|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Xuất hiện ngân hàng có lãi suất tiết kiệm trên 10%/năm

10:57 | 30/10/2022
Chia sẻ
Nhiều chuyên gia đưa ra nhận định rằng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay có thể sẽ tiếp tục tăng thêm về cuối năm trong bối cảnh các điều kiện tài chính vẫn gặp nhiều khó khăn.

Ngày 29/6, tờ Tuổi trẻ có bài phản ánh về tình trạng một số ngân hàng đẩy lãi suất tối đa lên trên 10%/năm. Theo đó, một ngân hàng (không nêu tên) ở Hà Nội đã triển khai chương trình "Mùa vàng tri ân khách hàng mới" dành cho khách hàng gửi số tiền từ 500 triệu đồng kỳ hạn từ 6 tháng. Lãi suất thấp nhất của chương trình này là 9,3%/năm, còn nếu gửi từ 2 tỷ đồng, kỳ hạn 24 tháng lãi suất lên đến 10,6%/năm.

Tương tự một ngân hàng khác (không nêu tên) tại TP HCM, dù lãi suất huy động niêm yết trên website chỉ khoảng 7,85%/năm nhưng theo bảng lãi suất lan truyền trên mạng thì trưởng đơn vị kinh doanh có thẩm quyền phê duyệt lãi suất lên đến 9,2%/năm cho kỳ hạn gửi từ 6 tháng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, theo biểu lãi suất tại quầy củaNgân hàng Quốc dân (NCB), áp dụng từ ngày 27/10, loại hình tiết kiệm truyền thống và tiền gửi có kỳ hạn An Khang đang có mức lãi suất cao nhất là 10,5%, áp dụng theo bậc 2 khi tiền gửi tiết kiệm từ 500 tỷ đồng/năm. Dưới 500 tỷ đồng, mức lãi suất này dừng ở 8,1%.

 Biểu lãi suất tại quầy của NCB. (Nguồn: NCB).

Xu hướng tăng lãi suất huy động của các ngân hàng diễn ra trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước tăng loạt lãi suất điều hành thêm 0,5-1 điểm % từ ngày 25/10. CTCP Chứng khoán SSI cho rằng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay có thể sẽ tiếp tục tăng thêm 0,5-1 điểm % nữa về cuối năm trong bối cảnh các điều kiện tài chính vẫn gặp nhiều khó khăn.

Tại các ngân hàng thương mại cổ phần cũng tăng mạnh lãi suất huy động có thể kể đến như SCB, Viet Capital Bank, Sacombank, VPBank, Bac A Bank, VIB, NCB, LienVietPostBank, SeABank, OCB và OceanBank với mức tăng từ 1 điểm % trở lên.

Ngày 27/10, ba ngân hàng TMCP Nhà nước BIDV, VietinBank và Agribank đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động thêm hơn 1 điểm % tại hầu hết kỳ hạn. Mức lãi suất cao nhất tại các ngân hàng này là 7,4%/năm, áp dụng cho hình thức gửi tại quầy ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, tăng thêm 1 điểm % so với trước đó.

Việc tăng lãi suất cũng dẫn đến hiện tượng một số khách hàng rút tiền trước hạn tại các tổ chức tín dụng để chuyển sang các tổ chức khác với mức lãi suất hấp dẫn hơn. Trước sự việc này, mới đây, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã: VPB) đã phát đi cảnh báo.

VPBank khuyến cáo người dân không nên gửi tiền tại các tổ chức không có chức năng nhận tiền gửi theo quy định pháp luật, tránh ảnh hưởng, rủi rủi đối với người gửi tiền. 

"Việc các tổ chức không có chức năng nhận tiền gửi nhưng lại cố tình nhận tiền gửi của người dân, hứa hẹn trả lãi cao là hành vi vi phạm pháp luật, có thể gây ra tổn thất, thiệt hại tiền, tài sản của khách hàng", VPBank cho hay.

Chí Dũng

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.