Xuất khẩu cao su của Campuchia tăng hơn 20% trong 6 tháng đầu năm
Các nhà sản xuất trong nước đã xuất khẩu 84.419 tấn cao su trong 6 tháng đầu năm nay, tăng 14.376 tấn so với một năm trước đó, theo ông Pol Sopha, Tổng giám đốc Cơ quan quản lý cao su thuộc Bộ Nông nghiệp Campuchia. Tổng diện tích trồng cao su cũng tăng, đạt 436.299 ha.
Ông Sopha cho biết, giá cao su giảm trong 6 tháng đầu năm, với giá xuất khẩu trung bình đối với cao su tự nhiên giảm 18,98% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 1.434 USD/tấn.
Các cây cao su con được trồng tại huyện Kratie, quận Snuol. Ảnh: Heng Chivoan. |
"Tiềm năng tốt"
Trong khi nhận định trồng trọt và xuất khẩu cho những dấu hiệu tốt, ông nhấn mạnh biến động giá chủ yếu là do thị trường quốc tế, đặc biệt là lo ngại xung quanh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
“Thách thức của chúng tôi đối với cao su là giá dao động. Tuy nhiên, xuất khẩu của Campuchia tiếp tục tăng và sẽ đạt 220.000 tấn vào cuối năm nay”,ông Sopha nói.
"Các đồn điền cao su vẫn có tiềm năng tốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", ông cho biết thêm.
Theo ông Men Sopheak, Tổng thư ký Hiệp hội Phát triển Cao su Campuchia, xuất khẩu cao su tiếp tục tăng trưởng khi cây trồng cách đây nhiều năm đang đến độ thu hoạch và góp phần tăng nguồn cung, trong khi nhu cầu quốc tế cũng đang gia tăng.
Ông Sopheak nhận định, mặc dù giá cao su đã vượt qua điểm hòa vốn cho các trang trại gia đình, nhưng vẫn chưa đủ cao để tạo ra lợi nhuận cho các nhà sản xuất do đầu tư quy mô lớn.
"Giá cao su hiện tại là thỏa đáng cho nông dân, nhưng vẫn không có lãi cho các nhà đầu tư đã rót hàng triệu đô la và phải bán sản phẩm để trả chi phí lao động. Chúng tôi cần các nhà đầu tư quốc tế giúp sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh để tồn tại trong ngành công nghiệp cao su", ông nói.