Xây dựng Hoà Bình thắng kiện thêm một doanh nghiệp bất động sản
Ngày 20/2, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC) cho biết đã nhận được bản án có hiệu lực số 01/2023/KDTM-ST về việc "Tranh chấp hợp đồng thi công" của Tòa án Nhân dân TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, nguyên đơn là Xây dựng Hòa Bình và bị đơn là CTCP Bất động sản CT (CT Land).
Theo đó, Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Xây dựng Hoà Bình, buộc CT Land có nghĩa vụ trả cho doanh nghiệp này số tiền hơn 10,3 tỷ đồng.
CT Land thành lập năm 2008, là một thành viên trong hệ sinh thái của CT Group. Thông tin từ website của CT Group cho biết CT Land đang thừa hưởng quỹ đất trong nội thành với hàng nghìn ha ở các trục giao thông chính yếu của TP HCM và các thành phố giáp ranh như Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa –Vũng Tàu,…
Một trong các đơn vị thành viên của CT Land là CTCP Đầu tư Metro Star là công ty chuyên TOD số 1 Việt nam bám sát 8 tuyến Metro đang được đẩy nhanh tiến độ thi công tại TP HCM.
CT Land có các trụ cột là Công ty Metro Star, chuyên phát triển Green TOD với chuỗi các dự án nhà ở và thương mại dịch vụ dọc các ga tàu diện và phố chính. Công ty GSCT chuyên phát triển các đô thị xanh kết nối các đường vành đai chính của thành phố. Công ty DIYAS chuyên phát triển nhà Studio 4.0 cho giới trẻ.
Khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của Xây dựng Hoà Bình là khoản phải thu ngắn hạn với 8.492 tỷ đồng, trong đó có 4.980 tỷ phải thu của khách hàng và 3.083 tỷ phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng.
Ngành xây dựng dân dụng có mối liên hệ mật thiết với thị trường bất động sản. Thị trường bất động sản suy yếu, các chủ đầu tư bất động sản gặp nhiều khó khăn về dòng tiền, dẫn đến các nhà thầu phải trích lập dự phòng nợ khó đòi tăng đáng kể trong năm vừa qua.
Khó khăn của các chủ đầu tư đẩy nhà thầu này vào giai đoạn khó khăn nhất trong hơn 30 năm hoạt động. Đối với một số khách hàng chây ì trong việc thanh toán nợ, công ty buộc phải áp dụng các giải pháp pháp lý là đưa ra tòa.
Tính tới hết năm 2023, Xây dựng Hoà Bình phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi 2.127 tỷ đồng, giảm 378 tỷ đồng sau một quý.
Phó Chủ tịch Lê Viết Hiếu từng thông tin tới cổ đông, tổng nợ tính đến ngày 17/10/2023 bao gồm lãi chậm thanh toán còn khoảng 9.192 tỷ đồng. Các chủ đầu tư nợ nhiều nhất gồm: Novaland, Sun Group, Sunshine, Gamuda Land, Vingroup, Cocobay, Ecopark, MIKGroup, My Way Group.
Trước CT Land, Xây dựng Hoà Bình cũng thắng kiện với loạt doanh nghiệp. Tại thời điểm giữa tháng 10/2023, tổng số công nợ đã thu hồi được từ Tập đoàn FLC hơn 304 tỷ đồng, bao gồm tiền mặt và tài sản.
Toàn bộ công nợ này liên quan đến hợp đồng xây dựng giữa Xây dựng Hòa Bình với FLC tại dự án Khu đô thị du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn tại xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Trong đó 270 tỷ là tiền mặt, 34 tỷ đồng còn lại là do FLC ký chuyển nhượng bất động sản tại dự án Khu đô thị du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn để cấn trừ toàn bộ nghĩa vụ thi hành còn lại của FLC với Xây dựng Hòa Bình.
Cũng trong tháng 10/2023, Công ty TNHH Vì khoa học buộc phải thanh toán cho tập đoàn số tiền hơn 100 tỷ đồng và CTCP Xây dựng và Phát triển Đô thị phải thanh toán số tiền gần 162 tỷ đồng.