Xuất khẩu hạt tiêu 7 tháng đầu năm tăng gần 9% kim ngạch
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7/2016 cả nước xuất khẩu 14.404 tấn hạt tiêu các loại, với kim ngạch 121,7 triệu USD (giảm 13,3% về lượng và giảm 12,3% về giá trị so với tháng 6/2016). Tính chung cả 7 tháng đầu năm, lượng hạt tiêu xuất khẩu của cả nước đạt 121.191 tấn, thu về 984,84 triệu USD (tăng 25,6% về lượng và tăng 8,76% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái).
Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại hạt tiêu của Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm xuất khẩu hạt tiêu sang Hoa Kỳ đạt 241,9 triệu USD, chiếm 24,6% trong tổng kim ngạch, tăng 28,5% so với cùng kỳ. Đứng sau thị trường chủ đạo Hoa Kỳ là các thị trường như: Ấn Độ 66,82 triệu USD (chiếm 6,8%, tăng 11%); U.A.E 64,21 triệu USD (chiếm 6,5%, giảm 26%); Đức 50,35 triệu USD (chiếm 5%, tăng 10%); Philippines 45,6 triệu USD, chiếm 4,6%.
Đáng chú ý trong 7 tháng đầu năm nay là xuất khẩu sang thị trường Philipines và Pakistan đạt mức tăng rất mạnh so với cùng kỳ, với mức tăng tương ứng 243% và 185% về kim ngạch. Ngược lại, xuất khâu sang thị trường Singapore lại sụt giảm mạnh trên 90% so với cùng kỳ, chỉ đạt 7,23 triệu USD.
Theo Bộ NN&PTNT, ở nước ta hiện nay, cây hồ tiêu được trồng chủ yếu tại Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, chiếm trên 97% diện tích hồ tiêu toàn quốc. Với giá trị sản xuất cao hơn gấp nhiều lần so với các mặt hàng nông sản khác, những năm gần đây nông dân mở rộng diện tích ồ ạt, phá vỡ quy hoạch. Cùng với sự gia tăng nhanh chóng của diện tích hồ tiêu là các vấn đề về dịch bệnh.
Đồng thời, sự ổn định chất lượng của hồ tiêu Việt Nam cũng bị nghi ngờ, khi từ đầu năm 2015 đến giữa năm 2016, có 17 lô hàng xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam bị thị trường EU phát hiện chứa dư lượng của 9 loại thuốc bảo vệ thực vật vượt mức quy định.
Năm 2015, khối lượng xuất khẩu hồ tiêu cả nước sụt giảm xuống mức 133.000 tấn, ít hơn đáng kể so với mức 140.000 – 150.000 tấn của giai đoạn 2012 - 2014. Nguyên nhân chính của việc tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm hồ tiêu xuất khẩu là việc nông dân trồng tiêu đã lạm dụng, sử dụng quá liều các loại thuốc diệt nấm, diệt côn trùng, tuyến trùng và nấm trong đất,…
Theo Bộ NN&PTNT, một lý do khác khiến chất lượng hồ tiêu Việt Nam bị thị trường phản ứng, là tình trạng thu mua, kinh doanh thiếu bài bản. Quá nhiều doanh nghiệp tham gia thu mua nhỏ lẻ, hồ tiêu có xu hướng bị tích trữ lẫn lộn sản phẩm nhiều vùng miền, gây ra nhiễm chéo thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời gây khó khăn trong quá trình kiểm soát, truy xuất nguồn gốc.
Số liệu thống kê sơ bộ của TCHQ về xuất khẩu hạt tiêu 7 tháng đầu năm 2016
ĐVT: USD
Thị trường |
7T/2016 |
7T/2015 |
+/- (%) 7T/2016 so với cùng kỳ |
Tổng kim ngạch |
984.841.404 |
905.521.124 |
+8,76 |
Hoa Kỳ |
241.911.023 |
188.321.872 |
+28,46 |
Ấn Độ |
66.817.932 |
60.129.101 |
+11,12 |
Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất |
64.208.446 |
86.694.677 |
-25,94 |
Đức |
50.348.730 |
45.596.537 |
+10,42 |
Philippines |
45.613.648 |
13.298.190 |
+243,01 |
Pakistan |
38.805.293 |
13.631.688 |
+184,67 |
Hà Lan |
34.655.604 |
45.396.358 |
-23,66 |
Tây Ban Nha |
32.268.947 |
28.641.582 |
+12,66 |
Ai Cập |
30.758.068 |
29.525.912 |
+4,17 |
Hàn Quốc |
26.822.183 |
28.634.231 |
-6,33 |
Nga |
20.965.767 |
17.449.573 |
+20,15 |
Thái Lan |
20.760.340 |
20.749.189 |
+0,05 |
Anh |
19.162.216 |
20.673.169 |
-7,31 |
Nhật Bản |
16.852.766 |
18.899.200 |
-10,83 |
Pháp |
15.693.791 |
13.951.682 |
+12,49 |
Nam Phi |
12.734.692 |
9.502.737 |
+34,01 |
Australia |
11.971.966 |
9.886.044 |
+21,10 |
Thổ Nhĩ Kỳ |
10.019.418 |
8.840.824 |
+13,33 |
Canada |
9.683.158 |
7.586.885 |
+27,63 |
Malaysia |
8.046.762 |
7.114.006 |
+13,11 |
Ba Lan |
7.839.834 |
10.263.536 |
-23,61 |
Singapore |
7.231.276 |
76.879.759 |
-90,59 |
Ucraina |
6.819.683 |
7.942.487 |
-14,14 |
Italia |
6.346.682 |
6.863.759 |
-7,53 |
Bỉ |
4.526.535 |
4.711.414 |
-3,92 |
Cô Oét |
2.197.951 |
1.998.397 |
+9,99 |
Theo Thủy Chung
Vinanet