Xoa dịu nỗi lo người tiêu dùng trước dịch tả heo châu Phi (ASF)
Hộ chăn nuôi lớn cũng "dính" dịch tả heo châu Phi
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến ngày 25/3, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 447 xã, 84 huyện của 21 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La, Nghệ An, Bắc Ninh, Thừa Thiên - Huế, Lai Châu và Bắc Giang), với tổng số heo bệnh và tiêu hủy là gần 65.000 con.
Số lượng heo bị tiêu hủy ở các tỉnh. Đồ họa: Alex
Giai đoạn đầu, dịch tả heo châu Phi chủ yếu xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học không tốt.
Từ ngày 20/3, dịch bệnh có chiều hướng lây lan nhanh, ở phạm vi rất rộng. Trong đó, đã có hộ chăn nuôi lớn với tổng đàn 4.500 (gồm 500 nái và 4.000 heo thịt) tại xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên bị bệnh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định như vậy, dịch bệnh đã xâm nhiễm vào trại có điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học tốt hơn các hộ dân.
Xung quanh vấn đề này, trao đổi với người viết, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho hay bệnh dịch tả heo châu Phi không trừ một trang trại nào, kể cả những trang trại lớn nếu không kiểm soát chặt về an toàn sinh học.
Trong báo cáo ngày 26/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xác định thêm hai nguyên nhân chính dẫn đến sự lây lan mạnh của dịch tả heo châu Phi.
Tổng cộng có 5 nguyên nhân chính dẫn đến sự lây lan mạnh mẽ của bệnh dịch này gồm bán heo bệnh, heo chết; chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ cao; khách du lịch Tết Nguyên đán có thể mang theo heo bệnh; thời tiết mưa ẩm thuận lợi cho dịch bệnh phát triển; và tình trạng sử dụng thức ăn dư thừa còn phổ biến.
Ngăn chặn dịch tả heo thâm nhập vào miền Nam
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết hiện vẫn còn những xe vận chuyển heo và sản phẩm thịt heo từ Bắc vào Nam, do đó phải giám sát chặt chẽ bằng mọi biện pháp để ngăn chặn tình trạng này. Đồng thời, với các biện pháp khác nhằm giảm thiểu rủi ro, nguy cơ dịch bệnh gây ra đối với đàn heo tại khu vực phía nam.
Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển heo, sản phẩm từ heo không rõ nguồn gốc, không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.
Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và Ban chỉ đạo 389 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lí nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép heo, sản phẩm của heo từ nước ngoài vào Việt Nam.
Không để heo sạch "chịu oan"
Mặc dù thông tin dịch tả heo châu Phi không lây sang người nhưng tâm lí nhiều người tiêu dùng vẫn tỏ ra e ngại. Một số trường học thậm chí thông báo dừng sử dụng thịt heo cho bữa ăn học sinh và thay bằng các thực phẩm khác.
Không chỉ lo ngại về dịch tả heo châu Phi, thông tin hàng loạt em học sinh nhiễm sán heo ở tỉnh Bắc Ninh càng gây hoang mang cho người tiêu dùng.
Ảnh minh họa
Bày tỏ quan ngại về vấn đề này ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho hay hiệp hội đã gửi văn bản kiến nghị đến các bộ ngành để kích cầu tiêu thụ heo, vận động người dân không quay lưng với thịt heo.
Ông Công nói hiện nay thịt heo là một trong những thực phẩm có lượng tiêu thụ lớn trong của người dân Việt Nam. Trong khi lượng tiêu thụ thịt gà khoảng 11 kg/người/năm thì lượng tiêu thụ thịt heo lên tới trên 30 kg và chưa có thực phẩm nào có chất lượng dinh dưỡng và có giá thành phù hợp với đại chúng như thịt heo.
Về vấn đề sán heo, với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành chăn nuôi, ông Công cho rằng điều này chỉ xảy ra ở một bộ phận nhỏ người dân nuôi heo nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh, thức ăn chăn nuôi, thả rông nên dẫn tới heo nhiễm sán.
Một khi đưa thông tin đầy đủ cho người tiêu dùng, kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm sẽ là cách kích cầu mạnh mẽ.
Ngoài ra ông Công cho rằng hình thức kích cầu tiếp theo trong bối cảnh hiện nay là tăng cường truyền thông về thịt mát.
"Hiện nay, chúng ta đã có tiêu chuẩn thịt mát và đây là xu thế tiêu dùng tất yếu. Chúng tôi cũng đang đề nghị tương lai gần không chỉ có tiêu chuẩn thịt mát mà ngành còn có cả tiêu chuẩn nơi bán và người bán thịt mát nhằm đảm bảo miếng thịt sạch nhất", ông Công nói.
Giá heo hơi miền Nam có thể tăng trong ngắn hạn
Giá heo hơi miền Nam trong 3 ngày trở lại đây ổn định sau hàng loạt ngày lao dốc. Tính đến ngày 26/3, giá heo hơi khu vực này dao động trong khoảng 38.000 - 46.000 đồng/kg, tùy địa phương.
Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai dự báo giá heo hơi miền Nam khả năng cao sẽ tăng trở lại.
Ông Công giải thích: "Bình quân sức mua ở các chợ đầu mối khoảng 6.000 - 8.000 con/đêm. Tuy nhiên vài ngày trở lại đây, lượng heo đầu vào chỉ khoảng 3.000 con cho thấy tình trạng thiếu heo, cháy hàng. Nghĩa là nhu cầu vẫn còn nhưng nguồn cung bị thiếu"
Ông cho rằng mức giá 45.000 đồng/kg là hợp lí nhất và là con số "mơ ước" của các hộ chăn nuôi. Với mức giá này, người dân lãi trung bình 500.000 con, và đây cũng là con số ổn định, bền vững cho ngành chăn nuôi.