|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu 10 tháng tăng cao hơn kế hoạch, kỳ vọng cả năm lập kỷ lục

07:38 | 08/11/2017
Chia sẻ
Bộ Công Thương dự báo xuất khẩu cả năm nay của nước ta có thể đạt 210 tỷ USD, tăng mạnh so với năm 2016, vượt xa kế hoạch cả năm 2017.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới 10 tháng đầu năm tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực, hoạt động thương mại và đầu tư toàn cầu phục hồi, tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế Việt Nam, Bộ Công Thương dự báo xuất khẩu cả năm nay của nước ta có thể đạt 210 tỷ USD, tăng mạnh so với năm 2016 và vượt xa kế hoạch đề ra cho cả năm nay là 187- 189 tỷ USD.

Nhiều điểm sáng

Cụ thể, theo số liệu Liên Bộ, xuất khẩu 10 tháng năm 2017 ước đạt 173,7 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 48,2 tỷ USD, tăng 17,2%; khối doanh nghiệp FDI ước đạt 125,5 tỷ USD (tính cả dầu thô xuất khẩu), tăng 22,1% so với cùng kỳ.

xuat khau 10 thang tang cao hon ke hoach ky vong ca nam lap ky luc
Xuất khẩu 10 tháng qua đạt kết quả khả quan (ảnh minh họa: KT)

Xét cụ thể về nhóm hàng xuất khẩu, Bộ Công Thương cho biết, nhiều nhóm hàng tăng trưởng khá. Trong đó, nhóm hàng nông sản, thủy sản có kim ngạch xuất khẩu ước đạt 21,3 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ. Đóng góp vào tăng trưởng của nhóm này, nổi bật có nhóm thủy sản xuất khẩu ước đạt 6,79 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ và là mức tăng trưởng cao của ngành thủy sản.

Cùng với đó, xuất khẩu gạo cũng mang về giá trị 2,23 tỷ USD, tăng 20,3% so cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý là, cơ cấu gạo xuất khẩu tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực. Xuất khẩu giảm mạnh ở phân khúc gạo cấp trung bình và cấp thấp; tăng mạnh ở dòng gạo cao cấp, các loại gạo chất lượng cao, giá trị cao (gạo nếp, japonica, gạo lứt), phù hợp với định hướng phát triển thị trường xuất khẩu.

Đặc biệt, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 140,6 tỷ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 81% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Hầu hết các mặt hàng trong nhóm công nghiệp chế biến đều đạt mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ. Trong đó, những mặt hàng có kim ngạch cao là: máy tính, linh kiện điện tử và điện thoại, linh kiện điện thoại. Hai mặt hàng có đóng góp nhiều nhất vào tăng kim ngạch xuất khẩu (tăng khoảng 14 tỷ USD so với 10 tháng năm 2016).

Bên cạnh đó, xuất khẩu xơ sợi là điểm sáng trong xuất khẩu hàng dệt may với mức tăng trưởng mạnh 22,2% so với cùng kỳ năm trước (kim ngạch đạt 2,92 tỷ USD). Và xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ cũng đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu khi đạt 6,19 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ 2016.

Về thị trường xuất khẩu, theo đánh giá của Bộ Công Thương, các thị trường chính có mức tăng tương đối mạnh, thị trường Châu Á là thị trường truyền thống, ước xuất khẩu 10 tháng đầu năm có mức tăng khá với cùng kỳ năm 2016 (tăng 28,9%), chiếm tỷ trọng 51,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; các thị trường còn lại có mức tăng nhẹ.

Đối với thị trường khu vực Châu Âu có mức tăng 15,1%, Bộ Công Thương khuyến nghị các nhà xuất khẩu cần tiếp tục tận dụng các cam kết, ưu đãi từ các Hiệp định đã ký kết để tiếp tục khai thác thị trường này.

Vượt xa kế hoạch

Như vậy, với mức tăng trưởng lên tới 20,7%, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của nước ta sau 10 tháng năm 2017 đã cao hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 6 - 7% trong năm 2017 và cũng cao hơn mức tăng trưởng 7% của cùng kỳ năm ngoái và mức tăng trưởng 8,3% của 10 tháng năm 2016.

"Đến thời điểm hiện tại, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam diễn ra vẫn rất tốt. Xuất khẩu tháng Mười tăng 26,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng thứ ba liên tiếp đạt mức tăng trưởng trên 20%. Hơn nữa, xuất khẩu các mặt hàng điện thoại và phụ kiện tiếp tục tăng mạnh với tốc độ chóng mặt, tăng 76,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành sản xuất của Việt Nam duy trì bền vững mức đóng góp của ngành cho tăng trưởng GDP kể từ đầu năm và số liệu xuất khẩu tháng Mười cho thấy xu hướng này vẫn còn tiếp tục."- HSBC.

Tính đến thời điểm hiện tại, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta đã hoàn thành 92,4% mục tiêu xuất khẩu 188 tỷ USD trong năm 2017.

Theo Bộ Công Thương, "trong bối cảnh xuất khẩu đang duy trì được tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái, dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2017 có thể sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011 với mức tăng trưởng vào khoảng 18,9%, đạt 210 tỷ USD".

Đặc biệt, "mức tăng trưởng trên hoàn toàn khả thi trong bối cảnh hoạt động thương mại toàn cầu tiếp tục xu hướng cải thiện rõ rệt là yếu tố tác động tích cực đến sản xuất trong nước cũng như xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam."- Bộ Công Thương nhận định.

Phân tích rõ hơn về nhận định này, Bộ Công Thương cho rằng, tăng trưởng năm 2017 là do sự hồi phục của các dòng thương mại trong khu vực châu Á và nhu cầu nhập khẩu ở Bắc Mỹ tăng trở lại sau khi bị đình trệ trong năm 2016. Bên cạnh đó, tăng trưởng GDP ở hầu hết các nền kinh tế lớn, đặc biệt là ở Trung Quốc, Hoa Kỳ và EU đã kéo theo sự gia tăng nhu cầu nhập khẩu và thúc đẩy thương mại trong khu vực. Sự phục hồi kinh tế và gia tăng nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn này đã tạo điều kiện để các ngành sản xuất trong nước tiếp tục mở rộng thị trường chủ lực và tìm kiếm các thị trường mới.

Trong khi đó, năng lực cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam đang ngày được nâng cao. Theo Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam đứng ở vị trí thứ 55 trên thế giới, tăng 5 bậc so với năm 2016 và 20 bậc so với 5 năm trước. Theo WEF, Việt Nam đã có những cải thiện đáng chú ý về lĩnh vực công nghệ và hiệu quả của thị trường lao động.

Đồng thời, việc tham gia các Hiệp định Thương mại tự do với các cam kết cắt giảm thuế quan của các đối tác FTA đối với hàng có xuất xứ Việt Nam cũng làm tăng khả năng cạnh tranh và giúp hàng hóa của Việt Nam mở rộng thị phần tại các thị trường đối tác.

xuat khau 10 thang tang cao hon ke hoach ky vong ca nam lap ky luc Chuyển dịch trong xuất nhập khẩu theo khu vực thị trường

Trong kinh tế thị trường, tiêu thụ quyết định đầu tư, sản xuất. Trong tiêu thụ thì thị trường là yếu tố quan trọng hơn ...

Hà Trần