|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Xây dựng Hòa Bình muốn phát hành 47 triệu cổ phiếu cho 2 cá nhân giá 12.000 đồng/cp, vay ngân hàng tối đa 1.000 tỷ

11:21 | 22/05/2023
Chia sẻ
Một trong các nghị quyết HĐQT vừa công bố của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình là hai cổ đông chiến lược mới đầu tư vào công ty thông qua việc mua 47 triệu cổ phiếu phát hành thêm với giá 12.000 đồng/cp. Hai cá nhân này sẽ chiếm tổng số cổ phiếu đúng bằng số cổ phiếu của ông Lê Viết Hải đang nắm giữ tại tập đoàn.

 Ảnh tư liệu: MH.

Ngày 20/5, Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC) đã thông qua loạt nghị quyết chuyển nhượng, chào bán cổ phiếu mang tính chiến lược. Tất cả những giao dịch công bố dưới đây sẽ không sử dụng tiền mặt mà chỉ phát hành cổ phiếu và thu hồi những khoản tiền tạm ứng phục vụ cho mục đích kinh doanh của tập đoàn trước đây. Việc thu hồi các khoản tạm ứng này theo HBC là giúp cho tập đoàn có thêm nhiều tài sản nhằm nâng cao năng lực tài chính.

Thứ nhất, HĐQT đã thông qua việc chuyển nhượng 100% vốn góp của Công ty TNHH MTV Trung tâm đối mới Sáng tạo Hòa Bình cho Công ty TNHH Nuance hoặc bên mua thứ ba do Nuance chỉ định. Giá chuyển nhượng là 167 tỷ đồng.

Thứ hai, HĐQT HBC đã thông qua việc phát hành 47 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ với giá 12.000 đồng/cp, cao hơn 1,5 lần thị giá cổ phiếu HBC phiên 19/5 (7.900 đồng/cp), tương đương số tiền huy động 564 tỷ đồng. Số cổ phiếu này sẽ được phân phối cho hai cổ đông hiện đang nắm giữ 75% vốn góp của Công ty TNHH Bất động sản Thành Ngân (trụ sở tại 56 Hồ Tùng Mậu, quận 1, TP HCM).

Đồng thời, HĐQT cũng chủ trương mua lại 75% phần vốn góp của hai cổ đông nói trên tại Công ty TNHH Bất động sản Thành Ngân cũng với giá 564 tỷ đồng. Nếu thành công, HBC sẽ sở hữu 100% cổ phần của công ty đang có dự án tại 127 An Dương Vương, quận 6, TP. HCM.

Nói thêm, dự án có tổng diện tích 15.394,7 m2, đã được cấp Giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đất, trong đó diện tích đất cho nhà ở thương mại cao tầng và dịch vụ là 6.279,6 m2 và diện tích dành cho giáo dục là 6.567,5 m2, tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước là 218 tỷ đồng. Theo khảo sát giá thị trường tại những vị trí mặt tiền xung quanh đường An Dương Vương quận 6 này hiện đang giao dịch đều trên 100 triệu đồng/m2. 

Theo ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình đây dự án rất tiềm năng, sẽ mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn cho tập đoàn. Hai cổ đông chiến lược mới đầu tư vào HBC sẽ chiếm tổng số cổ phiếu đúng bằng số cổ phiếu của ông Lê Viết Hải có tên Phạm Quang Hàng và Mai Hữu Thung.

Thứ ba, HĐQT cũng đã chấp thuận mua 1 triệu cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Green+ với giá 16.000 đồng/cp, tương ứng số tiền cần chi là 16 tỷ đồng.

Thứ tư, HĐQT tập đoàn còn thông qua việc thực hiện đề nghị và giao dịch cấp tín dụng với Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) với hạn mức cấp ngắn hạn tối đa 2.000 tỷ đồng. Trong đó, hạn mức cho vay tối đa 1.000 tỷ đồng; hạn mức bảo lãnh tối đa 1.000 tỷ đồng. Mục đích, bổ sung vốn lưu động, bảo lãnh phục vụ hoạt động kinh doanh. Thời hạn tối đa 12 tháng kể từ ngày ký Hợp đồng tín dụng phát hành 5 triệu cổ phiếu cho Sanei Architechture Planning.

Đồng thời, công ty cũng chấp thuận tạm ứng cho bà Phạm Thị Quốc Hương số tiền 99,5 tỷ đồng để có 5 triệu cổ phiếu HBC nhằm đảm bảo cho việc thực hiện thỏa thuận phát hành cổ phiếu giữa Sanei Architecture Planning với công ty. Sanei Architecture Planning là nhà đầu tư Nhật Bản có dự định mua 5 triệu cổ phiếu riêng lẻ của HBC với mức giá 32.500 đồng/cp theo nghị quyết công bố năm ngoái.

HĐQT cũng chấp thuận việc mượn cổ phiếu của bên liên quan là gia đình ông Lê Viết Hải để thế chấp vào Ngân hàng MSB làm tài sản đảm bảo cho việc cấp bảo lãnh thanh toán đối với các gói trái phiếu. Đồng thời tạm ứng 266 tỷ đồng cho bà Phạm Thị Quốc Hương để giải chấp 45 triệu cổ phiếu của gia đình ông Lê Viết Hải tại một số công ty chứng khoán. Sau đó thế chấp số cổ phiếu này vào Ngân hàng MSB.

