|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu cá ngừ có nhiều tiềm năng trong thời gian tới

09:18 | 20/12/2016
Chia sẻ
Trong khi cá tra, tôm gặp khó về nguyên liệu, rào cản bán phá giá và chất kháng sinh thì xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đang gặp thuận lợi nhờ thị trường chính đã tăng nhập khẩu trở lại.

Cá ngừ là một trong ba mặt hàng xuất khẩu chính của thủy sản Việt Nam với trữ lượng và tiềm năng khai thác lớn. Hiện nay, mặt hàng cá ngừ Việt Nam đang được tiêu thụ trên 100 quốc gia, với kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 3 trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, sau tôm và cá tra.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện đang có 9 loài cá ngừ phân bố ở các vùng biển Việt Nam, bao gồm nhóm cá ngừ đại dương và cá ngừ nhỏ ven bờ với sản lượng ước tính khoảng 600.000 tấn.

Bộ ước tính, sản lượng cá ngừ của 3 tỉnh trọng điểm miền trung trong 11 tháng đầu năm nay đạt 15,9 nghìn tấn. Trong đó, Bình Định đạt hơn 8 nghìn tấn; Khánh Hòa là hơn 3,8 nghìn tấn và Phú Yên khoảng 3,9 nghìn tấn.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong tháng 10 năm nay đã đem về hơn 1,7 triệu USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ trong 10 tháng đầu năm nay tăng 54% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu còn nhiều tiềm năng

VASEP dự báo, xuất khẩu cá ngừ có thể đạt 455 triệu USD tính đến hết năm nay.

Lý giải về sự tăng trưởng mạnh này, VASEP cho biết, xuất khẩu cá ngừ sang một số thị trường chính đã bắt đầu tăng trở lại sau một thời gian giảm nhập.

Trong đó, Mỹ vẫn tiếp tục là nước nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ đóng hộp của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm nay, với giá trị đạt 144,5 triệu USD, tương đương hơn 40% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đến năm nay, nước này tăng nhập khẩu sản phẩm cá ngừ tươi sống và đông lạnh của Việt Nam, đặc biệt là thăn cá ngừ đông lạnh, đồng thời giảm nhập khẩu cá ngừ đóng hộp.

VASEP cho biết, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ trong hai quý đầu năm giảm khoảng 7 - 21% so với cùng kỳ năm trước; nhưng từ tháng 9 năm nay, xuất khẩu sang thị trường này dần đi vào ổn định và có khả năng tăng mạnh hơn trong quý cuối năm.

xuat khau ca ngu co trien vong trong thoi gian toi
Khai thác cá ngừ đại dương (Nguồn: Kinh tế và dự báo)

Bên cạnh đó, xuất khẩu sang 3 thị trường tiềm năng EU, Israel và Trung Quốc khá ổn định.

Thời gian qua, việc áp dụng các lệnh cấm khai thác tại khu vực Thái Bình Dương đã khiến nguồn cung cá ngừ trên thế giới giảm mạnh. Trung Quốc do đó phải tăng nhập khẩu cá ngừ nguyên liệu từ các nước khác để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước. Trong đó, tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ tươi sống và đông lạnh của Việt Nam sang thị trường này trong 10 tháng đầu năm đạt 15,5 triệu USD, tăng 75% so với cùng kỳ năm trước.

VASEP nhận định, Trung Quốc sẽ là thị trường tiềm năng cho các sản phẩm cá ngừ tươi, sống, ướp đá và đông lạnh, nhất là khi Việt Nam đang thuận lợi về vị trí địa lý ở giáp với Trung Quốc và quy định nhập khẩu cá ngừ vào thị trường này không quá cao như Mỹ và EU. Nếu Việt Nam có thể tăng sản lượng, cũng như chất lượng cá ngừ sau khai thác thì khả năng đẩy mạnh xuất khẩu dòng sản phẩm sang thị trường này sẽ thuận lợi hơn nữa. Tuy nhiên, những bất ổn về chính trị là trở ngại lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu cá ngừ vào thị trường này.

