|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu dệt may dự kiến mang về 44 tỷ USD trong năm 2022 và kịch bản nào cho năm 2023?

08:33 | 17/12/2022
Chia sẻ
Năm 2022, ngành dệt may đứng trước rất nhiều thách thức như dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt, chính sách Zero COVID của Trung Quốc, lạm phát toàn cầu, sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh, xung đột Nga - Ukraine căng thẳng.

 

Hai giai đoạn của thị trường

Ngày 16/12, tại Hội nghị tổng kết ngành dệt may năm 2022, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết năm 2022 tổng cầu thị trường thay đổi lớn khi được chia làm hai giai đoạn.

6 tháng đầu năm, mặc dù có sự lo lắng về tình trạng logistics chậm trễ nhưng xu thế đặt hàng số lượng lớn tăng lên, tốc độ tăng trưởng của nhu cầu dệt may toàn cầu lên đến 40%. Con số chưa từng thấy trong 30 năm.

"Tuy nhiên, chúng ta đã nhìn thấy hiện tượng cầu đột ngột co rút. Nó khác với năm 2020 là cầu đứng lại vì không có vận chuyển, còn 6 tháng cuối năm 2022, cầu co rút đột ngột vì tâm lý bất an trên thế giới, không ai mua gì và cầu đứng lại. Nó ảnh hưởng đến tất cả quốc gia, không riêng Việt Nam", ông Trường chia sẻ.

Dẫn chứng cho điều này, đại diện Vinatex cho biết trong tháng 10/2022, lần đầu tiên trong hai năm qua, dệt may Trung Quốc xuất khẩu giảm 13,6%. Tháng 11, xuất khẩu dệt may của Trung Quốc tiếp tục giảm 5% so với tháng 10. Ấn Độ cũng giảm liên tục từ tháng 7 đến nay, riêng tháng 10 giảm 35% so với cùng kỳ. 

 Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn dệt may Việt Nam chia sẻ tại hội nghị. (Ảnh: Như Huỳnh).

Còn theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cũng như các ngành công nghiệp khác, ngành dệt may đang đứng trước rất nhiều thách thức như dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt, chính sách Zero Covid của Trung Quốc, lạm phát toàn cầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, sức mua của người tiêu dùng vẫn giảm mạnh, xung đột Nga - Ukraine vẫn còn căng thẳng.

Chưa kể những đòi hỏi khắt khe đến từ các nhãn hàng như giảm giá sản xuất, đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, có những đơn hàng chỉ cho thời gian sản xuất và giao hàng trong 5-7 ngày, chất lượng đòi hỏi cao hơn, chuyển đổi sử dụng vải có thành phần sợi tái chế… Cùng với những đòi hỏi doanh nghiệp phải tuân thủ nhiều chính sách khác của nhãn hàng như phát triển bền vững, xanh hóa, tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải.

Tuy nhiên, bất chấp bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành dệt may năm 2022 dự kiến đạt 44 tỷ USD, tăng 8,8% so với năm 2021.  

"Chính tình hình khó khăn lại là áp lực buộc doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải tìm kiếm, đa dạng hóa thị trường. Thành công của nhiều doanh nghiệp trong khó khăn vẫn tăng trưởng như May Việt Tiến, May 10, Nhà Bè, An Phước... là sự tham khảo tốt cho các doanh nghiệp trong ngành", ông Giang cho hay.   

Cơ sở cho kịch bản xuất khẩu dệt may năm 2023?

Chủ tịch Vitas cho biết năm 2023, ngành dệt may đưa ra hai kịch bản tăng trưởng. Theo đó, kịch bản tích cực là xuất khẩu dệt may có thể đạt 47- 48 tỷ USD và kịch bản kém tích cực hơn là đạt khoảng 45 - 46 tỷ USD. 

Theo ông Giang, với dự báo tổng cầu dệt may thế giới sẽ phục hồi mạnh mẽ trong quý III và quý IV năm sau, cùng với việc tận dụng được các FTA và sự đa dạng của thị trường, các doanh nghiệp đã xuất khẩu tới 66 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có thị trường lớn như Mỹ, EU, khu vực CPTPP… Đây sẽ là lực đẩy cho các doanh nghiệp gia tăng sản xuất, xuất khẩu trong thời gian tới.

  Toàn cảnh Hội nghị tổng kết ngành dệt may năm 2022 diễn ra ngày 16/12. (Ảnh: Như Huỳnh).

Cơ sở thứ hai là trước đây, Việt Nam cung cấp sản phẩm cho các nước đạo Hồi với tỷ trọng nhỏ, nhưng đến nay, doanh nghiệp đang cung cấp hàng cho thị trường này rất lớn, họ chuyển dịch một phần đơn hàng từ các nước Bangladesh, Myanmar sang.

Ngoài ra, dệt may việt Nam đã và đang thúc đẩy giảm nhập khẩu, tăng nội địa hóa nguyên phụ liệu trong nước. Chính điều đó là giải pháp để doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên phụ liệu sản xuất.

Và để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới, đại diện Vitas cho biết sẽ đề xuất duy trì chính sách thuế VAT 8%; có giải pháp hỗ trợ người lao động như cho doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội 1 - 2 tháng; đồng thời có chính sách ưu đãi về điện, xăng dầu, đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động... 

Huỳnh Như