|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Xây rạp chiếu phim: Cuộc đua của các 'ông lớn'?

07:16 | 03/01/2018
Chia sẻ
Những năm gần đây, các tập đoàn kinh tế lớn cả trong và ngoài nước đẩy mạnh xây dựng các rạp chiếu phim hoành tráng, hiện đại để chiếm lấy thị phần. Trong cuộc chơi này, phần thắng nghiêng về các 'ông lớn'.

Theo thống kê của Công ty TNHH Bình Hạnh Đan, đơn vị sở hữu cụm rạp BHD doanh thu sản xuất phim ở Việt Nam chỉ 1% là thuộc về truyền hình, 99% thuộc về các rạp. Như vậy, “miếng bánh lớn” chảy hết vào các rạp. Khi đất nước ngày một phát triển, sau ăn uống, nhu cầu giải trí của người dân ngày càng cao và các rạp phim là những điểm đến cho giới trẻ trong ngày cuối tuần, ngày lễ, tết.

Vốn nhiều, nhanh chân là thắng

Đến nay, các cụm rạp của CGV, Lotte (Hàn Quốc) đã chiếm tới 2/3 thị trường rạp chiếu tại Việt Nam, riêng CGV có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành lớn: TP Hồ Chí Minh có đến 18 rạp, Hà Nội có 12 rạp, còn lại là những rạp tại Cần Thơ, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Đắk Lắk, Yên Bái...Số lượng các rạp tăng chóng mặt thời gian tới. Ngay sau khi mua lại Megastar, CJ - CGV nắm tới hơn 60% doanh thu phòng vé ở Việt Nam (khoảng 20 - 23 triệu USD/năm). Đơn vị này sẽ đi cùng với tập đoàn bán lẻ Nhật Bản khi Aeon phát triển những Trung tâm thương mại (TTTM) mới.

xay rap chieu phim cuoc dua cua cac ong lon
Cụm rạp chiếu phim của CGV (Hàn Quốc).

Theo kế hoạch của Aeon, đến năm 2020, Aeon sẽ đầu tư tổng cộng 10 TTTM ở Việt Nam. Không chịu thua kém, Lotte Cinema cũng đặt cái đích có tới 80 rạp với tổng cộng 600 phòng chiếu theo hình thức vết dầu loang: “TTTM của Tập đoàn Lotte mở đến đâu, rạp chiếu phim sẽ xuất hiện ở đó”. Hơn 70% trong số đó nằm trong TTTM Lotte Mart, phần còn lại, Lotte Cinema thuê diện tích sàn của các đơn vị bán lẻ khác như BigC, Maximart... Theo như kế hoạch mở rộng hệ thống TTTM Lotte Mart mà đại diện nhà bán lẻ này chia sẻ, đến năm 2020, Lotte sẽ mở rộng 60 trung tâm tại thị trường Việt Nam; đồng thời phấn đấu đạt con số 100 trung tâm theo lộ trình mà Tập đoàn Lotte đã đề ra.

Theo một thông tin, Galaxy Cinema nhiều khả năng nhận được khoản đầu tư lớn từ công ty mẹ ở Malaysia, nếu là sự thật, cuộc đua ngày càng gay gắt hơn. Cụm rạp nhiều, số lượng phòng chiếu lớn, trang thiết bị tối tân, hiện đại, không gian tích hợp ăn uống, xem phim hợp với giới trẻ, những địa chỉ “dán nhãn” CGV, Lotte, Platinum Cineplex, Galaxy... đang thu hút phần lớn đối tượng khán giả chính của thị trường chiếu phim (từ 15 đến 35 tuổi). Điều này chứng tỏ, trong cuộc chiến tìm kiếm mặt bằng thích hợp để mở cụm rạp mới, các nhà đầu tư đều chọn đối tác chiến lược phù hợp, chủ yếu là đi kèm những TTTM, do tiết giảm được chi phí đầu tư và tận dụng lợi thế thu hút khách của TTTM, khu vui chơi giải trí tập trung.

