Xây dựng kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025
Mục tiêu tổng quát mà dự thảo kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 đưa ra là tạo sự thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tự chủ và khả năng thích ứng của nền kinh tế; từng bước hướng tới nền kinh tế dựa vào khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đảm bảo phát triển nhanh và bền vững.
Cùng với đó, củng cố nền tảng vĩ mô, tạo dư địa chính sách và cơ chế điều chỉnh linh hoạt để ứng phó trước những biến động bên ngoài. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thể chế nhằm khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; hình thành đầy đủ các yếu tố thị trường, phát triển các loại thị trường, các yếu tố sản xuất.
Từ đó, thúc đẩy phân bố và sử dụng nguồn lực xã hội vào các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và năng suất cao.
Bên cạnh đó, mục tiêu của kế hoạch cũng tập trung vào việc tiếp tục nâng cao nội lực của nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam; hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý theo không gian, nâng cấp chuỗi giá trị của các ngành; thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội số.
Trên cơ sở thống nhất với các chỉ tiêu tại các văn bản chính sách liên quan, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành và khả năng triển khai trên thực tế, dự thảo kế hoạch đưa ra các nhóm chỉ tiêu chủ yếu.
Cụ thể, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5%/năm; trong đó, tốc độ tăng năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trung bình đạt 6-7%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động của các vùng kinh tế trọng điểm và 5 thành phố trực thuộc Trung ương cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động trung bình cả nước. Cùng đó, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp và tăng trưởng đạt khoảng 45%.
Bên cạnh đó, tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước cả giai đoạn 2021-2025 bình quân 3,7%; tỷ lệ nợ công, nợ Chính phủ hằng năm trong phạm vi trần nợ công không quá 60% GDP; ngưỡng an toàn nợ công khoảng 55% GDP và trần nợ Chính phủ không quá 50% GDP; ngưỡng an toàn nợ Chính phủ khoảng 45% GDP.
Ngoài ra, cả nước phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước; xử lý cơ bản xong những yếu kém, thất thoát của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước.
Tỷ trọng tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm đạt khoảng từ 32-34% GDP, nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công đạt mức tiệm cận quốc tế. Nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng duy trì ở mức dưới 3%, từng bước phát triển thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp, bền vững.
Đến năm 2025, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 120% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt 55% GDP. Chỉ số chất lượng quản lý hành chính đất đai trong bộ chỉ số về năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) được công bố bởi Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đến năm 2025 tăng từ 10-15 bậc so với năm 2019.
Cả nước phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025; trong đó, từ 60.000-70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn. Đến năm 2025, tối thiểu từ 5-10 sản phẩm quốc gia xây dựng được thương hiệu trên thị trường quốc tế, góp phần cải thiện vị thế của ngành trên chuỗi giá trị toàn cầu. Kinh tế số chiếm 20% GDP và tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%...
Tại dự thảo kế hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các mục tiêu đề ra: hoàn thành cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, đầu tư công, ngân sách nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; củng cố nền tảng vĩ mô; phát triển các loại hình thị trường, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực.
Đồng thời, phát triển lực lượng doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy nội lực, tăng cường tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế; tăng cường liên kết vùng và phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn trong thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cấp chuỗi giá trị các ngành dựa vào ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.