Xe nhập nằm chờ, xe trong nước đắng cay nhìn doanh số giảm
Vì sao ô tô nhập khẩu đã về nhưng chưa thể đến tay người tiêu dùng? | |
Xe nhập tăng trở lại, thị trường ôtô sẽ ra sao? |
Có tiền vẫn phải chờ!
Nhiều người có tiền, là "fan" của xe nhập cũng đã làm mọi cách để đặt xe, trở thành người đầu tiên sở hữu những chiếc xe nhập không thuế từ các nước ASEAN. Tuy nhiên, có vẻ như những người này còn phải chờ trong 1 - 2 tháng nữa, khi các đợt xe hoàn tất thủ tục pháp lý và kiểm định liên quan.
Hàng nghìn chiếc xe không thuế nhập từ Thái về Việt Nam từ đầu tháng 3/2018 nhưng vẫn chưa được chuyển đến đại lý. |
Không nhanh chân bằng Honda, nhưng nhiều đại gia xe hơi khác là Toyota, Ford cũng cho biết đang thương thảo hợp đồng để chuyển xe hơi từ nước ngoài về Việt Nam. Để hàng đến tay người, chắc chắn các hãng cũng cân nhắc thời điểm để thị trường đạt trạng thái tốt nhất và theo nhận định có thể từ tháng 5 đến tháng 6 trở đi, lượng xe nhập sẽ ổn định trên thị trường.
Xe trong nước "đứng hình" nhìn doanh số tụt giảm
Trong khi xe nhập đóng băng tại thị trường Việt Nam thì các dòng xe du lịch dưới 9 chỗ của các doanh nghiệp, liên doanh trong nước cũng giảm doanh số bán hàng. Theo thống kê của Hiệp hội sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tháng 2/2018 doanh số bán xe con của doanh nghiệp trong nước giảm 53%, riêng sản lượng xe lắp ráp trong nước cũng suy giảm 48%..
Riêng doanh số xe du lịch giảm hơn 53%, xe thương mại cũng ghi nhận giảm 55% so với tháng 1. Doanh số toàn thị trường giảm cũng kéo theo sản lượng xe lắp ráp trong nước cũng giảm theo 48%, chỉ đạt gần 10.700 chiếc, xe nhập khẩu có lượng giảm mạnh hơn 68% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 1.700 chiếc, đa phần đây là xe thương mại, xe chuyên dụng.
Xe lắp ráp trong nước cùng giảm doanh số so với xe nhập. |
Trong tháng, ghi nhận nhiều doanh nghiệp xe hơi có doanh số bán xe giảm mạnh hoặc không bán được xe. Toyota Việt Nam chỉ bán được hơn 2.800 chiếc xe, giảm hơn 2.300 chiếc so với tháng trước và hơn 700 chiếc so với tháng 2/2017, trong đó các dòng xe không có doanh số bán hàng như bán tải Hilux, Yaris.
Dòng xe ăn khách của hãng này là Fortuner chỉ bán được 3 chiếc, do đây là dòng xe mà Toyota tuyên bố dừng nhập từ Indonesia nên doanh số tháng 2 giảm gần như toàn bộ so với các tháng trước đó. Nếu so với cùng kỳ tháng 2/2017, doanh số bán xe Fortuner giảm 300 lần, chỉ bằng số lẻ xe được bán ra trước đó.
Một đại diện khác là Honda, tháng 2 không có chiếc xe Civic nào được bán ra; trong khi đó, xe CRV đời mới chỉ bán được 13 chiếc, lượng xe bán nhiều nhất là mẫu lắp ráp trong nước City với hơn 400 chiếc.
Đại diện doanh nghiệp lắp ráp xe trong nước là Trường Hải, tháng 2 cũng ghi nhận sự sụt giảm doanh số bán xe các dòng Kia, Mazda ra thị trường do tháng trùng với Tết Nguyên đán Mậu Tuất, lượng người mua xe giảm.
Cụ thể, 7 dòng xe du lịch của Kia ghi nhận doanh số bán đạt gần 1.500 chiếc, giảm hơn 1 nửa so với cùng kỳ tháng trước và giảm hơn 200 chiếc so với tháng 2/2017; 6 dòng xe của Mazda bán được hơn 2.000 chiếc, giảm gần 3.000 chiếc so với tháng trước nhưng lại tăng hơn 200 chiếc so với tháng 2 năm 2017.
