|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Xây dựng lộ trình cụ thể giảm dần thâm hụt ngân sách

14:47 | 21/09/2017
Chia sẻ
Để đảm bảo bền vững tài khóa ở Việt Nam, hướng đến một chiến lược tổng thể, cần xây dựng một lộ trình cụ thể hơn để giảm dần thâm hụt ngân sách, qua đó hạn chế sự gia tăng của nợ công.
xay dung lo trinh cu the giam dan tham hut ngan sach
Xây dựng lộ trình cụ thể để giảm dần thâm hụt ngân sách. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Đây là những kiến nghị được các chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2017 với chủ đề “Cải cách tài chính công hướng đến phát triển bền vững” do Bộ Tài chính tổ chức với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) ngày 21/9, tại Hà Nội.

Theo ông Trương Bá Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính, để đảm bảo bền vững tài khóa ở Việt Nam, hướng đến một chiến lược tổng thể, cần xây dựng một lộ trình cụ thể hơn để giảm dần thâm hụt ngân sách, qua đó hạn chế sự gia tăng của nợ công.

Cụ thể, ông Tuấn cho rằng, cần có sự đồng thuận và thực hiện quyết liệt trên cả hai mặt: tăng cường hiệu quả chi ngân sách nhà nước và củng cố tiềm lực ngân sách nhà nước qua cải cách thuế.

Bên cạnh đó đảm bảo việc tuân thủ nguyên tắc vàng trong cân đối ngân sách (trên cơ sở sử dụng các chuẩn mực về thống kê ngân sách được thừa nhận chung… ) Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ cần cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả chi tiêu công; tiếp tục kiểm soát và cắt giảm chi thường xuyên, đảm bảo tăng nguồn lực cho chi đầu tư phát triển để thúc đẩy tăng trưởng trong trung và dài hạn, nhất là đầu tư cho cơ sở hạ tầng.

Cùng với đó, tiếp tục cải cách đồng bộ hệ thống thuế, đảm bảo hình thành một hệ thống vừa hỗ trợ cho tăng trưởng, vừa tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước; quản lý chặt nợ công và nghĩa vụ trả nợ; trong đó tập trung kiểm soát việc vay nợ của chính quyền địa phương, được dự báo sẽ có xu hướng tăng trong thời gian tới…

Chung quan điểm trên, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Thành Long cũng cho rằng, trong nhóm giải pháp về đổi mới chính sách thu, chi ngân sách nhà nước, rõ ràng, cần phải cải cách thu ngân sách, củng cố nguồn thu bền vững. Song để giảm dần bội chi ngân sách thì phải có các bước cải cách đầu tư công, trong đó xác định rõ các mục tiêu chiến lược trong chi dài hạn, chú trọng phân bổ nguồn lực cho cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ, nông nghiệp nông thôn…

Cùng với đó là rà soát, hoàn thiện hơn nữa hiệu quả bố trí cơ cấu chi, phân bổ và sử dụng vốn; tăng cường giám sát, thanh tra và phối kết hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc phân bổ và sử dụng vốn ngân sách, các công trình, dự án sử dụng vốn vay được Chính phủ bảo lãnh…

Với mục tiêu hướng tới một nền tài chính công lành mạnh, an toàn và bền vững, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 07/NQ-TW ngày 18/11/2016 nhằm đưa ra các chủ trương và giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Hiện, Bộ Tài chính đang nghiên cứu xây dựng trình các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan về thuế, phí, lệ phí, chi ngân sách nhà nước và quản lý nợ công như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế tài nguyên và Luật Quản lý nợ công.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng sẽ hướng dẫn thực hiện tốt các quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định có liên quan về kế hoạch tài chính trung hạn; khoán chi hành chính; cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài sản công; nghiên cứu xây dựng cơ chế quản lý ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ - lãnh đạo Bộ Tài chính thông tin.

Theo ông Michael Greene, Giám đốc Quốc gia, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, một trong những mục tiêu quan trọng của USAID là giúp Việt Nam xây dựng chính sách, quy định và pháp luật về tài chính, có sự tham gia tốt hơn của người dân. Với sự hợp tác này và tới đây nữa, thì Viện Chiến lược Tài chính có thể củng cố năng lực của mình để đánh giá tác động của các Hiệp định Thương mại tự do với nền kinh tế Việt Nam.

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, ngân sách nhà nước sẽ phải đối mặt với một số thách thức, như tăng trưởng kinh tế còn khó khăn ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu, trong khi áp lực tăng chi ngân sách vẫn có xu hướng tăng, nhất là đối với yêu cầu chi cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chi cho đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo.

Đây là một trong những nguyên nhân làm bội chi ngân sách và nợ công tăng cao, ảnh hưởng rất lớn đến an ninh tài chính công./.

xay dung lo trinh cu the giam dan tham hut ngan sach Bội chi ngân sách nhà nước đến giữa tháng 8 vượt 40 nghìn tỷ đồng

Tính đến 15/8/2017, tổng chi ngân sách nhà nước ước khoảng 747,3 nghìn tỷ đồng, bằng 53,7% dự toán năm, nâng bội chi ngân sách ...

xay dung lo trinh cu the giam dan tham hut ngan sach Đề xuất 'sốc' tăng thuế VAT: Người nghèo chịu hậu quả nặng nề hơn

Nhiều chuyên gia cho rằng, tăng thuế VAT trong hoàn cảnh nào cũng sẽ có nhiều tác động tiêu cực tới cả doanh nghiệp và ...

xay dung lo trinh cu the giam dan tham hut ngan sach Thâm hụt ngân sách Mỹ lên gần 250 tỷ USD trong hai năm tới vì thất thu thuế

Reuters đăng tải báo cáo mới nhất cho biết, thâm hụt ngân sách của Mỹ sẽ lên tới 248 tỷ USD trong hai năm tới, ...

Đức Dũng