|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đông Nam Á có 400 triệu người dùng internet, trở thành nơi có số lượng người dùng kỹ thuật số lớn thứ ba thế giới

16:29 | 25/05/2022
Chia sẻ
Các chuyên gia dự đoán rằng doanh thu từ nền kinh tế internet của khu vực Đông Nam Á sẽ cán mốc 363 tỷ USD vào năm 2025.

Vừa qua, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei và Quỹ ASEAN đã đồng tổ chức Hội nghị đổi mới số Huawei APAC 2022, bắt đầu vào ngày 19/5, quy tụ hơn 1.500 quan chức chính phủ, chuyên gia, nhà nghiên cứu, đối tác và nhà phân tích từ hơn 10 quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Các chủ đề chính bao gồm những tiến bộ liên tục trong Công nghệ thông tin – Truyền thông (CNTT – TT), tăng tốc độ chuyển đổi kỹ thuật số giữa các ngành công nghiệp, cũng như phát triển bền vững và giảm khí thải carbon, theo Telecom Review Asia.

 Sự kiện Hội nghị đổi mới số Huawei APAC 2022. (Ảnh: Telecom Review Asia).

Tại đây, ông Satvinder Singh, Phó Tổng thư ký Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đã vạch ra tiến trình hướng tới Kế hoạch Tổng thể Kỹ thuật số ASEAN 2025. Ông chia sẻ quan điểm của mình về cách đại dịch đã thúc đẩy tốc độ chuyển đổi kỹ thuật số.

"Tại ASEAN, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, đã có thêm 60 triệu người dùng internet mới xuất hiện. Điều này đã biến ASEAN trở thành khu vực có số lượng người dùng internet lớn thứ ba thế giới với gần 400 triệu người. Doanh thu kỹ thuật số của ASEAN cũng dự kiến ​​đạt 363 tỷ USD vào năm 2025", ông Satvinder Singh cho biết.

Ông chỉ ra rằng chuyển đổi kỹ thuật số đòi hỏi các hành động phối hợp mạnh mẽ hơn từ nhiều bên liên quan, bao gồm cả khu vực tư nhân để nhận ra toàn bộ tiềm năng của chuyển đổi kỹ thuật số trong khu vực ASEAN.

Ajarin Pattanapanchai, Thư ký thường trực Bộ Kinh tế Kỹ thuật số và Xã hội Thái Lan, nhận xét rằng Thái Lan hoàn toàn ủng hộ việc thực hiện Kế hoạch Tổng thể Kỹ thuật số ASEAN 2025, bởi đây là một cách tiếp cận chiến lược đặt ưu tiên hàng đầu vào khả năng phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19, tối đa hóa tiềm năng của công nghệ kỹ thuật số và CNTT để tiếp cận với các dịch vụ công và tư nhân, đồng thời huy động nền kinh tế kỹ thuật số của ASEAN.

Nhìn rộng hơn, khu vực châu Á – Thái Bình Dương là nơi chứng kiến tốc độ chuyển đổi số nhanh bậc nhất thế giới trong những năm gần đây. Khoảng một thập kỷ trước, nhiều quốc gia trong khu vực này hoàn toàn không có cơ sở hạ tầng 3G hoặc 4G, song hiện tại mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. Thậm chí, ước tính của Hiệp hội GSM chỉ ra rằng sẽ có khoảng 1,2 tỷ thiết bị được kết nối mạng 5G trong khu vực tính đến năm 2025.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia H. Sandiaga      khẳng định rằng công nghệ đóng vai trò thiết yếu để đổi mới các ngành cốt lõi như du lịch, công nghiệp.

“Các công nghệ tiên tiến có thể trở thành động lực giúp phục hồi nhiều lĩnh vực, trong đó bao gồm các ngành công nghiệp sáng tạo và du lịch, nơi đòi hỏi nhiều thứ mới trong kỷ nguyên số”, theo ông Salahuddin Uno.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Công nghệ và Đổi mới Adham Baba của Malaysia cho rằng quốc gia này đã khởi động kế hoạch chi tiết về nền kinh tế kỹ thuật số Malaysia (MyDIGITAL), trọng tâm là tiếp tục củng cố và nâng cao sự phát triển bền vững của nền kinh tế kỹ thuật số bằng cách đem đến sự hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tập trung vào phát triển cả thiết bị và phần mềm.

 

Cuối cùng, ông Ken Hu, một trong những chủ tịch luân phiên của Huawei khẳng định châu Á – Thái Bình Dương là một trong những khu vực có sự đa dạng về văn hóa, kinh tế. Với vị thế hiện tại, châu Á – Thái Bình Dương chắc chắn vẫn sẽ giữ vai trò quan trọng trong kỷ nguyên số trên toàn cầu.

Doanh Chính