|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu gỗ tháng 1 giảm gần một nửa cùng kỳ năm ngoái

07:45 | 21/02/2023
Chia sẻ
Trong tháng đầu tiên năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 806 triệu USD, giảm 38,4% so với tháng 12/2022 và giảm 48,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 1 đạt 806 triệu USD, giảm 38,4% so với tháng 12/2022 và giảm 48,6% so với tháng 1/2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 491,7 triệu USD, giảm 43,8% so với tháng 12/2022 và giảm hơn 58% so với cùng kỳ năm ngoái.

 (Số liệu: Tổng cục hải quan. Tổng hợp: Như Huỳnh)

Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong tháng 1, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm mạnh do có thời gian nghỉ Tết Nguyên đán và đơn hàng giảm. Nhiều thị trường lớn trên thế giới vẫn đối mặt với lạm phát cao khiến nhu cầu tiêu dùng giảm, dẫn tới đơn hàng mới giảm, tác động trực tiếp đến kết quả xuất khẩu của ngành gỗ.

Trong đó, mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu tới các thị trường đều giảm trong tháng 1. Dẫn đầu là xuất khẩu tới thị trường Mỹ đạt 367,3 triệu USD, giảm 60,4% so với tháng 1/2022; tiếp theo là thị trường Trung Quốc đạt gần 133 triệu USD, giảm 1%; Nhật Bản hơn 129 triệu USD, giảm gần 13%... 

 

Cục Xuất nhập khẩu dự kiến lĩnh vực nhà ở tại Mỹ có thể sẽ vẫn yếu trong năm 2023, khiến nhu cầu tiêu thụ đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ giảm, là yếu tố chính khiến hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới Mỹ sẽ chậm lại trong năm 2023.

Đối với thị trường EU, mới đây EU đã đạt được một thỏa thuận về dự luật mới, cấm các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường châu Âu những sản phẩm nông nghiệp liên quan đến nạn phá rừng trên toàn cầu, trong đó có mặt hàng gỗ.

Khi EU áp dụng luật mới, xuất khẩu đồ gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường EU gặp nhiều thách thức hơn, nếu ngành sản xuất, xuất khẩu gỗ không tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định mới từ nhà nhập khẩu.

Với tình hình hiện tại, Cục Xuất nhập khẩu dự báo xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2023 chưa có nhiều khả quan, khi người dân các nước tiếp tục thắt chặt chi tiêu trước áp lực của lạm phát. 

Dù vậy, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp ngành gỗ vẫn phải tìm kiếm thêm các cơ hội tiếp cận trực tiếp với đối tác tiềm năng, nhà mua hàng quốc tế để từ đó giới thiệu về sản phẩm, mở rộng lượng khách hàng và thị trường mới. 

Sắp tới đây, từ ngày 8-11/3 hội chợ quốc tế đồ gỗ và mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam (Vifa Expo 2023) sẽ diễn ra tại TP HCM thu hút hơn 600 doanh nghiệp tham gia với hơn 2.400 gian hàng đăng ký. Ông Đặng Quốc Hùng, Tổng giám đốc Công ty Gỗ Liên Minh cho biết, đơn vị đã nhận được thông tin đăng ký của hơn 3.000 khách tham quan là các nhà mua hàng tiềm năng trong nước và quốc tế. 

Song song với hoạt động triển lãm sẽ có các hội thảo chuyên đề với nhiều nội dung mới theo xu hướng toàn cầu gồm: “Cập nhật xu hướng nhập khẩu đồ nội thất Thế giới”; “Thương mại điện tử xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá”; “Gỗ mềm xẻ Thụy Điển: Giải pháp nguồn cung bền vững”...

Như Huỳnh