Xi măng Công Thanh vỡ trận
Thị trường xây dựng và bất động sản phục hồi khá tốt trong vài năm qua dường như chỉ mang lại niềm vui ngắn ngủi cho các doanh nghiệp xi măng nội địa. Khá nhiều doanh nghiệp xi măng công bố kết quả kinh doanh kém khả quan như Xi măng Hạ Long, Sông Thao, Đồng Bành, Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh... và gần đây là trường hợp thua lỗ của một tên tuổi khá nổi trong ngành: Xi măng Công Thanh.
Vỡ vụn tập đoàn đa ngành
Trong ngành xi măng Việt Nam hiện nay, không kể các doanh nghiệp nhà nước thuộc Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) và nhóm các doanh nghiệp nước ngoài, Công Thanh là một thương hiệu có tiếng thuộc nhóm các công ty tư nhân, bên cạnh Tập đoàn Thái Group (tiền thân là Xuân Thành Group) và Tập đoàn Xi măng Vissai. Chủ tịch của Tập đoàn Công Thanh là ông Nguyễn Công Lý.
Công Thanh được thành lập vào năm 2006 với vốn điều lệ chỉ 50 tỉ đồng, nhưng nay đã là một tập đoàn đa ngành với tổng vốn điều lệ 900 tỉ đồng, hoạt động trên nhiều lĩnh vực từ sản xuất xi măng, nhiệt điện, phân đạm, vận tải cho đến các lĩnh vực du lịch như khách sạn, resort. Dù vậy, 2016 là năm đáng buồn của Tập đoàn khi ghi nhận khoản lỗ khủng hơn 478 tỉ đồng. Nguyên nhân chính là lãi vay phải trả tăng vọt từ 53 tỉ đồng lên 649 tỉ đồng do đưa vào vận hành dây chuyền sản xuất mới có vốn đầu tư lên tới 12.000 tỉ đồng, dây chuyền thuộc vào hàng lớn nhất Đông Nam Á.
Tham vọng lớn nhưng không đi kèm với năng lực quản trị tốt hơn có thể dẫn đến những hệ quả tai hại. Báo cáo tài chính năm 2016 của Công Thanh cho thấy tình thình tài chính của doanh nghiệp này đang mất cân đối trầm trọng. Tính đến năm 2016, Công Thanh gánh trên vai khoản nợ lên tới hơn 13.700 tỉ đồng, hệ số nợ trên tổng vốn cũng đáng báo động: 97,75%. Hệ quả là đơn vị kiểm toán đã đặt nghi vấn về khả năng duy trì hoạt động của Công Thanh trong thời gian tới.
Vận xui vẫn chưa dừng lại. Mới đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa và Ban quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn đã chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư 7 dự án trên địa bàn, trong đó có 2 dự án của Tập đoàn Công Thanh là dự án đầu tư sản xuất phân đạm và dự án mở rộng cảng chuyên dụng do chiếm dụng đất quá lâu. Hiện tập đoàn này còn có dự án nhiệt điện trị giá hơn 13.000 tỉ đồng tại Thanh Hóa, đã khởi công vào năm 2011 nhưng đến nay vẫn chưa thấy có động thái nào sẽ thúc đẩy được tiến độ.
Thách thức tại Công Thanh phần nào cho thấy những khó khăn mà các doanh nghiệp xi măng nói chung đang gặp phải. Được biết, tổng công suất thiết kế của các nhà máy cuối năm 2016 lên đến 88 triệu tấn, nhưng sản lượng tiêu thụ trong nước chỉ mới đạt gần 60 triệu tấn. Từ đây đến năm 2018, sẽ có thêm 8,3 triệu tấn xi măng từ các dây chuyền sản xuất mới được đưa vào khai khác, càng gây áp lực cạnh tranh khốc liệt hơn trong ngành.
Cùng với đó là xuất khẩu đang trở nên khó lường hơn do đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt từ các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc, Thái Lan, Pakistan... khiến nhiều doanh nghiệp xi măng nhỏ lẻ đang đứng trước nguy cơ thua lỗ hay thu hẹp sản xuất.
