|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu gỗ tăng đột biến: mừng ít, lo nhiều

20:48 | 04/04/2019
Chia sẻ
Xuất khẩu gỗ quí 1 tăng mạnh, trong đó có một phần đóng góp quan trọng từ thị trường Mỹ. Dù vậy, theo nhiều chuyên gia, đây chưa hẳn là tin vui đối với ngành chế biến quan trọng này.
Xuất khẩu gỗ tăng đột biến: mừng ít, lo nhiều - Ảnh 1.

Công nhân sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu sang Mỹ. Ảnh: TD

Tăng đột biến

Theo báo cáo thị trường nông sản tháng 3 vừa được Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản công bố hôm thứ 4 (3-4), xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tháng 3 ước đạt 872 triệu đô la Mỹ, đưa giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ quí 1 đạt khoảng 2,3 tỉ đô la, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2018.Tăng đột biến

Số liệu thống kê của cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) này cũng cho thấy, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp 3 tháng đầu năm 2019 đạt 8,8 tỉ đô la, giảm gần 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 4,2 tỉ đô la, giảm hơn 13% so với cùng kỳ.

Trong bối cảnh xuất khẩu nông sản nói chung tụt dốc, gỗ đã trở thành điểm sáng của toàn ngành nông nghiệp. Không chỉ tăng trưởng 2 con số, gỗ còn là ngành có thặng dư thương mại cao nhất trong nhóm hàng nông nghiệp với giá trị thặng dư đạt 1,02 tỉ đô la trong quí  đầu tiên này.

Các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành gỗ, chiếm gần 80% tổng giá trị xuất khẩu. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng mạnh nhất so với các thị trường khác, cao hơn 34% so với cùng kỳ năm 2018.

Lý giải hiện tượng này, Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản cho rằng, thương chiến Mỹ - Trung đã tác động “tích cực” tới ngành gỗ trong nước khi sản phẩm gỗ của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn so với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc bị Mỹ áp thuế.

Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương cho hay, Mỹ là một trong những thị trường nhập khẩu sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong khi Trung Quốc lại cung cấp gỗ nguyên liệu lớn cho các doanh nghiệp trong nước. Hai quốc gia này càng căng thẳng thương mại, càng có lợi hai chiều cho ngành gỗ nội địa.

Thứ nhất, phía Mỹ, thay vì nhập khẩu gỗ từ Trung Quốc, sẽ chuyển dịch sang tìm đối tác Việt Nam. Ở chiều ngược lại Trung Quốc không bán được sản phẩm gỗ cho Mỹ sẽ phải chuyển sang bán nguyên liệu cho Việt Nam.

“Đây là thời điểm cực kỳ thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam nói chung”, ông Hiệp nói. Một số doanh nghiệp gỗ trong nước cho hay, đơn hàng từ Mỹ tăng đáng kể trong những tháng gần đây.

Ông Hiệp, đồng thời cũng là giám đốc một doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ, cho hay, công ty ông đặt mục tiêu tăng 10% doanh thu trong năm 2019, đạt 22 triệu đô la Mỹ.

Chưa hẳn tin vui

Dù căng thẳng thương mại Mỹ - Trung mang lại nhiều cơ hội trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn, dòng vốn đầu tư từ quốc gia láng giềng sang Việt Nam sẽ khiến sản phẩm gỗ “Made in Vietnam" vào “tầm ngắm" của Mỹ.

Thực tế, năm 2018, xuất khẩu gỗ dán, gỗ ghép từ Việt Nam sang Mỹ tăng đột biến. Số liệu của Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores) cho thấy, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này sang Mỹ tăng gấp gần 3 lần năm 2017. Đã có một số bằng chứng cho thấy có sự gian lận thương mại khi các loại gỗ dán của Trung Quốc được nhập khẩu vào Việt Nam, sau đó xuất khẩu vào Mỹ dưới hình thức “Made in Vietnam".

Theo phản ánh của các doanh nghiệp trong ngành, doanh nghiệp Trung Quốc đã dịch chuyển nhà máy sản xuất sang Việt Nam, đặc biệt là tại Bình Dương và Đồng Nai, một vài năm gần đây, nhưng tốc độ dịch chuyển càng mạnh hơn trước cuộc thương chiến này.

Báo cáo “Đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực xuất khẩu gỗ Việt Nam” do Forest Trends xuất bản tháng 2-2019 cho thấy, doanh nghiệp Trung Quốc hiện đứng vị trí thứ 2, chỉ sau Đài Loan, về số lượng doanh nghiệp FDI đầu tư vào ngành gỗ trong nước, với 161 doanh nghiệp đang hoạt động. Trên 50% số doanh nghiệp này chế biến đồ gỗ để xuất khẩu.

“Kể từ 2013, lượng doanh nghiệp đăng kí và còn hoạt động từ Trung Quốc tăng rất nhanh, khoảng gần 30 doanh nghiệp mỗi năm. Con số này tương đương với tổng số doanh nghiệp từ Trung Quốc trong cả giai đoạn 2000-2010”, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách của Forest Trends nói.

Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản mới đây cũng loan báo, Mỹ đang tiến hành điều tra gian lận thuế đối với một số công ty của Trung Quốc khi các công ty này chuyển một số mặt hàng gỗ ván ép được sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, lấy nhãn mác sản xuất từ Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ.

Điều này cho thấy, cơ quan thương mại của Mỹ đã “để ý" việc lẩn tránh thuế của doanh nghiệp Trung Quốc. “Sẽ còn nhiều vụ điều tra gian lận thuế đối với các công ty của Trung Quốc năm 2019, trong bối cảnh căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang", cơ quan quản lý thuộc Bộ NN&PTNT này dự báo.

Ông Tô Xuân Phúc cho rằng, thương chiến Mỹ - Trung chưa chắc đem lại lợi ích lâu dài và bền vững cho ngành gỗ Việt Nam. Ngược lại, nó có thể gây ra rủi ro về gian lận thương mại, lẩn tránh thuế, biến Việt Nam là quốc gia trung chuyển nhằm tránh thuế từ Mỹ.

Hơn nữa, rất có thể ngành gỗ Việt Nam sẽ phải chịu các cuộc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, kéo theo đó là mức thuế suất nhập khẩu cao “ngất ngưởng” và rủi ro hàng hóa bị kiểm soát chặt chẽ khi nhập khẩu vào Mỹ trong thời gian tới.

Vũ Dung

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.