Tuy giữ thị phần khiêm tốn nhưng BHD cũng thể hiện động thái mở rộng đầu tư ngay từ đầu năm 2015. Điển hình, cụm rạp BHD Star Phạm Hùng (lầu 4, TTTM Satra Phạm Hùng, Bình Chánh, TP HCM) đã đi vào hoạt động từ ngày 17/1/2015. Cụm rạp có 6 phòng chiếu kỹ thuật số, bao gồm phòng chiếu 2D và 3D với 1.050 ghế. Đây là dự án BHD đã lên kế hoạch từ cuối 2013 nhưng mãi đến nay với hiện thực hóa. Theo đại diện BHD, đây là cụm rạp BHD hướng đến khán giả có thu nhập trung bình. Trong năm 2014, BHD Star Cineplex tuy chỉ có 3 cụm rạp nhưng đã đón tiếp gần 2 triệu lượt khán giả đến rạp.

Thị trường còn có sự tham gia của Platinum Cineplex. Được thành lập bởi Tập đoàn Multivision từ Indonesia - nhà sản xuất, phân phối phim Hollywood, Bollywood có tiếng tại thị trường Đông Nam Á và châu Á, đã và đang hoạt động tại Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Singapore, Philippines, Thái Lan, Hồng Kông, Ấn Độ. Từ khi thành lập (tháng 1/2011) cho đến nay, Platinum đã có 5 cụm rạp tại Việt Nam, bao gồm Platinum The Garden - Mễ Trì, Platinum Long Biên - Vincom Center Long Biên, Platinum Nha Trang - Nha Trang Center, Platinum Royal City - Vincom Mega Mall Royal City… Đơn vị phấn đấu có khoảng 10 rạp chiếu.

Các nhà đầu tư lĩnh vực phim ảnh (đầu tư phim, phát hành phim và phát triển hệ thống rạp) đang “Bắc tiến” mạnh mẽ, song song đó là chiến lược lan tỏa về các thành phố khác tại Việt Nam. Trong đó, một tên tuổi lớn trong ngành cũng đang tiếp xúc với đối tác ngoại để tăng tiềm lực tài chính nhằm mở rộng hệ thống rạp, tăng khả năng cạnh tranh trong những năm sắp tới.

Thị trường phim nóng hàng đầu thế giới

Phấn đấu đạt 210 triệu lượt người xem phim một năm với tổng số 1.050 phòng chiếu trên cả nước là cái đích mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng đến vào năm 2030. Ở điểm đến gần hơn, năm 2020, sẽ có 95 triệu lượt người được thưởng thức các tác phẩm điện ảnh tại 550 phòng chiếu đạt chuẩn. Đó cũng chính là một trong những nội dung quan trọng của “Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 11/11/2013. Đây quả là cơ hội vàng cho các công ty kinh doanh phim ảnh.

Theo Hollywood Reporter, nếu như doanh thu chiếu bóng của Việt Nam năm 2008 chỉ đạt 7 triệu USD (khoảng 150 tỉ đồng) thì tới năm 2012, con số này đã “đội” lên gấp 7 lần (43 triệu USD, tương đương khoảng 900 tỉ đồng). Doanh thu phòng vé năm 2013 cũng đã vượt qua con số 50 triệu USD (trên 1.000 tỉ đồng) và không ngừng tăng trưởng nhờ doanh thu của hàng loạt phim “bom tấn”. Dự báo tới năm 2020, doanh thu phòng vé của Việt Nam sẽ ước đạt 100 triệu USD. Điều này sẽ tiếp tục khiến do cuộc chiến phòng vé cũng như cuộc chạy đua xây rạp thêm nóng.

Hiện nay, với chừng 200 phim ra rạp mỗi năm cả nội lẫn ngoại, cùng trên 200 phòng chiếu phim đạt tiêu chuẩn hiện đại, thị trường chiếu bóng trong nước đang trong giai đoạn bùng nổ. Không phải ngẫu nhiên Hollywood Reporter xếp Việt Nam ở vị trí 13 trong các nước có thị trường phát hành phim nóng nhất thế giới. Sự xuất hiện ngày càng nhiều những bộ phim “bom tấn” được phát hành, đồng thời với thị trường Bắc Mỹ, đôi khi sớm hơn, cũng là một trong những lý do kéo khán giả đến rạp ngày càng nhiều.

Đạo diễn Charlie Nguyễn của phim “Tèo em” cũng bất ngờ về doanh thu của bộ phim. Anh nhận định một trong những lý do khiến các bộ phim đạt được doanh thu cao là vì hệ thống rạp chiếu hiện đại không ngừng mở rộng. Nếu như năm 2007, bộ phim “Dòng máu anh hùng” do anh đạo diễn khi đó được phát hành chỉ trong vài rạp chiếu thì đến “Tèo em”, tình hình đã khác hẳn.