Xe bán tải, niềm mơ ước của người dân suy giảm tại Việt Nam |
Doanh số xe bán tải ngày càng giảm
Báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, lượng xe pickup tiêu thụ tháng 2/2018 và 2 tháng đầu năm 2018 đã giảm 59% (hơn 1.400 chiếc) so với tháng trước và cũng giảm gần 300 chiếc (tương ứng 23%) so với cùng kỳ tháng 2/2017.
Mặc dù Việt Nam đã bỏ thuế nhập khẩu đối với xe nguyên chiếc từ ASEAN, trong đó có xe bán tải (pickup), song doanh số bán ra của dòng xe này ngày càng tụt dốc. Ford Ranger, Hilux, BT-50 hay Triton... không còn là những chiếc xe có lượng xe nhập về nhiều, bán ra lớn như hồi đầu năm 2017.
Sau khi Nghị định 116 được ban hành tháng 10/2017 (dù không có điều khoản nào điều chỉnh thuế đối với xe bán tải) song các doanh nghiệp nhập khẩu xe hơi nguyên chiếc nói chung và xe bán tải nói riêng cũng rất dè chừng, sợ rủi ro chính sách. Vì vậy, lượng nhập khẩu loại xe này ít dần từ đó và giảm khá mạnh vào các tháng đầu năm 2018.
Thực tế, hiện nay, nếu bỏ thuế nhập khẩu đối với các xe du lịch từ Thái Lan, Indonesia, thì xe bán tải về Việt Nam cũng không khác trước nhiều bởi năm 2017. Mức thuế nhập khẩu dòng xe này chỉ 5%, thuế TTĐB của dòng xe này (nếu không được điều chỉnh) sẽ vẫn được áp theo mức từ 15 - 25% tùy theo dung tích từ 2.0L đến 3.2L, phí trước bạ 2%.
Chính vì vậy, việc bỏ thuế nhập khẩu xe pickup tại Việt Nam chỉ loại bỏ được 5% thuế nhập xe. Trong khi đó, điều mà các doanh nghiệp lo ngại nhất chính đề xuất điều chỉnh thuế TTĐB, phí trước bạ được thông qua, sẽ khiến xe bán tải tăng giá hàng trăm triệu đồng. Đây sẽ là cú sốc đối với doanh nghiệp nếu mạo hiểm nhập xe pickup ồ ạt về Việt Nam.
Đại lý xe khăn gói về quê lập nghiệp
Trong khi các đại lý xe hơi tại các thành phố lớn gặp khó khăn thì xu hướng rời "đô" về quê đã diễn ra từ năm 2016 và sang năm 2017 diễn ra nhiều hơn bởi các đại lý xe hơi nhỏ lẻ rất sợ hãi về cuộc chiến giá xe, giữa doanh số bán ra ngày càng suy giảm đối với xe cũ.
Chịu rời bỏ đô thị, nhiều đại lý xe cho biết đang làm ăn có lãi ở quê. |
Tại Hà Nội, khảo sát của phóng viên Dân Trí thấy được rất nhiều đại lý tại Hà Nội thay vì mở rộng showroom, thuê thêm người làm đã quyết định thu hẹp hoạt động để về các tỉnh lẻ, địa bàn đang có một bộ phận người giàu lên khá nhanh và thị trường xe kinh doanh, xe gia đình ngày càng phát triển.
Chính phủ chỉ đạo gỡ khó doanh nghiệp ô tô
Sau buổi đối thoại với các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp tại Văn phòng Chính phủ về Nghị định 116, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan tiếp thu, lắng nghe và kiểm tra ngay những khó khăn, vướng mắc theo phản ánh của doanh nghiệp để tháo gỡ cho họ.
Sau đối thoại chính sách, Chính phủ chỉ đạo gỡ khó cho doanh nghiệp ô tô. |
Ở phía Bộ Giao thông - Vận tải vừa cho biết, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu đã lấy được Giấy chứng nhận kiểu loại, nộp đầy đủ cho Bộ GTVT, thời gian sắp tới xe nhập có thể đổ bộ nhiều hơn, mạnh hơn vào Việt Nam.
Cũng với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý: Chính sách cần đáp ứng các yêu cầu về công bằng, minh bạch, và cạnh tranh theo những cam kết và thông lệ quốc tế, đảm bảo phát triển ngành công nghiệp ô tô đúng Chiến lược đã đề ra.