Ai là chủ nợ lớn nhất của Xi măng Công Thanh?
|
“Trúng tuyển” làm nhà đầu tư của một dự án có quy mô tương đối lớn, gắn với quốc phòng an ninh, tình hình tài chính, năng lực hoạt động của Xi măng Công Thanh cần được quan tâm đúng mực. Điều này bảo đảm cho việc triển khai dự án được xuôi chèo mát mái, tránh những trục trặc về tiến độ, chất lượng công trình, nếu có.
Tài sản dở dang chiếm 89% tổng tài sản
Phần lớn tài sản của Xi măng Công Thanh là tài sản dở dang dài hạn. Tính đến cuối năm 2015, căn cứ báo cáo tài chính tổng hợp của Xi măng Công Thanh, giá trị tài sản dở dang của Công ty lên tới 12.281 tỷ đồng, tương đương 89,21% tổng tài sản tại cùng thời điểm.
Dự án mà Công ty rót tiền vào đáng kể nhất là Dự án Xi măng Công Thanh Dây chuyền 2 với giá trị tương đương 12.130 tỷ đồng. Dự án này, theo thông tin từ Công ty, vừa được khánh thành vào cuối năm 2016. Đây là dự án xi măng lớn nhất Việt Nam, được khởi công từ tháng 10/2009, có quy mô công suất 12.500 tấn clinker/ngày, tương đương 6 triệu tấn xi măng/năm.
Đưa một dự án xi măng quy mô lớn vào hoạt động, Xi măng Công Thanh có cơ hội nâng cao sản lượng, doanh thu của Công ty trong thời gian tới. Ngoài ra, giá trị tài sản dở dang của Công ty cũng sẽ giảm đi đáng kể. Tuy nhiên Công ty cũng phải đối mặt với rủi ro lãi suất được vốn hóa đối với dự án, và thị trường xi măng cạnh tranh khốc liệt. Kết quả kinh doanh của Công ty những năm đầu tiên vận hành dự án mới vì vậy chưa có nhiều điểm sáng. Theo lịch trình được công bố, từ năm 2017 - 2023, mỗi năm Công ty sẽ phải trả thêm 240 tỷ đồng lãi vay cho dự án này. Từ năm 2024 - 2029, nợ vay phải trả mỗi năm ước đạt 290 tỷ đồng, chỉ tính riêng cho khoản vay trái phiếu dự án nói trên.
Trong 2 năm 2014 - 2015, chi phí lãi vay của Công ty chỉ ở mức xung quanh 50 - 60 tỷ đồng. Có thể thấy gánh nặng lãi vay của Công ty sẽ tăng lên đáng kể khi Dự án đi vào vận hành.
Năm 2016, căn cứ Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên, Công ty đặt kế hoạch lợi nhuận 25 tỷ đồng, tăng 15% so với kết quả thực hiện năm 2015. Trong khi đó, kế hoạch doanh thu được đề xuất tới 3.000 tỷ đồng, gấp 3 lần kết quả 2015. Biên lợi nhuận giảm sút là một dấu hiệu không lạc quan của Xi măng Công Thanh. Nếu hoàn thành kế hoạch đề ra, Công ty vẫn không thể “lấp đầy” khoản lỗ lũy kế 92,3 tỷ đồng tính đến cuối năm 2015.
Nặng nợ với VietinBank
Theo báo cáo tài chính năm 2015, là báo cáo tài chính mới nhất được Công ty công bố, cấu trúc tài sản của Xi măng Công Thanh thiếu cân đối trầm trọng. Cụ thể, nợ phải trả của Công ty lên tới 12.958 tỷ đồng, chiếm 94,13% tổng tài sản cuối năm 2015. Nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn 1.197 tỷ đồng khiến kiểm toán báo cáo tài chính nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Công ty. Xi măng Công Thanh còn nợ lãi vay chưa thanh toán lên tới 3.311 tỷ đồng tính đến cuối năm 2015.
Cấu trúc tài sản của Xi măng Công Thanh thiếu cân đối trầm trọng. Cụ thể, nợ phải trả của Công ty lên tới 12.958 tỷ đồng, chiếm 94,13% tổng tài sản cuối năm 2015. |
Không phải doanh nghiệp nào bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục cũng sẽ… ngừng hoạt động. Tuy nhiên, nghi ngờ của kiểm toán là một dấu hiệu cảnh báo về an toàn trong hoạt động của doanh nghiệp, là lưu ý đáng phải quan tâm dành cho nhà đầu tư, chủ nợ cũng như các đối tác kinh doanh của doanh nghiệp.
Nợ vay ngắn và dài hạn của Xi măng Công Thanh cuối năm 2015 đạt 7.484 tỷ đồng, giảm 52 tỷ đồng so với số dư đầu năm. Đáng lưu ý, khác với các doanh nghiệp nặng gánh nợ vay khác, hầu hết các khoản vay của Xi măng Công Thanh đều đến từ một chủ nợ là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank).
Cụ thể, ngoài khoản vay ngắn hạn 457 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), toàn bộ 7.027 tỷ đồng (gồm nợ vay và trái phiếu) đều do VietinBank tài trợ.
Quan hệ giữa Công ty và nhà băng chưa hẳn đã bình lặng. Trong một hợp đồng bảo hiểm giữa Xi măng Công Thanh và Bảo hiểm Ngân hàng Công thương (VBI), thiệt hại của Công ty trong cơn bão số 10 năm 2013 vẫn chưa được thống nhất giữa hai bên. Trong khi VBI mới chỉ tạm ứng 5 tỷ đồng cho Xi măng Công Thanh, tổn thất mà Công ty ghi nhận lên tới 19,6 tỷ đồng.
Khả năng thanh toán cũng như tình hình hoạt động của Xi măng Công Thanh về mặt nguyên tắc sẽ là rủi ro đối với VietinBank trong việc thu hồi vốn. Thực tế thì VietinBank đã phải gia hạn hơn 3.300 tỷ đồng lãi vay cho Xi măng Công Thanh tính tại thời điểm cuối năm 2015.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/