|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Xuất khẩu dệt may gặp khó

09:09 | 17/08/2016
Chia sẻ
Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong nước phải đối diện với khó khăn về nhiều mặt như: giá cả, năng suất, chất lượng, thị trường…

Hoạt động “cầm chừng”

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt trên 12,6 tỉ USD, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm 2015, nhưng chỉ đạt 41% kế hoạch năm 2016. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may tăng trưởng nhưng ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Vitas quan ngại: “Đây là mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thấp nhất của ngành dệt may trong vòng trong 10 năm trở lại đây. Kim ngạch xuất khẩu sụt giảm đối với tất cả các mặt hàng từ may mặc đến xơ, sợi, dệt. Hiện, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực”.

xuat khau det may gap kho

Xuất khẩu dệt may gặp khó trong 6 tháng đầu năm

Theo ông Vũ Đức Giang, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khá ổn định trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Chính doanh nghiệp FDI là thành phần đóng góp chính cho hoạt động xuất khẩu của ngành. Riêng doanh nghiệp nội địa, đa số gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng mới, đặc biệt là đơn hàng sơmi, quần, áo jacket. Tình trạng thiếu hụt đơn hàng từ tháng 8 trở đi càng nặng nề.

Tính đến thời điểm hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai chỉ hoạt động trong giờ hành chính, cầm chừng để giữ chân lao động. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đóng cửa do mất khả năng cạnh tranh vì không được khách hàng đánh giá cao về năng lực, quy mô để các đơn hàng lớn rơi về tay các doanh nghiệp Đài Loan, Hàn Quốc.

Không chỉ khó khăn về đơn hàng, đây cũng là thời điểm mà các doanh nghiệp phải đối mặt với áp lực cạnh tranh quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực từ giá đến thị trường xuất khẩu, công nghệ quản trị, năng suất lao động, thời gian giao hàng. Bên cạnh khó khăn nêu trên, theo lãnh đạo Vitas, ngành dệt may đang thiếu 3 nguồn lực trọng tâm. Cụ thể, nguồn lực làm công tác thị trường còn yếu khiến phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may vẫn phải nhận đơn hàng từ các công ty trung gian ở nước ngoài. Ngoài ra, tỷ trọng doanh nghiệp Việt Nam đang bán trực tiếp vào các hệ thống siêu thị lớn ở nước ngoài còn ít vì đa số doanh nghiệp Việt Nam là gia công. Cùng với đó, trong khi các FTA của nước ta với Mỹ và EU còn chưa có hiệu lực, hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang phải chịu thuế suất nhập khẩu từ 17% -18% thì tại nhiều nước tại châu Á như Banglades, Campuchia, Lào và Mianma. Với lợi thế này, họ đang đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, thu hút đơn hàng từ các nước này đã được hưởng các ưu đãi thuế quan từ các FTA với các thị trường nhập khẩu. Đồng thời chi phí lao động của các nước này cũng thấp hơn Việt Nam khá nhiều. Theo ghi nhận của Vitas, trong 6 tháng đầu năm đã có sự chuyển dịch khá lớn đơn hàng dệt may từ Việt Nam sang các nước này.

Hy vọng vào thị trường mới

Mặc dù có nhiều khó khăn, tuy nhiên Vitas vẫn có nhận định khá lạc quan rằng, xuất khẩu dệt may cũng đang đón nhiều cơ hội từ các FTA với EU, với liên minh thuế quan Nga - Belarus với Nhật Bản và đặc biệt là TPP. Đây là thông tin tốt cho các dòng đầu tư trong nước và nước ngoài mạnh dạn đầu tư vào ngành dệt may, đồng thời tạo ra sự chuyển dịch đầu tư vào các phần cung thiếu hụt của ngành. Không chỉ mang đến làn sóng đầu tư, với mục tiêu các nước trong TPP phải tạo ra chuỗi cung ứng thì Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ chuỗi cung ứng toàn cầu trong khối TPP...

Một điểm sáng nữa cho ngành dệt may là thời gian gần đây một số doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước cũng đã tạo các sản phẩm mới như các sản phẩm vải cao cấp, một số sản phẩm vải len cho veston... Một số nhà máy cũng hướng vào sản xuất liên quan đến các sản phẩm công nghiệp phụ trợ cho ngành. Mặt hàng xuất khẩu cũng đã có sự điều chỉnh theo hướng đa dạng hóa và thúc đẩy thêm một số thị trường mới tạo ra sự phát triển ổn định hơn. Nhiều doanh nghiệp bắt đầu nhận thức được về thách thức của chuỗi cung ứng và đã có sự liên kết với nhau trong các mục tiêu dài hạn.

Trước diễn biến của thị trường hiện tại, nhận định về tình hình xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm, ông Vũ Đức Giang cho rằng, thách thức vẫn sẽ tiếp tục diễn ra trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt. Do vậy, để duy trì sự tăng trưởng ổn định, bền vững doanh nghiệp dệt may cần năm bắt cơ hội, vượt qua thách thức của hội nhập và không ngừng nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm mang tầm khu vực cũng như quốc tế. Vitas sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành về chính sách, tạo ra sự ổn định về hành lang pháp lý cho ngành cả trong ngắn hạn và dài hạn, tạo điều kiện tốt nhất cho ngành thông qua việc thúc đẩy việc đàm phán, ký kết các FTA đối với các nước mà ngành dệt may đang có thị trường như Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ.

Mai Phương