|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Xây sân bay mới: Quy hoạch sai sẽ lãng phí vô cùng

21:28 | 04/03/2021
Chia sẻ
Các chuyên gia cho rằng, các địa phương phải cân nhắc, thận trọng, tránh theo phong trào khi đề xuất xây sân bay, và cơ quan lập quy hoạch là Bộ GTVT cần xem xét, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả kinh tế. Bởi quy hoạch sai sẽ lãng phí vô cùng.

Mới đây báo Điện tử Chính phủ đã tường thuật Hội thảo "Góp ý quy hoạch tổng thể cảng hàng không (CHK), sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn 2050" do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức.

Theo đó, tại Hội thảo, ông Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam cho rằng, so với các nước trong khu vực và trên thế giới thì số sân bay dân dụng của Việt Nam chưa nhiều. Việc các tỉnh mong muốn có sân bay để phát triển kinh tế, xã hội, du lịch địa phương là chính đáng.

Xây sân bay mới: Quy hoạch sai sẽ lãng phí vô cùng - Ảnh 1.

Phối cảnh sân bay quốc tế Long Thành. (Ảnh: ACV).

Tuy nhiên, ông Châu lưu ý, việc xây mới cần tính toán dựa trên nhiều tiêu chí và phù hợp với tổng thể mạng lưới CHK toàn quốc chứ không chỉ dựa trên ý kiến các địa phương...

"Do đó, đề nghị phải xem xét các yếu tố tương tự khi lập quy hoạch sân bay hiện nay bởi nếu làm quy hoạch sai thì gây lãng phí vô cùng ", ông Trần Quang Châu phát biểu.

Tại Hội các chuyên gia đầu ngành có cùng nhận định, phần lớn sân bay nội địa hiện nay chưa đạt công suất thiết kế, một số sân bay thường vắng khách trong giai đoạn đầu như Vân Đồn, Cần Thơ... Và các hãng hàng không, nhất là hãng tư nhân, "không dại" gì mở đường bay tới các sân bay ít khách.

"Nếu mỗi sân bay chỉ phục vụ 2-3 chuyến bay mỗi ngày thì không đủ chi phí để duy trì cơ sở hạ tầng, chưa nói đến có hiệu quả tài chính. Đây là lý do các địa phương phải cân nhắc khi mong muốn xây sân bay, và cơ quan lập quy hoạch là Bộ GTVT cần thận trọng trong xem xét bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của quy hoạch, tránh tình trạng chịu "sức ép" hay nể nang mà bổ sung quy hoạch. Nhất là trong bối cảnh rất nhiều sân bay nhỏ đang trong tình trạng thua lỗ nhiều năm nay", PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không, ĐH Bách khoa TPHCM chia sẻ.

PGS.TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, quy hoạch CHK, sân bay phải được coi là đầu vào của các quy hoạch khác và ngược lại.

Vì thế, việc kết nối hạ tầng các loại hình giao thông cũng là vấn đề cần xem xét trong tổng thể để đưa ra quy hoạch và đầu tư sân bay. Bởi theo ông Chung, quy hoạch cần có tính khả thi cao mà một trong những điều kiện then chốt là vốn, đất đai và hiệu quả kinh tế.

Ông Phạm Bích San, Viện Nghiên cứu và Tư vấn về phát triển, cho rằng, sẽ tốt hơn nếu trong 10 năm tới chỉ tập trung xây dựng một số sân bay trọng điểm để có thể cân đối thu-chi, đồng thời nâng cao khả năng vận tải của hệ thống giao thông kết nối giữa các CHK, nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, qua kết quả nghiên cứu của Tư vấn lập quy hoạch, Việt Nam có 22 CHK nhưng chưa có CHK đầu mối lớn, đảm nhận trung chuyển mang tầm khu vực và thế giới.

Trong khi đó, một số CHK đang "quá tải" khai thác vượt công suất thiết kế, nhiều hạng mục chưa được đầu tư nâng cấp. Do đó, việc lập Quy hoạch các CHK, sân bay rất cần thiết để cân đối mà vẫn tạo động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Liên quan đến các ý kiến phản biện vào dự thảo báo cáo quy hoạch, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết Bộ sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, tư vấn tổng hợp ý kiến đề xuất của các địa phương, nghiên cứu, rà soát để báo cáo Bộ xem xét, trình Hội đồng thẩm định Quy hoạch quyết định.

Dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không (CHK), sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 trình Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất lựa chọn phương án đến năm 2030, cả nước sẽ có 26 CHK, bao gồm 14 CHK quốc tế và 12 CHK nội địa. Định hướng đến năm 2050, số lượng CHK cả nước dừng ở con số 30 CHK, gồm 15 CHK quốc tế, 15 CHK nội địa. Trong đó, CHK thứ 2 cho vùng Thủ đô sẽ được nghiên cứu vị trí khi có nhu cầu, dự kiến sau năm 2030.

Như vậy, so với hệ thống 22 CHK hiện nay, tới năm 2050, hệ thống CHK toàn quốc sẽ được bổ sung 8 CHK gồm: CHK quốc tế Long Thành, CHK quốc tế thứ 2 vùng thủ đô, các CHK Nà Sản (Sơn La), Lai Châu, Cao Bằng, Sa Pa (Lào Cai), Phan Thiết (Bình Thuận), Quảng Trị.

Khải An