Thứ năm, HQT cũng đã thông qua việc mua lại toàn bộ cổ phần của ông Lê Viết Hải tại Công ty Pax International theo vốn thực góp được xác nhận là hơn 138 tỷ đồng.

Thứ sáu, HĐQT cũng thông qua thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của ông Lê Viết Hải và bà Bùi Ngọc Mai đối với 3 khu đất có tổng diện tích 7.218,6 m2 tại đường Phan Văn Hớn, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TPHCM với giá 120 tỷ đồng.

  Nguồn: Tổng hợp từ nghị quyết HĐQT ngày 20/5 của HBC.

Bên cạnh đó, HĐQT cũng công bố nghị quyết thành lập Công ty TNHH Quy hoạch và Kiến trúc Hòa Bình (viết tắt HPA) với vốn điều lệ 2 tỷ đồng, nguồn vốn lấy từ Tập đoàn HBC, ông Vũ Ngọc Kiên và một số cán bộ nhân viên trực thuộc tập đoàn.

Công ty con này sẽ chuyên về tư vấn thiết kế công trình dân dụng và công nghiệp, tư vấn thẩm tra và các dịch vụ khác thuộc lĩnh vực thiết kế. Ông Lê Viết Hiếu, Phó Chủ tịch HĐQT của HBC sẽ là người đại diện phần vốn góp của tập đoàn lại Công ty HPA.

Ngoài ra, HĐQT cũng chấp thuận việc chuyển 20 tỷ đồng mà ông Nguyễn Trung Thành tạm ứng thành khoản vay của cá nhân ông Nguyễn Trung Thành đối với tập đoàn. Khoản tạm ứng này ban đầu có mục đích nhằm phát triển khách hàng tiềm năng để tăng trưởng doanh thu.

HBC có thể thu về hơn 1.200 tỷ đồng từ các vụ kiện

Theo Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải, với các quyết định có tính chiến lược trên, tập đoàn sẽ sớm ổn định tình hình kinh doanh, vượt qua khó khăn thử thách. 

Ngoài ra, theo ông Lê Viết Hải trong tổng số 21 vụ kiện về việc chậm thanh toán, có 10 vụ kiện có phán quyết của tòa. Tất cả các vụ đã được xử HBC đều thắng kiện.

Trong đó số tiền nợ gốc ghi trong sổ sách kế toán là 829 tỷ đồng, tổng số tiền theo phán quyết bên bị đơn phải trả cho Hòa Bình lên đến 1.223 tỷ đồng bao gồm lãi chậm thanh toán và các chi phí phát sinh, tức cao hơn 47,5%.

Hiện nay, tổng số tiền đã thu hồi công nợ là 593 tỷ đồng, số tiền còn lại phải thu từ 10 vụ kiện đã thắng này là 630 tỷ đồng.

Ông Hải cũng cho biết thêm: Trong thời gian tới thị trường bất động sản sẽ hồi phục nên các công nợ sẽ dần được xử lý và ông tin chắc rằng tỷ lệ thu hồi không dưới 100% và cuối cùng số tiền thu về sẽ tăng thêm không dưới 15% số nợ gốc đã quá hạn.

Trong lịch sử kinh doanh của HBC, chưa có một khoản nợ nào trong báo cáo tài chính cần phải trình thông qua HĐQT để xóa đi do mất khả năng thu hồi nợ.

Mặt khác, áp dụng theo chuẩn mực kế toán quốc tế, trong thời gian tới HBC sẽ cho đánh giá lại tài sản vì số liệu ghi nhận trong sổ sách kế toán đã quá lạc hậu.

Ví dụ căn nhà 235 Võ Thị Sáu trụ sở cũ của Hòa Bình ghi nhận trong sổ sách chỉ 5,6 tỷ đồng vào năm 2000 bây giờ không thể dưới 100 tỷ đồng. Căn nhà 233 Võ thị Sáu, khu đất 1C Tôn Thất Thuyết, quận 4, TP HCM cũng tương tự.

Về giá trị còn lại của máy móc thiết bị có thể khẳng định là cao hơn rất nhiều so với giá trị ghi trong sổ sách kế toán.

Theo báo cáo tài chính 31/12/2022 tổng đầu tư máy móc thiết bị của HBC cho đến nay là 2.208 tỷ đồng đã khấu hao 1.305 tỷ đồng giá trị còn lại chỉ 903 tỷ đồng. Như vậy là giá trị còn lại chỉ tương đương 40% nguyên giá.

Trong khi thực tế hệ dàn giáo toàn bộ bằng sắt tráng kẽm nên không bị rỉ sét và hư hỏng nhiều. Các loại máy cẩu, vận thăng, máy bơm bê tông… tất cả đều trong tình trạng hoạt động tốt. Do trược giá thì giá mua mới hiện nay luôn cao hơn giá mua tài sản này theo nguyên giá.

Như vậy, trong thời gian tới HBC sẽ điều chỉnh vốn chủ sở hữu sau khi phát hành tăng vốn và định giá lại tài sản. Việc điều chỉnh tăng vốn chủ sở hữu này sẽ giúp tập đoàn đảm bảo hạn mức tín dụng, cải thiện năng lực tài chính để vượt qua khó khăn trước mắt về dòng tiền và sẽ giúp thanh toán hết được các công nợ cho các nhà cung cấp và nhà thầu phụ.

Minh Hằng