Cơ hội tái cấu trúc
Nhưng đó sẽ là cơ hội để thị trường chứng kiến làn sóng M&A từ các tay chơi có tiềm lực tài chính mạnh, năng lực quản trị tốt hơn. Điển hình như Tập đoàn Thái Group đã mua lại Xi măng Minh Tâm, Vissai thâu tóm Xi măng Hạ Long, VICEM mua Xi măng Sông Thao. Về phía khối ngoại, mới đây Tập đoàn SCG (Thái Lan) đã chi ra tổng cộng gần 400 triệu USD để thâu tóm Công ty Vật liệu xây dựng Việt Nam, hay Siam City Cement (Thái Lan) đã bỏ ra gần 580 triệu USD để sở hữu 65% cổ phần trong Holcim Việt Nam từ tay Tập đoàn LafargeHolcim.
Tính hấp dẫn của thị trường xi măng Việt Nam vẫn còn đó. Các doanh nghiệp trong ngành đang trông chờ vào nhiều dự án hạ tầng giao thông, các dự án cải tạo cảnh quan đô thị có quy mô hàng tỉ USD như tuyến metro, tuyến đường cao tốc, chống ngập lụt hay siêu dự án sân bay Long Thành. Nhu cầu còn đến từ sự phục hồi của thị trường bất động sản và xu thế đầu tư vào các khu đô thị, khu du lịch nghỉ dưỡng đang tăng mạnh trong những năm gần đây.
Nhưng rõ ràng, miếng bánh ngon không dành cho tất cả. Các doanh nghiệp yếu thế, sử dụng công nghệ lạc hậu hơn sẽ phải rời cuộc chơi. Bên cạnh quy mô nhỏ, theo hãng nghiên cứu thị trường VIRAC, một trong những điểm yếu của các doanh nghiệp nội địa còn là hạn chế về logistics, khiến giá bán cao hơn các đối thủ ngoại. “Tài sản của ngành xi măng chủ yếu đến từ nợ vay và các doanh nghiệp hiện sử dụng đòn bẩy tài chính khá hiệu quả. Tuy nhiên, trong bối cảnh dư cung và đầu ra là tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu giảm, khả năng thanh toán của nhiều doanh nghiệp sẽ bị hạn chế”, VIRAC nhận định.
Để đối phó với những thách thức nói trên, một số tập đoàn đã chuyển hướng sang các lĩnh vực mới, nhất là tham gia sâu hơn vào mảng bất động sản để gia tăng quy mô và hoàn thiện chuỗi kinh doanh. Ví dụ, Vissai chi ra hằng trăm tỉ đồng để sở hữu khu đất 35 Tràng Tiền từ tay Tập đoàn Đại Dương, Xuân Thành (Thái Group) và mới đây thâu tóm mảnh đất vàng tại 210 Trần Quang Khải để triển khai tổ hợp khách sạn Park Hyatt. Trong khi đó, Tổng Công ty VICEM sẽ tiến hành cổ phần hóa vào cuối năm nay, trong đó Nhà nước sẽ bán bớt một phần vốn, tiến tới giảm dần tỉ lệ nắm giữ xuống còn 51% vào năm 2019.
Riêng Xi măng Công Thanh cho biết đang tiến hành tái cơ cấu các khoản vay với ngân hàng, đi cùng với kỳ vọng dòng tiền thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ khả quan hơn trong năm nay nhờ sức tiêu thụ cải thiện. Kế hoạch doanh thu mà doanh nghiệp này đặt ra cho năm 2017 lên tới 5.156 tỉ đồng, tăng hơn gấp đôi so với năm trước, đi cùng với kế hoạch giảm... lỗ xuống còn 44 tỉ đồng.
Thừa cung xi măng: 'Giải cứu' hay không? Trong khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất giảm thuế xuất khẩu xi măng để giải cứu nguồn cung dư thừa trong nước ... |
Đề xuất giảm thuế để giải cứu ngành ximăng Trong nước cung vượt cầu, xuất khẩu giá cao hơn với các quốc gia trong khu vực vì "thuế xuất khẩu 5%", Bộ Kế hoạch ... |
Ai là chủ nợ lớn nhất của Xi măng Công Thanh? Thông tin mới nhất cho biết Công ty CP Xi măng Công Thanh vừa được lựa chọn là Nhà đầu tư Dự án Cải tạo ... |