|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu cà phê chế biến có thể đạt khoảng 350 triệu USD

10:14 | 29/11/2016
Chia sẻ
Lượng cà phê chế biến (cà phê rang xay, hòa tan) còn khá khiêm tốn trong tổng lượng cà phê XK của Việt Nam nhưng giá trị lại không nhỏ chút nào.
xuat khau ca phe che bien co the dat khoang 350 trieu usd
XK cà phê năm nay sẽ đạt hơn 3 tỷ USD

Trong những năm tới, XK cà phê chế biến sẽ còn tăng mạnh cả về lượng lẫn giá trị.

Theo Tổng cục Hải quan, đến hết tháng 10, nước ta đã XK được 1,518 triệu tấn cà phê, trị giá 2,758 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, cả lượng và giá trị cà phê XK đều tăng mạnh: lượng tăng 39,8% và giá trị tăng 25,3%.

Trên cơ sở đó, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA), nhận định, năm nay, XK cà phê nước hoàn toàn có thể đạt trên 1,7 triệu tấn, và giá trị có thể đạt trên 3 tỷ USD.

Điều đáng chú ý là đóng góp ngày càng lớn của các sản phẩm cà phê chế biến (cà phê rang xay, hòa tan…) trong tổng giá trị XK cà phê Việt Nam. Ông Tự cho biết, lượng cà phê chế biến XK hãy còn khá khiêm tốn, mới chỉ chiếm khoảng 4% tổng lượng cà phê XK, nhưng về giá trị lại chiếm tới 10%. Cụ thể, trong năm nay, XK cà phê chế biến có thể đạt khoảng 350 triệu USD.

Theo đánh giá của các chuyên gia cà phê, XK cà phê chế biến của Việt Nam sẽ còn tăng mạnh trong những năm tới. Trước hết là do nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã và đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào cà phê chế biến.

Nestlé đã đầu tư gần 300 triệu USD vào lĩnh vực này. Olam cũng đang đầu tư xây dựng nhà máy… Các công ty trong nước như Trung Nguyên, Mê Trang, Vinacafe… đang mở rộng quy mô sản xuất. Tập đoàn Tín Nghĩa và một số DN trong nước khác cũng đang triển khai các dự án chế biến cà phê hòa tan XK.

Việc Việt Nam ký các Hiệp định thương mại tự do với EU, Liên minh kinh tế Á - Âu, Hàn Quốc…, cũng sẽ tạo cơ hội đẩy mạnh XK cà phê chế biến của Việt Nam. Vì trước đây, chỉ cà phê nhân của Việt Nam XK vào những thị trường này mới được hưởng mức thuế 0% (do là cà phê nguyên liệu), còn các sản phẩm cà phê chế biến phải chịu mức thuế cao từ 15 - 20% bởi những thị trường này bảo hộ các sản phẩm cà phê chế biến của họ.

Đây là một mức thuế mà cà phê chế biến Việt Nam rất khó cạnh tranh được với các nước khác. Nhưng với những hiệp định thương mại tự do trên, cà phê chế biến của Việt Nam XK sang EU, Liên minh Kinh tế Á - Âu, Hàn Quốc…, chỉ còn phải chịu thuế 0 - 5%, thành ra việc XK vào các thị trường đã ký FTA sẽ trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn.

Cũng theo ông Lương Văn Tự, Trung Quốc đang là một trong những thị trường quan trọng nhất của cà phê chế biến Việt Nam. Trước đây, người Trung Quốc chủ yếu uống trà, ít tiêu dùng cà phê. Nhưng những năm qua, tiêu thụ cà phê ở Trung Quốc đang tăng nhanh nhờ lớp người tiêu dùng trẻ, tiếp cận nhiều với văn hóa phương Tây. Gu cà phê hòa tan của người Trung Quốc là thích có đường và sữa. Nhờ đó, các DN Việt Nam như Trung Nguyên, Vinacafe... đang XK mạnh sang Trung Quốc các loại cà phê hòa tan 2.1 và 3.1.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intimex, cho rằng, nhờ thị trường Trung Quốc, các DN sản xuất cà phê chế biến của Việt Nam dễ thở hơn trước sức ép cạnh tranh từ các DN có vốn nước ngoài.

Bởi như đã nói ở trên, các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang xây dựng nhiều nhà máy sản xuất cà phê chế biến quy mô lớn ở Việt Nam. Họ là những thương nhân có thương hiệu trên toàn cầu, có thị trường, kinh nghiệm.

Vì thế, chen chân vào những thị trường cà phê chế biến truyền thống của họ không phải là chuyện dễ dàng. Để đưa được hàng vào những thị trường đó, nhiều DN Việt Nam sản xuất cà phê chế biến Việt Nam đã phải chấp nhận bán lại sản phẩm của mình cho chính các DN có vốn nước ngoài, do đó lợi nhuận bị giảm đi.

"Ngành hàng cà phê đang chuyển sang thời kỳ nâng cao giá trị hạt cà phê bằng cách đẩy mạnh chế biến rang xay, hòa tan và các sản phẩm khác. Qua đó góp phần quan trọng nâng giá trị XK cà phê lên 5 - 6 tỷ USD vào năm 2030"

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam.

Sơn Trang

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.