VASEP dự báo, Trung Quốc sẽ là thị trường thay thế nhiều tiềm năng cho xuất khẩu cá ngừ Việt Nam, trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường truyền thống gặp khó khăn. Theo đó, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2017 có khả năng sẽ còn tiếp tục tăng.

Bên cạnh Trung Quốc, Israel cũng là một thị trường tiềm năng trong cho cá ngừ Việt Nam nói riêng và nhiều nguồn cung lớn như ASEAN và Trung Quốc. Theo thống kê của ITC, tính đến hết tháng 6 năm nay, tổng kim ngạch nhập khẩu cá ngừ của Israel đạt trên 37 triệu USD. Trong đó, riêng nhập khẩu từ Việt Nam đạt gần 7 triệu USD.

VASEP cho hay, tiềm năng đẩy mạnh xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Israel còn khá lớn. Các doanh nghiệp Việt Nam nên lưu ý tập trung đầu tư công nghệ hấp, sấy khô, đóng hộp các sản phẩm cá ngừ, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng cá ngừ chế biến.

Còn tại thị trường EU, sau một thời gian dài xuất khẩu ảm đạm thì đến những tháng cuối năm xuất khẩu cá ngừ Việt Nam vào thị trường này càng tăng mạnh. Đặc biệt, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này tăng hơn 92% trong tháng 10 năm nay, lên gần 14 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ trong 10 tháng đầu năm lên 87,9 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm nay, các sản phẩm cá ngừ đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này được bán ở mức giá cao. Với thị phần đang dẫn đầu ở một số nước như Bỉ (39%), Italy (12%) thì thời gian tới, xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam nhiều nước EU sẽ tiếp tục tăng.

Xuất khẩu cá ngừ chờ chứng nhận "an toàn cá heo"

Mặc dù có nhiều tiềm năng song các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ đang phải đối mặt với rào cản tại một số nước về những quy định nguồn gốc xuất xứ, quá trình khai thác bền vững cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm.

VASEP cho biết, các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đang được chứng nhận "an toàn cá heo" (đánh bắt an toàn không gây tổn hại đến loài cá heo), một chứng nhận đang được đánh giá cao tại EU. Điều này đã khiến việc tiếp cận thị trường EU của các công ty Việt Nam trở nên thuận lợi hơn so với một số nước khác.

Trước đó VASEP cho hay, khi xuất khẩu cá ngừ sang liên minh EU, Việt Nam sẽ phải ký kết các điều khoản của EII (Earth & Island Institute) và chấp nhận việc EII thẩm tra hàng năm, giám sát lượng hàng cập cảng.

Cụ thể, EII đã đề ra 5 tiêu chuẩn an toàn cá heo về điều kiện bắt buộc trong tất cả các hoạt động (từ đánh bắt cá ngừ đến bảo quản bằng hầm tàu, chế biến, bảo quản trong kho lạnh). Bên cạnh đó, EII cũng đã nêu rõ quy trình áp dụng Nhãn an toàn cá heo và một loạt các chính sách an toàn cá heo; đồng thời, triển khai Chương trình giám sát quốc tế (IMP), thường xuyên kiểm tra cá ngừ tại các nhà máy đóng hộp, bến cảng, tàu đánh cá… nhằm đảm bảo với người tiêu dùng rằng cá ngừ mà họ mua thực sự an toàn với cá heo.

Giữa năm nay, phía Mỹ cũng đưa ra quy định, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này thì sản phẩm cá ngừ Việt Nam phải được dán mác “an toàn cá heo” (dolphin-safe) theo quy định của nước này. Bởi vì giữa cá ngừ và cá heo tại khu vực Đông nhiệt đới Thái Bình Dương (ETP) có sự liên kết với nhau, và việc đánh bắt cá ngừ bằng lưới vây có thể ảnh hưởng đến cá heo, trong khi việc hỗ trợ, bảo vệ nguồn lợi cá heo đã trở thành ưu tiên ở Mỹ.

Hồng Vũ