù hợp với thị trường hơn là các tuyến chuỗi cung ứng truyền thống.

Báo cáo cũng chỉ ra các nền tảng kỹ thuật số đang chuyển đổi nền kinh tế kinh doanh xuyên biên giới, đồng thời tạo ra các cơ hội tăng trưởng mới cho tất cả loại hình doanh nghiệp.

Xuất khẩu kỹ thuật số giúp các doanh nghiệp truyền thống bán hàng nhanh hơn. (Ảnh: Shutterstock).

Các doanh nghiệp vừa và nhở ở Malaysia tìm kiếm cơ hội mới

Theo báo cáo, đối với xuất khẩu kỹ thuật số ở Malaysia, các doanh nghiệp Singapore đã nổi lên như những người dẫn đầu trên Stripe vào năm 2021, tiếp theo là Mỹ và Hong Kong. Trong khi đó, Vương quốc Anh là thị trường phát triển nhanh nhất cho các doanh nghiệp Malaysia bán hàng trên Stripe, với mức tăng trưởng 280% trong các doanh nghiệp bán hàng cho quốc gia này từ năm 2020 đến năm 2021.

5 sản phẩm và dịch vụ hàng đầu liên quan tới hình thức bán trực tuyến xuyên biên giới trên Stripe vào năm 2021 ở Malaysia là hàng tiêu dùng bán lẻ, quần áo và phụ kiện, hàng tạp hóa, dịch vụ cá nhân và dịch vụ kinh doanh.

Một trong những doanh nghiệp như vậy là Flower Chimp. Công ty hoa đã có thể nắm bắt các cơ hội xuyên biên giới, tạo điều kiện cho những người bán hoa Đông Nam Á phục vụ khách hàng trên khắp khu vực. Bằng cách sử dụng cơ sở hạ tầng thanh toán của các đơn vị như Stripe, Flower Chimp đã xây dựng trải nghiệm thanh toán kiểu mới cho khách hàng của mình. Kể từ khi thực hiện xuất khẩu kỹ thuật số, tỷ lệ chuyển đổi của Flower Chimp đã tăng từ 2,5% lên 8%, bao gồm cả tỷ lệ chuyển đổi thanh toán trên thiết bị di động tăng 37%.

Sarita Singh, Trưởng nhóm Tăng trưởng Doanh thu cả Stripe tại khu vực Đông Nam Á chia sẻ rằng thương mại quốc tế đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Malaysia. Bà nói thêm rằng đối với nhiều doanh nghiệp địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), công nghệ là yếu tố cân bằng tuyệt vời và đã mở ra những cơ hội vượt ở các thị trường khác.

“Ngay cả khi sự không chắc chắn về kinh tế vĩ mô ngày càng tăng, xu hướng xuất khẩu kỹ thuật số vẫn tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô trong việc tìm kiếm khách hàng ở các khu vực ít bị ảnh hưởng hơn”, bà Singh nhận xét.

Tăng trưởng xuất khẩu kỹ thuật số ở Singapore

Trong khi đó, tại Singapore, số lượng các doanh nghiệp bản địa phi kỹ thuật số bán hàng quốc tế trên Stripe cũng tăng nhanh hơn một chút (39%) so với số lượng các doanh nghiệp bản địa đã có nền tảng kỹ thuật số (32%) từ năm 2020 đến năm 2021.

So sánh tỷ lệ xuất khẩu kỹ thuật số của các doanh nghiệp phi kỹ thuật số và các doanh nghiệp đã nó nền tảng kỹ thuật số giai đoạn 2020 - 2021. (Nguồn: Stripe/Tech Wire Asia).

Đại dịch COVID-19 đóng vai trò thúc đẩy các doanh nghiệp truyền thống tham gia thị trường trực tuyến nhiều hơn. Khi tác động của nguy cơ suy thoái kinh tế đã bắt đầu được cảm nhận, những doanh nghiệp tương tự đang tìm cách đầu tư nhiều hơn vào công nghệ.

Bằng cách tích hợp các kênh trực tuyến và ngoại tuyến, những công ty này hy vọng sẽ thúc đẩy sự hài lòng và lòng trung thành của khách hàng như một hàng rào chống lại sự nhạy cảm về giá cả.

Báo cáo cũng cho thấy Australia nổi lên là thị trường phát triển nhanh nhất đối với các doanh nghiệp Singapore, với mức tăng trưởng 200% về doanh số bán hàng trực tuyến trên Stripe từ năm 2020 đến năm 2021.

Với thị trường nội địa nhỏ của Singapore, các doanh nghiệp Singapore từ lâu đã nhận ra tầm quan trọng của việc xuất khẩu trên toàn cầu. Các doanh nghiệp không có nền tảng về kỹ thuật số đang nỗ lực thay đổi để bán hàng ra thị trường quốc tế với tốc độ nhanh hơn so với các doanh nghiệp đã có nền tảng kỹ thuật số.

Anh Nguyễn