Xuất khẩu điện thoại, linh kiện sang Ấn Độ tăng gấp đôi
Là mặt hàng duy nhất mang về tỷ USD từ Ấn Độ trong 7 tháng đầu năm, nhóm điện thoại và linh kiện dẫn đầu trong cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này, chiếm 21,5% tổng kim ngạch.
Xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường tỷ dân Nam Á lên cao trong bối cảnh tiêu thụ điện thoại thông minh tại đây tăng trưởng mạnh mẽ. Theo nền tảng dữ liệu Statista (Đức), quy mô thị trường smartphone Ấn Độ dự báo đạt 44,6 tỷ USD năm nay, với 187,6 triệu chiếc được bán ra.
"Thị trường điện thoại thông minh của Ấn Độ đang chứng kiến nhu cầu tăng đột biến với các thiết bị giá rẻ do dân số đông và người tiêu dùng nhạy cảm về giá", theo nghiên cứu của Statista. Năm nay, trung bình mỗi người dân ở Ấn Độ sẽ sở hữu 0,1 thiết bị điện thoại thông minh.
Ngoài điện thoại, các mặt hàng khác chiếm tỷ trọng lớn khi xuất khẩu sang nước này cũng thuộc nhóm máy móc, điện tử. Theo đó, máy vi tính và linh kiện đứng thứ hai với kim ngạch 943 triệu USD, chiếm 17,5% tỷ trọng. Thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác mang về 507 triệu USD, chiếm 9,4%.
Ấn Độ cũng tăng mua nhiều mặt hàng của Việt Nam như hạt điều, chất dẻo, gỗ và sản phẩm gỗ, thức ăn gia súc và nguyên liệu, phương tiện vận tải và phụ tùng. Các mặt hàng này đều tăng trưởng từ trên 50% đến gần 90% so với cùng kỳ 2023.
Tính chung, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ 7 tháng đạt 5,37 tỷ USD, tăng trưởng 15,2%. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Ấn Độ trong giai đoạn này đạt 3,3 tỷ USD, giảm 9,2% so với cùng kỳ 2023.
Theo Bộ Công Thương, cơ cấu hàng hóa giữa Việt Nam và Ấn Độ được xem là có sự cân bằng và bổ sung lẫn nhau. Ấn Độ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguyên liệu và thành phẩm thiết yếu cho Việt Nam, bao gồm sắt thép, hóa chất, dược phẩm, dệt may, thức ăn chăn nuôi và thủy sản.
Ngược lại, Việt Nam tập trung xuất khẩu các sản phẩm như máy tính cá nhân, điện thoại di động và linh kiện, sắt thép, hóa chất, gỗ - sản phẩm từ gỗ, giày dép, gia vị, cà phê, hồ tiêu sang thị trường này.