|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Xây hầm đường sắt qua đèo Khe Nét

15:39 | 22/03/2024
Chia sẻ
Tuyến đường sắt dài hơn 10 km qua đèo Khe Nét ở huyện Tuyên Hóa được cải tạo, xây mới hầm với tổng kinh phí hơn 2.000 tỷ đồng bằng nguồn vốn ODA.

Ngày 22/3, Tập đoàn Đèo Cả phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức khởi công dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét, thuộc đường sắt Hà Nội - TP HCM ở xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa. Đây là dự án đường sắt đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA từ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc và vốn đối ứng của Việt Nam.

Mô hình hầm đường sắt Khe Nét sau khi hoàn thành. (Ảnh: Võ Thạnh).

Dự án gồm hai gói thầu. Gói một xây hai hầm đường sắt dài 935 m, thực hiện trong 23 tháng do liên danh Công ty Ilsung - Tập đoàn Đèo Cả thực hiện. Trong đó, hầm thứ nhất dài 620 m, hầm thứ hai dài 393 m, khổ hầm 10 m, thiết kế theo tiêu chuẩn hầm đường sắt cấp một. Gói thầu hai thi công các công trình cầu, đường sắt, thông tin tín hiệu và công trình còn lại do liên danh Ilsung - Tổng Công ty công trình đường sắt (RCC) thực hiện, thi công 22 tháng.

Đèo Khe Nét dài hơn 10 km, nối xã Hương Hóa với Kim Hóa, có 43 đường cong nguy hiểm, tốc độ tối đa của tàu qua đèo dưới 30 km. Ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc Tổng công ty đường sắt Việt Nam, nói dự án hoàn thành sẽ tháo gỡ "nút thắt cổ chai" trên tuyến đường sắt Bắc Nam, cải thiện kết cấu hạ tầng đường sắt, nâng cao tốc độ, rút ngắn hành trình chạy tàu.

Hệ thống đường sắt quốc gia đi qua 34 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài 3.143 km, trong đó tuyến đường sắt Thống Nhất là trục xương sống dài 1.726 km. Tuy nhiên, chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt chưa đồng bộ, năng lực hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Thị phần vận tải do đó ngày càng bị giảm sút, chưa tương xứng với lợi thế của phương thức này.

Trên tuyến đường sắt Thống Nhất vẫn còn một số điểm nghẽn như khu gian Hòa Duyêt - Thanh Luyện, khu vực đèo Khe Nét, đèo Hải Vân...

Mô hình đường tuyến đường sắt qua đèo Khe Nét. (Ảnh: Võ Thạnh).

Giai đoạn 2016-2020, Quốc hội và Chính phủ đã bố trí nguồn vốn khoảng 7.000 tỷ đồng để đầu tư các dự án đường sắt quan trọng, cấp bách. Tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM được mở mới 8 ga, đặt thêm đường, kéo dài đường ga.

 
 

Võ Thạnh