Xe buýt nhanh Hà Nội chạy miễn phí một tháng
Tuyến BRT vận hành thử nghiệm hôm 17/12 (Ảnh: Thu Huyền) |
Chiều 19/12, Sở Giao thông Vận tải, Ngân hàng Thế giới (WB) đã thống nhất về phương thức hoạt động dự án xe buýt nhanh (BRT). Theo đó, dự án sẽ hoàn thiện và đi vào hoạt động vào ngày 1/1/2017. Theo kế hoạch, trong tháng đầu tiên, nhà xe sẽ phục vụ miễn phí.
Thời gian phục vụ tuyến từ 5h đến 22h, tần suất phục vụ ngày thường 5-10-15 phút/lượt với tổng 358 lượt xe, ngày Chủ nhật 264 lượt. Giá vé sau thời gian miễn phí là 7.000 đồng/lượt, sử dụng loại vé như xe buýt thông thường.
Tuyến BRT vận hành thế nào? (Đồ họa: Tiến Thành - Bá Đô) |
Từ nay đến khi tuyến BRT chính thức hoạt động, Sở Giao thông Vận tải phối hợp cùng Công an thành phố tiếp tục đánh giá tình trạng thực tế giao thông để từng bước hoàn thiện phương án tổ chức giao thông và vận hành cho phù hợp tình hình thực tế, hạn chế ảnh hưởng đi lại của người dân trong khu vực.
Trước đó, Sở Giao thông Hà Nội đã vận hành thử một số xe buýt để căn chỉnh nhịp độ và những thiết bị kết nối. Từ nay đến 31/12, việc chạy thử nghiệm và điểu chỉnh các hạng mục sẽ hoàn thiện.
Để tuyến buýt nhanh đi vào hoạt động, Hà Nội lên phương án phân luồng, cấm xe máy trên cầu vượt Láng Hạ, Lê Văn Lương vào giờ cao điểm, cấm taxi và xe tải từ 500kg và xe khách các tuyến từ Vành đai 3 vào nội thành khung giờ cao điểm.
Tuyến buýt nhanh thí điểm đầu tiên của Hà Nội là Kim Mã - Yên Nghĩa khởi công đầu năm 2013, dự kiến khai thác vào quý II/2015 nhưng đã chậm tiến độ hơn một năm. Tuyến buýt chạy theo lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Lê Văn Lương kéo dài - Láng Hạ - Giảng Võ - bến xe Kim Mã. Theo tính toán của đơn vị quản lý, xe buýt nhanh di chuyển cả chặng Kim Mã - Yên Nghĩa dài 14 km, mất khoảng 45 phút. Tổng đầu tư của dự án gồm xây dựng hạ tầng, nhà chờ, phương tiện... là 55 triệu USD (trên 1.100 tỷ đồng) bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới, trong đó Việt Nam góp vốn đối ứng bằng chi phí giải phóng mặt bằng. |