Xây dựng luồng xanh, vùng xanh khu vực biên giới để giải tỏa ùn ứ ở cửa khẩu
Bộ Công Thương cho biết đến ngày 25/12, lượng xe ùn ứ cửa khẩu tại tỉnh Lạng Sơn là 4.204 xe, Quảng Ninh khoảng 1.555 xe, trong đó 80% là hàng nông sản. Điều này gây thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp và người dân, theo Báo Chính phủ.
Nguyên nhân là quy trình kiểm dịch, thủ tục giao nhận hàng hóa của Trung Quốc phức tạp hơn, lái xe Việt Nam không được vào nội địa Trung Quốc.
Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp không theo tín hiệu, nhu cầu thị trường, xuất khẩu chủ yếu theo hình thức trao đổi cư dân (tiểu ngạch), không xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.
Dù Bộ Công Thương và địa phương liên tục cảnh báo về tình hình ùn tắc tại các khu vực cửa khẩu nhưng các thương nhân vẫn tiếp tục đưa 60-70 xe hàng lên cửa khẩu dẫn đến tình trạng ùn tắc ngày càng nghiêm trọng hơn.
Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết hiện năng lực thông quan của cửa khẩu Hữu Nghị và Chi Ma chỉ đạt 88 xe/ngày, trong khi cửa khẩu Tân Thanh chưa mở trở lại, tạo áp lực cho địa phương về khu vực đỗ xe, sinh hoạt cho hàng vạn người.
"Trong 1 tháng qua, hội đàm 50 cuộc các cấp từ huyện, ngành, bản thân tôi đã viết thư trao đổi với lãnh đạo tỉnh Quảng Tây để đề nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh trong thông quan hàng hóa", ông Thiệu nói.
Tuy nhiên, Trung Quốc theo đuổi chính sách "Zero COVID" nên chỉ thông quan giờ hành chính, siết chặt các biện pháp phòng chống dịch như khử khuẩn xe và hàng, trung chuyển lái xe ở cửa khẩu... mất nhiều thời gian và gây ùn ứ.
Trước thực trạng này, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các Bộ và địa phương ở biên giới đàm phán với phía Trung Quốc ưu tiên cho các hàng nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước và tạo điều kiện lưu thông cho các xe hàng, container đang ùn ứ.
"Ví dụ, cũng cửa khẩu đó trong một ngày thông quan 8 tiếng thì bây giờ có thể thông quan 12 tiếng được không", Phó Thủ tướng nói.
Song về lâu dài, Phó Thủ tướng cho rằng các Bộ và địa phương cần hình thành các "vùng xanh", "luồng xanh" an toàn dịch bệnh tại khu vực biên giới, đẩy nhanh tốc độ lưu thông hàng hoá.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng cần mở rộng thị trường, giảm bớt phụ thuộc vào thị trường truyền thống, tiến tới chấm dứt hoạt động thương mại đường mòn, lối mở. Đồng thời, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa ở thị trường 100 triệu dân.
Ngoài ra, các địa phương cần đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng logistics để bảo quản, quản lý hàng hóa.