|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu gạo trong 3 tháng đầu năm tăng hơn 9%

20:15 | 28/03/2018
Chia sẻ
Báo cáo từ Bộ Nông nghiệp cho biết, xuất khẩu gạo trong 3 tháng đầu năm tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá lúa tại ĐBSCL ghi nhận tăng khoảng 200 - 400 đồng/kg.
xuat khau gao trong 3 thang dau nam tang hon 9 Giá lúa gạo tại ĐBSCL tăng nhẹ ở một số loại, giá gạo nguyên liệu giảm mạnh
xuat khau gao trong 3 thang dau nam tang hon 9 Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục giảm

Khối lượng xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm tăng 9,4%

Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 3 ước đạt 524.000 tấn với giá trị khoảng 261 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2018 tăng 9,4% lên 1,36 triệu tấn, tương đương 669 triệu USD về giá trị, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2017.

Xuất khẩu tăng nhờ giá gạo xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2018 đạt 491 USD/tấn, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm với 24,4% thị phần. Tuy nhiên, khối lượng xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 2 tháng đầu năm đã giảm 18,7% xuống còn 196.200 tấn. Còn các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là Iraq (gấp 5,7 lần), Malaysia (gấp 2,7 lần), Gana (gấp 2,05 lần), Hồng Kông (73,5%) và Singapore (33,9%).

xuat khau gao trong 3 thang dau nam tang hon 9
Ảnh minh họa.

Giá lúa gạo nhìn chung tăng nhẹ trong 3 tháng đầu năm

Giá lúa gạo tại các tỉnh ĐBSCL tháng 3 diễn biến giảm nhẹ vào cuối tháng trong bối cảnh thu hoạch vụ Đông Xuân vào chính vụ. Nhìn chung, lúa Đông Xuân sớm thu hoạch được mùa và được giá.

Theo hệ thống cung cấp giá tại địa phương, giá lúa tại một số tỉnh ĐBSCL cụ thể như sau:

Địa phương

Giống lúa

Giá lúa (đồng/kg)

Biến động (+/-) (đồng/kg)

An Giang

Lúa IR50404

5.300

Giảm 100

Bình Minh, Vĩnh Long

5.400

Vũng Liêm, Vĩnh Long

5.300

Giảm 150

Kiên Giang

5.900 – 6.100

Lúa OM 4218

6.400 - 6.500

Tăng 100

Lúa OM 6976

6.500 - 6.600

Lúa Jasmine

6.600 – 6.800

Giảm 100

Tuy nhiên, nhìn lại 3 tháng đầu năm, giá lúa tại ĐBSCL diễn biến theo xu thế tăng so với thời điểm đầu năm trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm. Lúa thường IR50404 tại An Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang tăng từ 200 – 300 đ/kg, hiện phổ biến ở mức 5.300 – 5.400 đ/kg đối với lúa Đông Xuân; các loại lúa chất lượng cao cũng tăng từ 300 – 400 đ/kg tùy loại.

Tình hình trồng lúa trên cả nước

Đối với lúa Đông Xuân, tính đến trung tuần tháng 3, cả nước đã gieo cấy được 3.065.500 ha, bằng 101% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc gieo cấy 1.097.400 ha, bằng 98,8%; các địa phương phía Nam gieo cấy 1.968.100 ha, bằng 102,2%.

Tại các địa phương phía Bắc, tiến độ gieo trồng lúa Đông xuân cơ bản đã hoàn thành, chỉ còn một phần nhỏ diện tích thuộc khu vực miền núi cao phía Bắc do ảnh hưởng của rét đậm rét hại đầu vụ, nên đến nay vẫn đang tiếp tục gieo cấy, dự kiến cuối tháng 3 sẽ đạt kế hoạch.

Tại các địa phương phía Nam, diện tích gieo trồng lúa Đông xuân 2018 tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Đến thời điểm báo cáo, phần lớn diện tích lúa đang trong giai đoạn làm đòng, trổ và chín. Trong đó, có 680.000 ha đã cho thu hoạch, chiếm 34,5% diện tích xuống giống và bằng 67,6% so cùng kỳ.

Tiến độ thu hoạch giảm là do mùa lũ cuối năm 2017 nước rút chậm, kết hợp mưa nhiều và triều cường làm cho vụ Đông xuân 2018 xuống giống kéo dài và chậm lịch thời vụ. Ước tích toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo cấy được 1.573.000 ha, tương đương cùng kỳ năm ngoái; năng suất ước đạt 65,2 tạ/ha, tăng 2,7 tạ/ha, tăng 4,3%; sản lượng ước đạt gần 10,3 triệu tấn, tăng 388.800 tấn, tương đương tăng 3,9%.

Còn tại ĐBSCL, cho đến thời điểm báo cáo, các tỉnh trong khu vực đã hoàn tất công tác thu hoạch lúa Mùa 2018. Theo số liệu điều tra, diện tích toàn vùng đạt 197.300 ha, năng suất đạt 46,1 tạ/ha, sản lượng đạt 909.600 tấn. So với vụ Mùa năm 2017, diện tích lúa mùa tăng 9.300 ha, năng suất tăng 7,4 tạ/ha, sản lượng tăng 182.800 tấn.

Diện tích lúa Mùa 2018 tăng chủ yếu ở Kiên Giang 11.200 ha do không bị ảnh hưởng bởi nhiễm mặn như những năm trước và ở Cà Mau tăng 5.800 ha trên diện tích gieo trồng lúa tôm do trồng lúa trên đất nuôi tôm giúp cải thiện môi trường nước, cân bằng hệ sinh thái, hạn chế dịch bệnh và giảm rủi ro cho tôm nuôi.

Năng suất lúa Mùa tăng do thời tiết năm nay có mưa nhiều, nguồn nước trên thượng nguồn đổ về sớm hơn mọi năm, nên việc làm đất rửa mặn gặp nhiều thuận lợi, kết hợp hệ thống cống ngăn mặn cũng được chính quyền các cấp đầu tư nâng cấp, chủ động đóng, dỡ thường xuyên, đảm bảo nguồn nước không bị ảnh hưởng đến sản xuất.

Tố Tố