|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Xem xét giãn nợ gốc, lãi vay cho doanh nghiệp bất động sản khó khăn

15:48 | 22/02/2023
Chia sẻ
Dự thảo nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản có đề cập đến việc giãn nợ gốc, lãi vay cho các doanh nghiệp khó khăn (doanh nghiệp, dự án bất động sản phục vụ tiêu dùng, sản xuất, công nghiệp, du lịch, nghỉ dưỡng,...).

(Ảnh minh họa: H.H).

Sau khi Hội nghị trực tuyến toàn quốc "tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững" được tổ chức, Chính phủ đã ban hành dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ cho lĩnh vực này. 

Theo đó, các giải pháp liên quan đến việc hoàn thiện thể chế, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu cũng được nêu rõ.

Về việc tổ chức thực hiện, liên quan đến nguồn vốn tín dụng, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) rà soát việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản và có giải pháp phù hợp, hiệu quả góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh.

Xem xét, đề xuất phương án tín dụng phù hợp để hỗ trợ cho nền kinh tế trong năm 2023 và các năm tiếp theo; xem xét chỉ đạo, hướng dẫn giãn nợ gốc, lãi vay cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn (doanh nghiệp, dự án bất động sản phục vụ tiêu dùng, sản xuất, công nghiệp, du lịch, nghỉ dưỡng...); chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Đồng thời, NHNN phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu đề xuất và tổ chức triển khai thực hiện gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn.

Bên cạnh đó, dự thảo nêu rõ, NHNN chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn các địa phương, các tổ chức tín dụng cho vay, giải ngân nhanh chóng, đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng đối với các doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật; ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại với giá phù hợp, khả thi của thị trường và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ và phát triển.

Với Bộ Tài chính, Chính phủ giao rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong đó có nhóm doanh nghiệp bất động sản, nhất là các trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm 2022 và năm 2023.

Trường hợp có khó khăn, doanh nghiệp bất động sản đàm phán với nhà đầu tư để xem xét có các biện pháp hài hòa, hợp lý, hiệu quả để cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu, cơ cấu lại lãi suất, thời hạn thanh toán, các điều kiện chi trả, thanh toán, phù hợp với tình hình thực tế, theo tinh thần "lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ" và theo đúng quy định pháp luật; nghiên cứu phương thức doanh nghiệp bất động sản đàm phán, hoán đổi nợ trái phiếu bằng tài sản, bất động sản,...

Các ông lớn từng kiến nghị gì?

Trước đó, chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến sáng 17/2, ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, Mã: NVL) cho biết, để đối phó với tác động của dịch COVID-19, Quốc hội và Chính phủ đã chỉ đạo NHNN ban hành Thông tư 14/2021 quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng. Theo đó, Novaland kiến nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo NHNN tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản. 

Chủ tịch Novaland khẳng định trong giai đoạn này, doanh nghiệp chỉ xin hỗ trợ về cơ chế để tự vượt qua. Cụ thể, Novaland xin Thủ tướng khẩn cấp xem xét các kiến nghị: Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định cho phép các ngân hàng giãn, hoãn và giữ nguyên các nhóm nợ cho các dự án bất động sản 2-3 năm; Chỉ đạo tháo gỡ pháp lý tận gốc cho các dự án trên địa bàn cả nước. 

"Kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo chọn Khu đô thị Aqua City ở Đồng Nai để Tổ công tác của Thủ tướng thí điểm tháo gỡ khó khăn và Novaland mong ước thời gian tháo gỡ trong một tháng. Đây là mấu chốt, là dự án sống còn của Novaland trong thời điểm hiện nay.

Nếu dự án này được tháo gỡ sẽ là đầu mối tháo gỡ toàn bộ các khó khăn của Novaland để doanh nghiệp hoàn thiện dự án, thực hiện nghĩa vụ với khách hàng, với các nhà thầu, các chủ nợ nước ngoài và ngân hàng", Chủ tịch Novaland đề xuất. 

Ông Nhơn cho biết thêm, Novaland đang có 25.000 tỷ đồng bị phong tỏa tại các ngân hàng thương mại, trong đó theo các điều kiện tín dụng, khoảng hơn 10.000 tỷ đồng sẽ đủ điều kiện để giải tỏa khi Novaland hoàn thiện được một số thủ tục pháp lý. Nếu trong vòng 1-2 tháng tới, vấn đề này được giải quyết, doanh nghiệp sẽ có nguồn vốn để tiếp tục hoạt động bình thường.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Novaland đề xuất Chính phủ, NHNN cũng như các ngân hàng thương mại có biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất huy động, qua đó nhanh chóng giảm lãi suất cho vay phục hồi thị trường và hỗ trợ doanh nghiệp.

Về vấn đề trái phiếu, Chủ tịch Novaland cho rằng Chính phủ cần ban hành sớm dự thảo sửa đổi Nghị định 65.Việc sửa đổi Nghị định 65 đã soạn thảo từ đầu tháng 12/2022 nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành. 

Ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT CTCP Vinhomes nêu vấn đề, thị trường bất động sản hiện nay có những vướng mắc nổi cộm về thủ tục pháp lý, dòng vốn tín dụng hạn chế, nguồn cung nhà ở khan hiếm, cung cầu lệch pha, trái phiếu doanh nghiệp không phát hành được,…

Một vấn đề nữa đó là hiện nay, nhu cầu sở hữu nhà của người dân còn rất lớn và tương lai còn tiếp tục tăng cao hơn nữa. Tuy nhiên, nguồn cung lại quá thấp, chưa đáp ứng được thị trường. Trong khi đó, khả năng đáp ứng của doanh nghiệp lại có hạn.

"Nếu khó khăn tiếp tục kéo dài mà không có những giải pháp kịp thời thì nhiều doanh nghiệp bất động sản sẽ phải đóng cửa, phá sản, nguồn cung trên thị trường đã thiếu lại còn thiếu hơn", vị này nhấn mạnh.

Đại diện Vinhomes đề nghị Chính phủ, các bộ ngành, NHNN cùng chung tay, giúp sức nhằm hồi phục thị trường bất động sản, mang lại lợi ích lâu dài cho người dân, nhà nước, doanh nghiệp. "Tôi tin tưởng rằng với sự quan tâm, sát sao của Chính phủ, các bộ, ban, ngành trong thời gian tới, thị trường bất động sản sẽ phục hồi và phát triển", ông nói.

Trong khi đó, đại diện doanh nghiệp xây dựng là ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình kiến nghị Chính phủ có phương án phù hợp để các doanh nghiệp bất động sản được tiếp cận vốn dễ dàng hơn nhằm trang trải các khoản nợ đến hạn. Hỗ trợ doanh nghiệp đàm phán với các trái chủ về thời hạn thanh toán các khoản vay để không phải huy động một lượng tiền khổng lồ xử lý các khoản nợ ngay lập tức khi đến hạn.

Điều này theo ông nhằm tránh cho các công ty bất động sản có triển vọng lớn bị lâm nạn do rủi ro thị trường rơi vào các doanh nghiệp nước ngoài cũng đồng nghĩa với sự thiếu năng lực tự chủ và tiếp tục phụ thuộc vào nước ngoài trong một ngành mà chúng ta đã rất nỗ lực để làm chủ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của toàn nền kinh tế khi giảm đáng kể suất đầu tư trong xây dựng,...

Công Tâm

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.