Sẽ thu 3.300 tỷ đồng dịch vụ môi trường rừng
Theo ông Lê Văn Thanh, năm 2024, các đơn vị quỹ cả nước ký mới được 218 hợp đồng sử dụng dịch vụ môi trường rừng. Đây là điều kiện tiên quyết và là cơ sở rất quan trọng để tổ chức thu nộp tiền dịch vụ môi trường rừng từ các đơn vị sử dụng dịch vụ thời gian tới.
Lũy kế từ khi triển khai chính sách đến nay cả nước đã ký được 1.803 hợp đồng; trong đó, 631 hợp đồng với cơ sở sản xuất thủy điện, 437 hợp đồng với cơ sở sản xuất nước sạch, 34 hợp đồng với cơ sở kinh doanh du lịch, 4 hợp đồng với cơ sở nuôi trồng thủy sản và 697 hợp đồng với cơ sở sản xuất công nghiệp.
Năm 2024, tổng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng đạt trên 3.760 tỷ đồng. Việc huy động nguồn thu mới từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng tiếp tục được triển khai. Ngày 15/3/2024, Ngân hàng Thế giới (WB) đã thanh toán số tiền còn lại là 10,3 triệu USD tương đương 259,98 tỷ đồng từ Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) đã ký. Như vậy, Việt Nam đã tiếp nhận đủ 51,5 triệu USD (tương đương 1.256 tỷ đồng) từ WB để bảo vệ và phát triển rừng, giảm mất rừng, suy thoái rừng và nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng, đặc biệt tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ.
Việc thực hiện ERPA đã đánh dấu mốc quan trọng khi lần đầu tiên Việt Nam chuyển nhượng thành công 10,3 triệu tấn CO2 (kết quả giảm phát thải khí nhà kính từ rừng tự nhiên vùng Bắc Trung Bộ) cho Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp (FCPF) thông qua WB, thu về 51,5 triệu USD tương đương 1.256 tỷ đồng để thực hiện chi trả cho trên 2,15 triệu ha rừng tự nhiên vùng Bắc Trung Bộ.
Việc triển khai thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ theo Nghị định số 107/2022/NĐ-CP của Chính phủ về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ đã đánh dấu mốc về bước khởi đầu mở ra tiềm năng mở rộng thêm loại dịch vụ môi trường rừng mới.
Đó là dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng, thúc đẩy chi trả dịch vụ môi trường rừng hướng tới phát triển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng và cảnh quan thiên nhiên của rừng, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Lê Văn Thanh đánh giá, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, hầu hết các loại dịch vụ môi trường rừng đã được triển khai, được các cấp chính quyền, tổ chức, cá nhân đồng tình ủng hộ và chủ động tham gia. Các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng ngày càng ý thức hơn trong việc thực hiện ký hợp đồng chi trả tiền dịch vụ này,
Việc triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn các tỉnh có những kết quả tích cực. Nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng đã cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân vùng rừng và các hộ nhận khoán, góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng và cảnh quan thiên nhiên của rừng, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng đã giải quyết một phần khó khăn về kinh phí hoạt động quản lý, bảo vệ rừng cho chủ rừng, cùng với nguồn ngân sách nhà nước giúp bảo vệ rừng hiệu quả.
Nguồn thu từ dịch vụ môi trưởng rừng đã hỗ trợ cho quản lý, bảo vệ 7,45 triệu ha rừng, chiếm 53,53% tổng diện tích rừng toàn quốc. Bên cạnh đó, nguồn thu này cũng đã góp phần giúp giải quyết khó khăn về kinh phí bảo vệ rừng cho 235 Ban quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ, 99 công ty lâm nghiệp và hàng trăm ngàn hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư.
Đặc biệt từ khi Chính phủ có chủ trương dừng khai thác chính gỗ từ rừng tự nhiên, nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng đã giúp các công ty lâm nghiệp duy trì, đứng vững, khôi phục sản xuất, có kinh phí hoạt động và hỗ trợ cho bảo vệ rừng trong quá trình sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty lâm nghiệp.