|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Xu hướng đằng sau mùa lễ hội mua sắm nhiều kỉ lục của Trung Quốc

20:45 | 17/11/2019
Chia sẻ
Lễ hội mua sắm hàng năm của Trung Quốc nhân Ngày Độc thân (11/11) đã chứng kiến một loạt các kỉ lục, và đằng sau các con số này là các xu hướng đang biến đổi tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Xu hướng đằng sau mùa lễ hội mua sắm nhiều kỉ lục của Trung Quốc - Ảnh 1.

Trụ sở Alibaba tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: TTXVN phát

"Gã khổng lồ" thương mại điện tử Alibaba cho biết doanh thu từ các nền tảng mua sắm trực tuyến của tập đoàn này đã chạm mức cao kỉ lục 268,4 tỉ NDT (khoảng 38,28 tỉ USD) vào ngày 11/11, tăng khoảng 25,7% so với ngày này năm ngoái. Doanh số của JD.com đạt 204,4 tỉ NDT từ ngày 1-11/11, và khối lượng đặt hàng ngày 11/11 của Suning đã tăng đến 76% so với năm ngoái.

Dịp lễ mua sắm thường niên này đã chứng kiến một cộng đồng những người mua sắm trực tuyến ngày càng gia tăng, mở rộng cả về độ tuổi và vị trí địa lí. 

Số liệu từ Tmall cho thấy hơn 500 triệu người tiêu dùng đã tham gia mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử lớn của Alibaba trong năm nay, tăng khoảng 100 triệu người so với năm ngoái. Trong số đó, người tiêu dùng sinh sau năm 1995 chiếm khoảng 30%, trong khi số người trên 50 tuổi ghi nhận mức tăng cao nhất, tăng 42% so với năm ngoái.

Còn với JD.com, các giao dịch mua sắm ở các thành phố cấp ba và thấp hơn đã tăng 130% trong khoảng thời gian từ ngày 1-11/11, với số lượng đặt hàng chiếm đến 80% tổng số đơn.

Sự tăng trưởng trong số người mua sắm trực tuyến một phần là nhờ sự phát triển của các nền tảng thương mại điện tử. Các nền tảng này thường đưa ra các chính sách trợ giá hay giảm giá để khuyến khích hình thức mua theo nhóm và mời thêm người dùng mới.

Phát biểu tại diễn đàn mang tên "Observing China" (Quan sát Trung Quốc) được tổ chức mới đây nhằm phân tích các xu hướng kinh tế mới, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của Alibaba Zhang Yong nhận định rằng mua sắm trực tuyến đã trở thành một phần trong phong cách sống của người dân Trung Quốc, dù già hay trẻ, ở thành thị hay nông thôn.

Cùng với sự tăng trưởng trong sức mua của người tiêu dùng Trung Quốc, nhu cầu tiêu dùng đang phát triển đa dạng về ngành hàng và thương hiệu. Hơn 200.000 thương hiệu trên toàn thế giới đã tham gia vào ngày hội mua sắm trên Tmall. 

Trong khi các thương hiệu lớn ở nước ngoài tiếp tục "bội thu" trong dịp lễ mua sắm này, thì nhiều thương hiệu trong nước, đặc biệt là điện thoại thông minh (smartphone) và phụ kiện, cũng đang thu hút được nhiều khách hàng.

Bên canh đó, tiêu dùng dịch vụ cũng đang gia tăng. Dịch vụ chăm sóc sắc đẹp tận nhà, bảo dưỡng sản phẩm cao cấp và các dịch vụ khác là những sản phẩm phổ biến trên các nền tảng thương mại điện tử trong mùa mua sắm năm nay. 

Giáo sư Liu Qiao từ Trường Quản lý Guanghua thuộc Đại học Peking, dự đoán tiêu dùng dịch vụ sẽ chiếm khoảng 60% trở lên trong tổng chi tiêu dùng của Trung Quốc năm 2035.

Manny Maceda, chuyên gia của công ty tư vấn toàn cầu Bain & Company cho rằng trong bối cảnh thị hiếu và thói quen mua sắm của người tiêu dùng Trung Quốc đang thay đổi, các thương hiệu, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, nên đổi mới hoạt động sản xuất và vận hành của mình để nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng. 

Gao Hongbing, người đứng đầu AliResearch - bộ phận nghiên cứu của Alibaba, nhận định số hóa là cách để hiểu rõ hơn về người tiêu dùng, phát triển các sản phẩm và dịch vụ phù hợp, xử lý hàng loạt đơn hàng và đảm bảo giao hàng nhanh, cũng như các dịch vụ sau bán hàng khác.

Theo một báo cáo mới đây của công ty nghiên cứu thị trường IDC và công ty công nghệ thông tin Inspur của Trung Quốc, chi cho chuyển đổi số của các doanh nghiệp Trung Quốc đã tăng mạnh và chiếm đến 51% tổng chi cho công nghệ thông tin của họ trong năm 2019.

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.