|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh cho thị trường tín chỉ carbon

23:00 | 21/10/2024
Chia sẻ
Tại Việt Nam khái niệm thị trường tín chỉ carbon vẫn còn mới mẻ, cần có khung pháp lý hoàn chỉnh để doanh nghiệp có cơ sở tham gia tích cực hơn.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo Tài chính bền vững trong khuôn khổ Diễn đàn và Triển lãm kinh tế xanh GEFE 2024 do Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) phối hợp Bộ Công Thương tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, chiều 21/10.

Theo các chuyên gia, Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia bị tổn thương nhiều nhất từ biến đổi khí hậu. Những năm qua kinh tế Việt Nam duy trì tốc độ trăng trưởng cao nhưng hàm lượng giá trị gia tăng còn thấp. Do đó, Việt Nam cần thực hiện đổi mới sáng tạo và cải thiện kỹ năng của lực lượng lao động, đảm bảo tăng trưởng song hành với chuyển đổi xanh để hướng tới mục tiêu Net Zero.

Chính phủ Việt Nam đang giảm dần đầu tư vào nhiệt điện và thay thế bằng các nguồn năng lượng xanh hơn là thuỷ điện, điện gió, điện mặt trời, đây là hướng đi đúng đắn để giảm phát thải. Tuy nhiên, chuyển đổi xanh cần nguồn đầu tư rất lớn, nếu chỉ trông chờ vào ngân sách đầu tư công sẽ không thể thực hiện được. Do đó, cần phát huy cơ chế hợp tác công tư (PPP) và nguồn cung cấp tài chính từ các ngân hàng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết: Việt Nam đang tập trung giải quyết ba vấn đề quan trọng là mất đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Các lĩnh vực trụ cột ưu tiên chuyển đổi xanh nhằm giảm thiểu carbon là vận tải, nông nghiệp, vật liệu xây dựng, tái chế các loại rác thải nhựa, kim loại, giấy để tạo giá trị mới.

Việt Nam cũng đang trong quá trình triển khai cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất trong việc thu gom tái chế (EPR) để nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp. Việc xây dựng thị trường tín dụng carbon sẽ là công cụ giúp Việt Nam từng bước giải quyết vấn đề giảm phát thải.

Chia sẻ về thị trường tín chỉ carbon của thế giới hiện nay, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết: Thị trường tín chỉ carbon thế giới chia làm hai nhóm là thị trường bắt buộc và tự nguyện; trong đó thị trường tín chỉ carbon bắt buộc đã có khung pháp lý rõ ràng.

Tính trên quy mô toàn cầu năm 2023 thị trường tín chỉ carbon bắt buộc đã có quy mô khoảng 100 tỷ USD, tăng 100% so với năm 2022. Trong khi đó, thị trường tín chỉ carbon tự nguyện chỉ còn khoảng 800 triệu USD, giảm 2/3 so với năm 2021.

Để đạt được mục tiêu Net Zero, trước hết phải đánh giá được nền kinh tế đang phát thải bao nhiêu, hấp thụ bao nhiêu carbon. Việc đo lường rất quan trọng, phát thải từ ngành nào, kế hoạch giảm của từng ngành ra sao từ đó mới áp dụng lộ trình cho từng doanh nghiệp, hình thành được thị trường tín chỉ carbon bắt buộc. Với thị trường tự nguyện, một số đơn vị đã mua bán tín chỉ carbon nhưng chủ yếu là doanh nghiệp FDI.

Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, tín chỉ carbon là xu hướng toàn cầu vì các Chính phủ đã xác định phải cùng nhau hành động để bảo vệ trái đất bằng việc chuyển đổi kinh tế phát thải cao sang kinh tế phát thải thấp. Do đó, để biến cam kết Net Zero thành hiện thực, Chính phủ, các bộ ngành, doanh nghiệp hành động cụ thể giảm phát thải carbon, trước hết thống nhất cách đo lường phát thải và giải pháp để giảm phát thải thực tế.

Ngay cả các quốc gia phát triển cũng không thể ngay lập tức cắt giảm hoàn toàn phát thải, do đó cần có lộ trình để giảm dần; quốc gia nào hành động càng sớm thì lợi thế càng cao.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Nghiệp, Luật sư Văn phòng Luật sư VTN và cộng sự cho rằng: Thị trường tín chỉ carbon đã được nhiều quốc gia vận hành nhưng tại Việt Nam vẫn là khái niệm khá mới mẻ. Dù đã được đề cập nhiều trong thời gian gần đây nhưng khung chính sách, quy định về thị trường tín chỉ carbon của Việt Nam vẫn chưa rõ ràng.

Doanh nghiệp chưa xác định được tín chỉ carbon có phải là tài sản hay không; việc đo đạc, báo cáo, thẩm định lượng phát thải thực hiện như thế nào, báo cáo cho ai... khiến họ loay hoay trong việc lên kế hoạch tài chính và chiến lược phát triển lâu dài.

Đề xuất một số giải pháp cụ thể, bà Nguyễn Thu, Trưởng phòng quan hệ khách hàng Công ty tư vấn quản lý MJ Apanada OPC Việt Nam cho rằng: Trong việc xây dựng khung chính sách có thể học hỏi kinh nghiệm quốc tế hoặc tự xây dựng cơ chế tính toán tín chỉ carbon riêng phù hợp với thực tế.

Từ góc độ doanh nghiệp, những nhân tố tham gia trực tiếp vào thị trường tín chỉ carbon, đội ngũ nhân sự chủ chốt cần nắm rõ tín chỉ carbon là gì, mang lại lợi ích thế nào cho doanh nghiệp cách thức vận hành của thị trường tín chỉ carbon. Hơn hết, cần thúc đẩy hợp tác công tư, hợp tác giữa doanh nghiệp và Chính phủ để sớm định hình thị trường tín chỉ carbon.

Nhấn mạnh đến yếu tố minh bạch của thị trường, ông Marco Gaspari, Điều phối viên Môi trường và Biến đổi Khí hậu, Cơ quan hợp tác phát triển Italia chia sẻ: Việt Nam có diện tích rừng ngập mặn lớn, có thể hấp thụ lượng lớn carbon, đồng thời bảo tồn đa dạng sinh học.

Để xây dựng thị trường tín chỉ carbon bền vững, ngay từ đầu cần đảm bảo tính minh bạch trong việc giảm thiểu phát thải carbon thực tế. Các đơn vị mua tín chỉ carbon cần xác định rõ mục đích sử dụng, cách tính toán để tìm được người bán uy tín.

Tương tự, bà Betty Pallard, Phó Chủ tịch Ủy ban Tăng trưởng xanh EuroCham Việt Nam chia sẻ: Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 92% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam, đây là nhóm doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng thị trường tín chỉ carbon.

Vì vậy, quá trình xây dựng khung pháp lý cho thị trường tín chỉ carbon của Việt Nam cần đưa ra tiêu chuẩn, phương án thẩm định phù hợp với quy mô, khả năng vận hành của doanh nghiệp. Bên cạnh đó cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi xanh, giảm phát thải bằng giải pháp, hành động cụ thể.

Xuân Anh