|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Xây thêm 2 nhà ga, đường băng giảm quá tải cho sân bay Tân Sơn Nhất

14:30 | 30/12/2016
Chia sẻ
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng phải tăng chỗ đỗ, tăng đường dẫn, đường lăn và tăng thêm 2 nhà ga hành khách cho sân bay Tân Sơn Nhất...
xay them 2 nha ga duong bang giam qua tai cho san bay tan son nhat
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng (Ảnh: VGP)

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ và các địa phương ngày 29/12, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết theo quy hoạch các cảng hàng không đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 có 28 cảng hàng không, với lưu lượng đến 2020 khoảng 70 triệu khách.

Tuy nhiên hiện nay đã quá tải với khoảng 87 triệu khách năm 2016, dự kiến tăng 10-15% trong năm 2017. Đặc biệt là sân bay Tân Sơn Nhất, theo quy hoạch thiết kế là 25 triệu khách/năm nhưng đến nay đã đạt 32 triệu khách, Phó Thủ tướng cho hay.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải cần phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng và UBND TP.HCM sớm hoàn hành đề án quy hoạch tổng thể mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất để báo cáo với Thủ tướng, sau đó có lộ trình thực hiện các dự án cụ thể nhằm nâng công suất của sân bay này lên khoảng 40-50 triệu khách/năm.

"Muốn vậy phải tăng chỗ đỗ, tăng đường dẫn, đường lăn và tăng thêm 2 ga hành khách, tăng cường quản lý không lưu cho tốt. Những việc này đa số dùng vốn ngoài nhà nước chứ không dùng vốn ngân sách”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải sớm hoàn thành dự án khả thi sân bay Long Thành cùng các dự án thành phần để báo cáo Quốc hội vào năm 2019.

Bên cạnh đó cần khẩn trương hoàn thành đề án cao tốc Bắc Nam, báo cáo Quốc hội vào tháng 5/2017 tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khoá XIV, chủ động các dự án để khi Quốc hội thông qua sẽ thực hiện luôn, nếu không đến năm 2020 sẽ không đạt được mục tiêu kết nối các tuyến trên tuyến cao tốc Bắc Nam.

Về lĩnh vực đường sắt, Phó Thủ tướng đề nghị rà soát kỹ các dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt hiện có để nâng tốc độ chạy tàu lên như Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ướng và chiến lược phát triển của đường sắt Việt Nam.

“Việc này phải làm từ nay đến năm 2030, cùng với đường sắt tốc độ cao, chúng ta vẫn cần tuyến đường sắt hiện có để vận chuyển hàng hoá và hành khách. Vốn đầu tư cho việc này cần khoảng 1,7 tỷ USD khiến việc cân đối rất khó khăn nên kiến nghị Thủ tướng cho rà soát lại, đề nghị giai đoạn tới có thể giảm bớt vốn đầu tư của các công trình trọng điểm khác, vì nếu đầu tư lặt vặt rất tốn kém mà lại không hiệu quả”, Phó Thủ tướng nói.

N. Mạnh