|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Xóa thế độc đạo của quốc lộ 22

07:49 | 01/11/2018
Chia sẻ
Tuyến cao tốc nối TP.HCM - Tây Ninh khi được đầu tư, đưa vào hoạt động sẽ xóa thế độc đạo của quốc lộ 22, thúc đẩy phát triển cho cả vùng.
xoa the doc dao cua quoc lo 22

Sơ đồ tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. NGUỒN: TỔNG CỤC ĐƯỜNG BỘ

Gần 10.500 tỉ đầu tư cao tốc TP.HCM - Mộc Bài

Ban Quản lý dự án 2 (Ban QLDA2 - Tổng cục Đường bộ) vừa trình Bộ GTVT thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (Tây Ninh). Theo đó, toàn tuyến dài 53,5 km, bắt đầu từ đường Vành đai 3 (TP.HCM) đi song song với đường sắt Tân Chánh Hiệp - Trảng Bàng, đến khu vực ga đường sắt Gò Dầu rẽ phải, cắt qua QL22B rồi tiếp tục rẽ phải, vượt sông Vàm Cỏ đi về phía quốc lộ (QL) 22, kết nối với cửa khẩu Mộc Bài.

Nguồn vốn của nhà nước có thể sử dụng ngân sách hoặc vay vốn ODA. Hiện cũng đã có một số nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc quan tâm đến dự án nên việc thu hút xã hội hóa là khả thi

Ông Phạm Hồng Sơn, Giám đốc Ban QLDA2

Tuyến cao tốc dự kiến được đầu tư thành hai phân đoạn: TP.HCM - Trảng Bàng (dài 33 km) và Trảng Bàng - Mộc Bài (20,5 km). Trong đó, đoạn TP.HCM - Trảng Bàng có quy mô đường cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh, tốc độ thiết kế 120 km/giờ. Đoạn Trảng Bàng - Mộc Bài được đề xuất đầu tư với mô hình đường cao tốc hạn chế 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80 km/giờ. Theo tính toán sơ bộ, dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 10.456 tỉ đồng. Dự kiến báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ được thẩm định phê duyệt vào năm 2020, thi công và hoàn thành vào năm 2025.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Hồng Sơn, Giám đốc Ban QLDA2, cho biết cửa khẩu Mộc Bài là cửa ngõ quốc tế của các quốc gia ASEAN, cửa khẩu nối thông sang Campuchia ở khu vực phía nam, nhu cầu thông thương giữa hai nước cũng như giữa VN với các nước ASEAN rất lớn. Trong khi đó, cả vùng Tây Ninh chỉ có duy nhất đường bộ, cụ thể là tuyến QL22 nối với TP.HCM - trung tâm kinh tế của cả nước.

Tuyến đường này hiện đã quá tải, tình trạng ùn tắc diễn ra liên tục. Vì thế cấp thiết có thêm tuyến đường cao tốc để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách ngày càng tăng cao, tạo cơ sở thúc đẩy phát triển kinh tế cho cả vùng. Về phương án đầu tư, ông Sơn thông tin Ban QLDA2 đề nghị thực hiện dự án theo hình thức PPP (đối tác công - tư), trong đó phần vốn tham gia của nhà đầu tư PPP là 5.413 tỉ đồng; nhà nước góp vốn 5.043 tỉ đồng.

“Nguồn vốn của nhà nước có thể sử dụng ngân sách hoặc vay vốn ODA. Hiện cũng đã có một số nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc quan tâm đến dự án nên việc thu hút xã hội hóa là khả thi”, ông Sơn cho hay.

Nên dồn tiền cho các công trình dang dở

Theo tính toán từ Ban QLDA2, QL22 đang duy trì tốc độ tăng trưởng về lưu lượng hành khách và hàng hóa lần lượt khoảng 7,7% và 8,6%/năm. Nghiên cứu của tư vấn DEEP - KOICA (Hàn Quốc) và TEDI South cũng chỉ ra rằng đoạn TP.HCM - Mộc Bài trên tuyến này sẽ mãn tải và ùn tắc giao thông trong vài năm tới, gây những ảnh hưởng tiêu cực cho nền kinh tế khu vực và hai địa phương TP.HCM, Tây Ninh.

Tuy nhiên, giám đốc một doanh nghiệp (DN) vận tải lớn tại TP.HCM cho biết mỗi tháng DN ông có khoảng 10 - 20 chuyến hàng chạy từ TP.HCM - Tây Ninh qua QL22, xe container vẫn chạy bình thường, không gặp nhiều khó khăn. So với mặt bằng chung của đường bộ hiện nay, đường này nhỏ nhưng vẫn chưa quá tải. Nhiều dự án, công ty lớn đang được thành lập ở Tây Ninh nên có thể trong một vài năm tới QL22 cũng sẽ ùn ứ, nhưng tuyến đường này vẫn có thể mở rộng thêm được.

Trong khi đó, một số tuyến cao tốc như tuyến Bến Lức - Long Thành, tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận triển khai từ lâu nhưng còn ì ạch, chưa hoàn thành mới thật sự cần thiết, cấp bách đối với các DN vận tải. “Có đường cao tốc sẽ hiệu quả hơn rất nhiều nhưng trong bối cảnh ngân sách eo hẹp như hiện nay, nhà nước nên cân đối, dồn lực gấp rút làm cho xong các tuyến cao tốc kia rồi mới tính tới các dự án khác. Không nên đầu tư dàn trải vừa làm chi phối sức khỏe của nền kinh tế, vừa lợi bất cập hại, hiệu quả chưa thấy mà có khi lại thêm nhiều dự án ì ạch”, vị này đề xuất.

Đồng tình, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM, nhận định QL22 là tuyến đường quốc tế nằm trong dự án đường xuyên Á, nối TP.HCM - Phnom Penh và các nước trong khu vực. Quy mô hiện nay của đường này chưa đạt yêu cầu, cần mở rộng thêm. Việc có thêm tuyến đường cao tốc kết nối TP.HCM - Tây Ninh chắc chắn là tốt nhưng xét trên tổng thể, nên ưu tiên cho những dự án đang dang dở, cần vốn để hoàn thành.

Càng để lâu, không chỉ không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển mà còn dẫn tới tình trạng đội vốn, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế. “Nếu đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài không nằm trong hiệp ước với các quốc gia ASEAN về hợp tác kết nối giao thông, thông thương thì vẫn chưa thật sự cấp thiết, nên ưu tiên các công trình còn dang dở”, ông Tính nói.

Từ cuối năm 2016, Sở GTVT TP.HCM đã đề xuất và thực hiện nghiên cứu khả thi dự án BOT mở rộng mặt cắt ngang tuyến QL22 với quy mô 120 m kết hợp bố trí đường trên cao có chiều rộng 17,50 m cho 4 làn xe và phần đường chính bố trí thêm đường dành riêng cho xe buýt. Tuy nhiên đầu năm 2018, Quốc hội ban hành nghị quyết yêu cầu chỉ áp dụng hợp đồng BOT đối với các dự án xây tuyến đường mới, không đầu tư các dự án cải tạo nâng cấp các tuyến đường hiện hữu để thu phí. Do đó, dự án mở rộng QL22 đang phải tạm ngưng. Sở GTVT TP.HCM đang tiếp tục rà soát quy mô đầu tư, kinh phí để tham mưu UBND TP tìm hình thức đầu tư phù hợp.

Xem thêm

Hà Mai