Đa nguồn thu để bù đắp chi phí lớn

Rạp phim càng hiện đại, có nhiều phim hay chiếu liên tục thì càng đông khán giả, các hãng phim thường hiểu rõ điều này, bằng không rơi cảnh đìu hiu, đóng cửa. Thực tế, để xây một cụm rạp hiện đại không hề đơn giản. Nếu tự xây phải tìm được những mặt bằng có vị trí đẹp, thuận lợi bên cạnh các yếu tố: triển vọng về dân số khu vực, mức độ quan tâm, sức cạnh tranh so với các đối thủ trong cùng khu vực.

Mức chi phí phụ thuộc vào quy mô (cách thiết kế, số lượng phòng chiếu, chi phí về máy móc, thiết bị...) và vị trí của từng rạp, nhưng về cơ bản, để có được một rạp chiếu phim, nhà đầu tư sẽ phải bỏ ra từ 3 triệu USD đến 8 triệu USD (khoảng 60 - 80 tỷ đồng), nhưng để thu về tiền đầu tư ban đầu, nhà đầu tư cũng sẽ mất khoảng thời gian nhiều năm. Chỉ tính riêng về khấu hao máy móc, thiết bị, ít nhất nhà đầu tư sẽ mất từ 5 - 10 năm.

Rạp chiếu phim ngày nay không đơn thuần là nơi khán giả tới xem phim rồi ra về, đó còn là nơi người ta ngồi lại để trò chuyện, chụp ảnh. Một số hãng nước ngoài còn mang vào công nghệ phòng chiếu hiện đại, như ScreenX là công nghệ chiếu phim có màn hình 270 độ với hình ảnh được mở rộng từ màn hình chính sang dọc hai bên tường khán phòng, hay phòng chiếu có giường nằm sang trọng.

Đầu tư lớn, chậm thu hồi vốn và có lời, vì vậy, các cụm rạp thường không chỉ tăng doanh thu từ bán vé mà cả từ các dịch vụ ăn theo như đồ ăn vặt, nước uống… Có 3 nguồn thu làm nên tổng doanh thu của một rạp chiếu phim, nguồn thu từ việc bán vé xem phim, bán đồ ăn uống và nguồn quảng cáo trong rạp. Tùy từng rạp chiếu phim mà thị phần các nguồn thu có sự chênh lệch, nhưng nguồn thu chủ yếu vẫn là từ việc bán vé. Nguồn thu từ vé thường chiếm 65 - 70% tổng doanh thu của một cụm rạp.

Một nhà đầu tư rạp chiếu phim cũng cho biết: “Rạp phim nào thành công là rạp bán được bắp và nước tốt, bởi vì nếu chỉ trông chờ vào tiền bán vé thì rạp chiếu phim không thể có lãi, phải có nguồn thu bổ sung từ việc bán đồ ăn, đồ uống trong rạp”. Ở tất cả các rạp chiếu phim đều có riêng một quầy bán đồ ăn, đồ uống, trong đó, bắp rang bơ và nước ngọt là 2 thứ được ưa chuộng nhất.

Với mức giá khá cao, từ 80.000 - 100.000 đồng cho 1 cốc nước ngọt và 1 gói bắp rang bơ. Giá đồ ăn, đồ uống trong rạp chiếu phim luôn đắt hơn so với bên ngoài, thậm chí gấp đôi, gấp ba. Có lẽ vì đây là một thói quen khi đi xem phim rạp đã được hình thành từ rất lâu, cũng có lẽ vì các rạp chiếu phim luôn cấm người xem mang thực phẩm bên ngoài vào phòng chiếu. Điều này biến việc kinh doanh thực phẩm trong rạp chiếu phim trở thành một nguồn thu siêu lợi nhuận, bởi tính độc quyền của nó. Nó có thể giúp cho nhà đầu tư tăng thêm khoảng 40 - 50% lợi nhuận.

Với sự phát triển “bùng nổ” như hiện nay của ngành giải trí nói chung và ngành kinh doanh phim nói riêng, việc kinh doanh rạp chiếu phim là siêu lợi nhuận, nhưng “miếng bánh” này có lẽ chỉ dành cho các “ông lớn” mới đủ sức theo đuổi “cuộc chơi” đến cùng.

Hoàng Minh